SpStinet - vwpChiTiet

 

Đại học Bách Khoa TP.HCM khai mạc hội nghị KH&CN lần thứ 14

Sáng 29/10/2015, Hội nghị khoa học và công nghệ (KH&CN) lần thứ 14 của Đại học Bách khoa TP.HCM chính thức khai mạc. Hội nghị diễn ra từ 29/10 - 01/11/2015, bao gồm một ngày dành cho phiên toàn thể và các ngày còn lại cho 55 phân ban chuyên ngành, với gần 930 bài báo khoa học đăng trên kỷ yếu hội nghị.

Hội nghị KH&CN Đại học Bách khoa được tổ chức 2 năm một lần, nhằm tổng kết và đánh giá công tác nghiên cứu khoa học (NCKH) và chuyển giao công nghệ (CGCN); tạo diễn đàn trao đổi học thuật, trao đổi kinh nghiệm triển khai các hoạt động NCKH và CGCN giữa các nhà khoa học, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước.

Theo PGS. TS. Vũ Đình Thành (Hiệu trưởng Đạihọc Bách Khoa TP.HCM), với định hướng đẩy mạnh các hoạt động NCKH, qua đó đẩy mạnh công tác CGCN phục vụ sản xuất, nhà trường đã chú trọng đầu tư vào cơ sở vật chất phục vụ NCKH. Cụ thể, nhà trường đang sở hữu hàng trăm phòng thí nghiệm và xưởng thực nghiệm, trong đó có hai phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia và nhiều phòng thí nghiệm trọng điểm Đại học Quốc gia. Với nguồn nhân lực KH&CN có chất lượng, cơ sở vật chất phục vụ KH&CN được đầu tư, nhà trường đã chủ trì và thực hiện thành công nhiều nhiệm vụ KH&CN các cấp và đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Trong đó, nhiều kết quả NCKH đã được áp dụng thành công trong thực tiễn sản xuất, phục vụ cộng đồng.

Với mục đích thu hút sự quan tâm nhiều hơn nữa đối với các hướng nghiên cứu mũi nhọn của nhà trường cũng như thúc đẩy sự hợp tác nghiên cứu giữa các nhà khoa học từ các chuyên ngành khác nhau, hội nghị lần này dành riêng 4 phân ban liên ngành cho mảng nghiên cứu năng lượng bền vững. Số phân ban quốc tế trong hội nghị lần thứ 14 cũng được chú trọng nâng cao, với số lượng lên đến gần 50% (27/55 phân ban). Bên cạnh đó, hoạt động triển lãm các thành tựu KH&CN nổi bật của Đại học Bách khoa trong 2 năm gần đây cũng được tổ chức, với chủ đề “Sáng chế và sản phẩm trong nghiên cứu ứng dụng - hướng đến hội nhập Asean và TPP”.
 

Triển lãm các sản phẩm NCKH trong khuôn khổ hội nghị. Ảnh: LV.

Ở phiên toàn thể (ngày 29/10), hội nghị đã đề cập đến một số vấn đề lớn về KH&CN của đất nước cũng như thế giới: dữ liệu lớn (big data); ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam - thách thức và cơ hội; liên kết giữa viện/trường, doanh nghiệp và nhà nước. Đặc biệt, trong phiên toàn thể cũng diễn ra hội nghị “Mô phỏng và sáng chế trong khoa học ứng dụng”. Các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và các đại diện doanh nghiệp đã cùng thảo luận các vấn đề: KH&CN - từ đề xuất, đặt hàng đến ứng dụng; đầu tư khởi nghiệp, đầu tư mạo hiểm; quy định pháp lý và các giải pháp khai thác thương mại hóa sáng chế; kết nối nghiên cứu - sáng chế với sản xuất - kinh doanh,… nhằm tìm kiếm giải pháp nâng cao chất lượng NCKH và hiệu quả CGCN phục vụ phát triển cộng đồng.
 

Nhà sáng chế Thân Thế Hào trình bày về sáng chế dụng cụ chỉ báo dòng chảy. Ảnh: LV.
 
Tại đây, các nhà sáng chế, doanh nghiệp cùng nhau chia sẻ những câu chuyện về kinh doanh sản phẩm sáng chế như: giải pháp lò nướng thân thiện môi trường và sức khỏe con người (ông Nguyễn Quang Ngọc, Công ty CP Trái đất Xanh tươi); giường đặc biệt phòng chống hoại tử cho bệnh nhân bất động (ông Nguyễn Long Uy Bảo, Công ty TNHH KH&CN Đầu tư Nguyễn Minh); dụng cụ chỉ báo dòng chảy (ông Thân Thế Hào, Công ty TNHH Ninh Phong); mô phỏng cơ học vật liệu (ThS. Cao Nhân Tiến, ĐH Quốc gia Singapore), mô phỏng CDSIO trong sáng chế (TS. Nguyễn Tường Long, Đại học Bách khoa TP.HCM),…
Lam Vân

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả