SpStinet - vwpChiTiet

 

Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ đáp ứng hội nhập CPTPP

Tại cuộc họp báo ngày 4/7/2019, công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật Quốc hội khóa 14 đã thông qua tại kỳ họp thứ 7, Thứ trưởng Bộ Công Thương - Trần Quốc Khánh cho biết: Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi đã được Quốc hội thông qua rất cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực hiện các cam kết hội nhập quốc tế, nhất là trong bối cảnh thực thi Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đối với 2 lĩnh vực này.    

Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ được sửa đổi, bổ sung nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về việc thi hành đầy đủ, nghiêm túc các cam kết hội nhập quốc tế; đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, khả thi, dễ tiếp cận, hiệu lực và hiệu quả của hệ thống luật; tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho cá nhân, tổ chức hoạt động hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội; đảm bảo tương thích với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đặc biệt là việc thực thi cam kết tại Hiệp định CPTPP.

luat kinh doanh bao hiem luat so huu tri tue dap ung hoi nhap cptpp
Họp báo công bố 7 luật Quốc hội khóa 14 thông qua tại kỳ họp thứ 7

Trong đó, Luật Kinh doanh bảo hiểm đã bổ sung các quy định giải thích từ ngữ đối với dịch vụ phụ trợ bảo hiểm; tư vấn bảo hiểm; đánh giá rủi ro bảo hiểm; tính toán bảo hiểm; giám định tổn thất bảo hiểm; hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm. Đồng thời, bổ sung quy định về quyền tham gia các tổ chức xã hội nghề nghiệp của tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm. Sửa đổi, bổ sung quy định về nội dung quản lý nhà nước đối với hoạt động phụ trợ bảo hiểm. Khoản 1, khoản 4, điều 120 Luật kinh doanh bảo hiểm đã được sửa đổi, bổ sung quy định về ban hành và hướng dẫn thực hiện các văn bản pháp luật về phụ trợ bảo hiểm; giám sát đối với cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm. Đồng thời, bổ sung khoản 9a, điều 124 quy định về hành vi vi phạm pháp luật về cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm.

Nhằm tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân đang hoạt động phụ trợ bảo hiểm có thời gian chuẩn bị để đáp ứng các điều kiện cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm và đảm bảo chế tài thực hiện, điều 4, Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi đã đã quy định điều khoản chuyển tiếp: “Trong thời hạn 1 năm luật này có hiệu lực, tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm phải đáp ứng các điều kiện cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm theo quy định tại luật này. Trường hợp sau 1 năm không đáp ứng được các điều kiện theo quy định, thì cá nhân, tổ chức không được tiếp tục cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm cho đến khi đáp ứng đủ điều kiện.

Luật Kinh doanh bảo hiểm sửa đổi cũng đã bổ sung mục 32a vào sau mục 32 Phụ lục 4 Danh mục ngành nghề, đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 90/2015/QH13, Luật số 03/2016/QH14, Luật số 04/2017/QH14 và Luật số 28/2018/QH14 với nội dung: “32a. Dịch vụ phụ trợ bảo hiểm bao gồm tư vấn bảo hiểm, đánh giá rủi ro bảo hiểm, tính toán bảo hiểm, giám định tổn thất bảo hiểm, hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm”.

luat kinh doanh bao hiem luat so huu tri tue dap ung hoi nhap cptpp
Thứ trưởng Bộ Công Thương - Trần Quốc Khánh phát biểu tại họp báo

Đối với Luật Sở hữu trí tuệ, đã sửa đổi, bổ sung các nội dung về sáng chế, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp. Trong đó, về sáng chế, sửa đổi điều 60 theo hướng dành các đơn nộp vào Việt Nam hưởng ngoại lệ rộng hơn (không giới hạn về địa điểm bộc lộ và thời gian là 12 tháng kể từ ngày thông tin bị bộc lộ).

Về chỉ dẫn địa lý, sửa đổi khoản 1, điều 80 về cách đánh giá một thuật ngữ là tên gọi chung của hàng hóa tại Việt Nam, bổ sung quy định việc đánh giá phải dựa trên cách hiểu của người tiêu dùng tại Việt Nam; sửa đổi khoản 3, điều 80 về đánh giá khả năng gây nhầm lẫn của chỉ dẫn địa lý với nhãn hiệu. Bổ sung điều 120a về công nhận và bảo hộ chỉ dẫn địa lý theo điều ước quốc tế, trong đó xác định việc công bố, xử lý ý kiến của người thứ 3 đánh giá điều kiện bảo hộ đối với chỉ dẫn địa lý trong đề nghị quốc tế được thực hiện theo các quy định tương ứng tại luật này đối với chỉ dẫn địa lý trong đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý được nộp cho cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp.

Tại kỳ hợp thứ 7, khóa 14, Quốc hội đã thảo luận và thông qua các luật: Luật Quản lý thuế sửa đổi; Luật Kiến trúc; Luật Thi hành án hình sự sửa đổi; Luật Giáo dục sửa đổi; Luật Kinh doanh bảo hiểm; Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi; Luật Phòng chống tác hại của rượu bia.

Về nhãn hiệu, bổ sung vào điều 89 Luật Sở hữu trí tuệ quy định đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp được nộp dưới hình thức văn bản là dạng giấy cho cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp hoặc dạng điện tử theo hệ thống nộp đơn trực tuyến. Sửa đổi khoản 2, điều 136 về nghĩa vụ sử dụng nhãn hiệu; sửa đổi khoản 2, bổ sung khoản 3, điều 148 quy định về hợp đồng chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu nhằm đáp ứng quy định tại điều 18.27 của Hiệp định CPTPP về việc không được yêu cầu phải đăng ký để xác định hiệu lực của của việc chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu, phải coi việc sử dụng nhãn hiệu của bên được chuyển quyền là sử dụng nhãn hiệu của chủ sở hữu liên quan đến các thủ tục xác lập, duy trì và bảo vệ đối với nhãn hiệu.

Về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Liên quan đến biện pháp dân sự: Sửa đổi khoản 1, điều 205 bổ sung quy định cách tính giá trị trong việc quyết định bồi thường thiệt hại để đáp ứng nghĩa vụ tại điều 18.74.4 tại Hiệp định CPTPP; bổ sung khoản 4, điều 198 quy định tòa án có quyền yêu cầu bên thua kiện phải thanh toán cho bên thắng kiện để đáp ứng nghĩa vụ tại điều 18.74.10 Hiệp định CPTPP; bổ sung khoản 5, điều 198 quy định bồi thường thiệt hại do lạm dụng thủ tục bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ để đáp ứng nghĩa vụ tại điều 18.74.15 Hiệp định CPTPP. Liên quan đến kiểm soát biên giới: Sửa đổi khoản 1, điều 218 đáp ứng nghĩa vụ tại điều 18.76.4 Hiệp định CPTPP, theo đó, quy định về nghĩa vụ cung cấp thông tin cho chủ thể quyền của cơ quan hải quan trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày ra quyết định áp dụng biện pháp hành chính để xử lý đối với hàng hóa giả mạo về nhãn hiệu và hàng hóa sao chép lậu.

Các quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi có hiệu lực từ ngày 14/1/2019 đối với các trường hợp:

Đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp có ngày nộp từ 14/1/2019. Yêu cầu hủy bỏ hiệu lực bằng độc quyền sáng chế, bằng độc quyền giải pháp hữu ích, giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý được cấp trên cơ sở đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp có ngày nộp từ 14/1/2019. Chấm dứt hiệu lực của giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu được thực hiện từ ngày 14/1/2019…

Đối với các đơn đăng ký sáng chế, chỉ dẫn địa lý nộp trước ngày 14/1/2019, được tiếp tục xử lý theo Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 36/2009/QH12. Các hợp đồng sử dụng nhãn hiệu đã ký kết giữa các bên nhưng chưa đăng ký với cơ quan quản ký nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp trước ngày 14/1/2019 có giá trị pháp lý đối với bên thứ 3 kể từ ngày 14/1/2019. Các vụ kiện xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đã được cơ quan có thẩm quyền thụ lý trước ngày 14/1/2019 nhưng chưa giải quyết xong thì áp dụng Luật Sở hữu trí tuệ số 50/2005/QH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều tại Luật số 36/2009/QH12 để giải quyết.

Ngọc Quỳnh - Cấn Dũng

Nguồn: Báo Công Thương

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả