SpStinet - vwpChiTiet

 

TP.HCM: Xúc tiến việc nghiên cứu xử lý rác thải thành điện

Các nhà quản lý (các sở, ban, ngành tại TP.HCM; Bộ Công thương; Hiệp hội Công nghiệp Môi trường Việt Nam), các nhà khoa học, các chuyên gia trong và ngoài nước (từ các trường, viện… thuộc lĩnh vực xử lý rác thải, môi trường ) vừa có dịp ngồi lại với nhau cùng trao đổi; bàn hướng xử lý rác thải cho TP.HCM thông qua hội thảo với chủ đề “Giải pháp xử lý rác đô thị- Nghiên cứu công nghệ và tính khả thi” do Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức.

Mục tiêu của hội thảo này là đánh giá lại hiện trạng, đề xuất những giải pháp, công nghệ có tính khả thi để tận dụng nguồn năng lượng to lớn từ rác thải cũng như xử lý rác thải đô thị tại TP.HCM hiệu quả hơn trong thời gian tới...

Giảm khí thải nhà kính

Hiện nay, với dân số hơn 9 triệu dân, tổng khối lượng chất thải rắn đô thị phát sinh trên địa bàn TP.HCM ước tính khoảng 7.500 – 8.000 tấn/ngày. Hầu hết khối lượng rác thải này, bao gồm cả chất thải nguy hại, đều được xử lý bằng cách chôn lấp gây ô nhiễm nước, ô nhiễm đất, ô nhiễm mùi và thải ra nhiều chất khí gây hiệu ứng nhà kính.

Để giải quyết vấn đề đó, những năm gần đây, TP.HCM đã đầu tư nhiều giải pháp để xử lý. Tuy nhiên,do quỹ đất tại TP.HCM ngày càng thu hẹp và lượng rác thải lại ngày càng tăng, ước tính khoảng 7-8%/năm, nên TP.HCM vẫn phải không ngừng tìm kiếm giải pháp hữu hiệu hơn. Tại hội thảo “Giải pháp xử lý rác đô thị- Nghiên cứu công nghệ và tính khả thi” các nhà khoa học, các chuyên gia đã giới thiệu và trình bày nhiều chính sách, công nghệ, giải pháp đầu tư  hiệu quả cho bài toán xử lý rác thải.  Dịp này các nhà khoa học, các chuyên gia cũng đã đưa ra một số ý kiến tư vấn cho lãnh đạo Thành phố lựa chọn phương án đầu tư cũng như công nghệ tối ưu nhất phù hợp với hiện trạng của TP.HCM.

Tại các nước phát triển, nhiều công nghệ hiện đại đã được áp dụng trong việc thu gom và xử lý rác thải đô thị, từ đó vừa giải quyết vấn đề ô nhiễm, tạo mỹ quan đô thị, vừa tận dụng được nguồn năng lượng rác thải để sản xuất điện, phân bón, thu hồi khí phát điện… Hội thảo “Giải pháp xử lý rác đô thị- Nghiên cứu công nghệ và tính khả thi” đã giới thiệu một số công nghệ xử lý rác hiệu quả của Nhật Bản, Hàn Quốc, Phần Lan… trình bày các ưu, nhược điểm riêng của từng giải pháp công nghệ làm cơ sở cho TP.HCM lựa chọn áp dụng giải pháp phù hợp.

Theo đánh giá của các chuyên gia, nếu áp dụng tốt công nghệ tái chế rác thải, các mô hình thu hồi khí sẽ góp phần giảm khí thải nhà kính lên tới 0,68 tấn CO2/tấn rác. Đặc biệt, nếu tái sử dụng nguồn năng lượng thay thế năng lượng hóa thạch thì con số này sẽ là một đóng góp đáng kể cho ngành năng lượng.
 


Quy trình xử lý rác thải sinh hoạt sau phân loại thành phân hữu cơ bán thành phẩm bằng công nghệ vi sinh vật, của GS.TS Trần Kim Qui- Viện công nghệ hoá sinh ứng dụng TP.HCM thực hiện.

Nên coi việc phát điện là hoạt động tận thu

Tại hội thảo TS. Nguyễn Huy Hoàn, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương đã có một số ý kiến đóng góp như sau: Lượng rác thải sinh hoạt (CTR)  phát sinh của cả nước hiện khoảng 76.000 tấn/ngày (khoảng 28 triệu tấn/năm); trong đó, CTR sinh hoạt phát sinh khoảng 52.000 tấn/ngày (19 triệu tấn/năm). Lượng CTR phát sinh nhiều nhất ở các đô thị và KCN. Tại TP.HCM lượng CTR sinh hoạt phát sinh 7.500 – 8.000 tấn/ngày (0,9 kg/người/ngày). Thành phần CTR sinh hoạt gồm: rác hữu cơ, lá, cây là khoảng 50%; đất, cát, sành sứ thủy tinh … vào khoảng 37,5%; kim loại, vỏ đồ hộp khoảng 2,5%; vật liệu cháy được (nylon, cao su, nhựa, giấy …) là khoảng 10%.

Thực trạng xử lý CTR hiện nay tại Việt Nam công nghệ xử lý chủ yếu là chôn lấp (80%); đốt và xử lý làm phân vi sinh (20 %). Về chôn lấp, đang có khoảng 98 bãi chôn lấp (trong đó có 16 bãi được cho là hợp vệ sinh) và 458 bãi rác quy mô khác nhau. Phần lớn các bãi chôn lấp không được đầu tư bài bản và các bãi rác lộ thiên ở các địa phương đều không hợp vệ sinh luôn tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm đất, nguồn nước, không khí và phát thải khí nhà kính. Về xử lý vi sinh làm phân compost và đốt rác, vẫn chưa có mô hình thu gom, phân loại, xử lý, tái chế CTR sinh hoạt phù hợp, hiệu quả.

Một số địa phương đã đầu tư nhà máy xử lý CTR sinh hoạt thành phân compost (như Nhà máy xử lý rác thải Hạ Long ở Quảng Ninh) nhưng chất lượng phân compost sản xuất ra còn chưa cao, khó tiêu thụ. Một số công ty trong nước đã sản xuất và một số địa phương đã đầu tư các lò đốt CTR nhưng quy mô công suất nhỏ, công nghệ chưa tiên tiến, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh ô nhiễm môi trường thứ cấp.

Giải pháp thiêu đốt kết hợp thu hồi nhiệt, phát điện là xu hướng tiên tiến và phổ biến của nhiều nước. Tỉ trọng xử lý CTR bằng thiêu đốt kết hợp phát điện ở một số nước như sau: Singapore 100%; Thụy Sĩ 80%; Nhật Bản 73%; Đan Mạch 70%; Thụy Điển 55%; Hà Lan 51%; Pháp 38%; Đức 32% … Ở Trung Quốc, phương hướng chủ đạo trong xử lý CTR sinh hoạt là chuyển từ chôn lấp sang đốt phát điện. Công suất đốt rác phát điện tăng từ 124.000 tấn/ngày năm 2012 lên 300.000 tấn/ngày năm 2015

Ưu điểm của xử lý CTR bằng đốt có phát điện là: thời gian xử lý CTR nhanh; khối lượng CTR còn sau xử lý nhỏ (10-15% CTR đã phân loại); nhu cầu sử dụng đất thấp (phù hợp các đô thị); Mức độ kiểm soát và giảm thiểu ô nhiễm thứ cấp tốt; loại bỏ được các chất độc hại triệt để; Khả năng tái sử dụng chất thải (thu hồi năng lượng, kim loại) cao; giảm thiểu tác động môi trường so với chôn lấp: giảm phát sinh nước rỉ bãi rác và khí bãi rác.

Có thể nói xử lý CTR (bao gồm cả CTR sinh hoạt) bằng phương pháp đốt có thu hồi năng lượng, phát điện là xu hướng tiên tiến, cho phép xử lý nhanh, hợp vệ sinh và triệt để rác thải, không chiếm nhiều diện tích đất, không gây ô nhiễm đất và nước ngầm và đang được nhiều nước trên thế giới lựa chọn áp dụng; xu hướng này rất phù hợp áp dụng cho TP.HCM.

Một số vấn đề cần lưu tâm khi triển khai việc xử lý CTR bằng đốt có phát điện tại TP.HCM  nói riêng, hay cả nước nói chung là khi xem xét các dự án đốt rác sinh hoạt phát điện cần tính đến đặc thù của rác thải sinh hoạt của Việt Nam để lựa chọn các giải pháp công nghệ và mức độ tiền xử lý phù hợp. Các dự án đầu tư đốt rác có phát điện cần có quy mô đủ lớn, lựa chọn công nghệ tiên tiến để đảm bảo hiệu quả xử lý, không gây ô nhiễm thứ sinh. Chỉ nên coi việc phát điện là hoạt động tận thu, đồng hành, hỗ trợ bù chi phí cho hoạt động xử lý rác...

 
Công ty Môi trường Đô thị TP.HCM cho biết, hướng quy hoạch quản lý CTR tại TP.HCM trong giai đoạn từ năm 2016 đến 2020 là tiếp tục duy trì 2 khu xử lý CTR Tây Bắc (Củ Chi) và Đa Phước (Bình Chánh) với công suất tiếp nhận CTR sinh hoạt khoảng từ 10.000 đến 12.000 tấn/ngày. TP.HCM đang kêu gọi đầu tư 2 dự án, cụ thể là dự án đầu tư xây dựng 1 nhà máy sản xuất phân compost từ rác, công suất 1.000 tấn/ngày (diện tích xây dựng khoảng 23 ha); và dự án đầu tư xây dựng 2 nhà máy đốt CTR sinh hoạt kết hợp phát điện với công suất mỗi nhà máy khoảng 1.000 tấn rác/ngày (khoảng 20 ha) tại Khu liên hiệp xử lý CTR Phước Hiệp (Củ Chi).

Một số loại hình xử lý rác hiện đang được TP.HCM ưu tiên kêu gọi đầu tư là: tái sử dụng; tái sinh; tái chế các loại phế thải và phế liệu; sản xuất khí sinh học từ bãi chôn lấp vệ sinh hay thiết bị lên men kỵ khí, và phát điện kết hợp chế biến phân compost và phân hữu cơ; sản xuất nhiên liệu và phát điện; đốt kết hợp phát điện...
 
Nguồn: Khoa học Phổ thông

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả