SpStinet - vwpChiTiet

 

Hội thảo khoa học “Những vấn đề pháp lý quốc tế và quốc gia về sử dụng khoảng không vũ trụ vì mục đích hòa bình”

Ngày 31/7/2010, tại Hà Nội, Trung tâm Luật biển và hàng hải quốc tế đã tổ chức hội thảo khoa học “Những vấn đề pháp lý quốc tế và quốc gia về sử dụng khoảng không vũ trụ vì mục đích hòa bình”. Bước đi đầu tiên nhằm chuẩn bị xây dựng chính sách pháp luật về hoạt dộng vũ trụ của Việt Nam.

Đây là công trình khoa học cấp Nhà nước đầu tiên trong Chương trình Khoa học công nghệ vũ trụ của Việt Nam. Trung tâm Luật biển và hàng hải quốc tế (Khoa Luật – Đại học Quốc gia Hà Nội) đã được Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) và Viện KH&CN Việt Nam giao nhiệm vụ chủ trì thực hiện đề tài trên. Đề tài được thực hiện trong hai năm (2009-2010).
Trong thời gian qua, Trung tâm Luật biển và hàng hải quốc tế đã triển khai nhiều hoạt động thu thập, nghiên cứu tài liệu trong và ngoài nước, nghiên cứu chuyên đề với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực KHCN vũ trụ và khoa học pháp lý. Hội thảo trên nhằm thảo luận, trao đổi, đóng góp ý kiến cho định hướng và nội dung nghiên cứu của Đề tài.
Ngoài nhóm các điều ước cơ bản về vũ trụ do Liên hợp quốc xây dựng, nhóm các văn kiện pháp lý liên quan đến việc sử dụng khoảng không vũ trụ của các tổ chức quốc tế, còn có trên 370 Hiệp định song phương và các văn bản pháp lý khác giữa các nước trên thế giới về vấn đề này.
Theo kết quả nghiên cứu bước đầu của Đề tài, hiện có nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật về hoạt động vũ trụ trong đó có thể kể đến hơn 10 quốc gia tiêu biểu, đó là: Hoa Kỳ, LB Nga, Australia, Argentina, Pháp, Đức, Thụy Điển, Ucraina, Anh, Hàn Quốc, Hà Lan, Nam Phi, Nhật Bản, Trung Quốc.
Việt Nam hiện đang thực hiện “Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020” (theo Quyết định số 137/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 14/6/2006. Việt Nam cũng đang chuẩn bị dự án xây dựng Khu nghiên cứu và triển khai công nghệ vũ trụ triển khai trên diện tích 9 ha tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc với tổng nguồn vốn đầu tư 350 triệu USD vay ưu đãi ODA từ Nhật Bản. Việt Nam đã đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ làm chủ công nghệ chế tạo các trạm mặt đất, tự chế tạo các trạm mặt đất có giá cạnh tranh; làm chủ công nghệ vệ tinh nhỏ, tự thiết kế và chế tạo vệ tinh nhỏ quan sát trái đất; làm chủ được công nghệ và kỹ thuật tên lửa; chế tạo và phóng thêm một số vệ tinh nhỏ quan sát trái đất, thay thế một phần nhu cầu mua ảnh vệ tinh của nước ngoài; hoàn chỉnh hệ thống các trạm định vị nhờ vệ tinh.

QA (Bộ KH&CN)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả