SpStinet - vwpChiTiet

 

Nông nghiệp thông minh trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Ngày 8/12, Tạp chí Thế giới Vi tính phối hợp cùng Hội Tin học TP.HCM, Nhà văn hóa Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TP.HCM tổ chức hội thảo “Nông nghiệp thông minh trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”. Với những thông tin và phân tích, đánh giá về xu hướng nông nghiệp thông minh hiện nay, hội thảo thu hút hơn 200 khách mời là đại diện các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh thành lân cận đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã và đang diễn ra mạnh mẽ trên phạm vi toàn cầu, trong đó có Việt Nam, mang theo làn sóng công nghệ bùng nổ trong các lĩnh vực như dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây (Cloud Computing) và nổi bật là Internet vạn vật (IoT). Việt Nam là quốc gia có lợi thế lớn về nông nghiệp, nhưng trong nhiều năm qua còn hạn chế so với các quốc gia khác, nền nông nghiệp bị tụt hậu khá nhiều so với thế giới lẫn các nước trong khu vực. Chính vì thế, việc hướng đến xây dựng một nền nông nghiệp thông minh là điều cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Các diễn giả tại hội thảo là các chuyên gia trong lĩnh vực giải pháp công nghệ thông tin ứng dụng trong nông nghiệp đã trình bày các tham luận như: Giải pháp CNTT cho nông nghiệp thông minh - Xu hướng thế giới và thực trạng tại Việt Nam; Nhu cầu và thực tế phát triển giải pháp IoT cho nông nghiệp Việt Nam; Nền tảng trí tuệ nhân tạo cho nông nghiệp thông minh; Xúc tiến thương mại ngành nông nghiệp - lương thực - thực phẩm qua mạng xã hội kinh doanh;…

Theo ông Vũ Anh Tuấn (Tổng Thư ký Hội Tin học TP.HCM), với sự tiến bộ của công nghệ, nông nghiệp công nghệ cao điều khiển tự động bằng IoT tùy theo chu kỳ sinh trưởng của thực vật và điều kiện môi trường sẽ giúp người nông dân không cần can thiệp quá sâu vào quá trình sản xuất, giảm tiêu hao nhân lực, đồng thời có thể kết hợp trồng trọt chăn nuôi với nuôi trồng thủy sản. Mặt khác, ứng dụng IoT vào quy trình canh tác nông nghiệp tự động còn giúp hạn chế được lượng thức ăn thừa và không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, từ đó sản phẩm nông nghiệp dễ thương mại hóa hơn với chất lượng đảm bảo, truy xuất nguồn gốc xuất xứ rõ ràng và hỗ trợ mua bán nhanh, hữu hiệu hơn. việc ứng dụng IoT vào nông nghiệp hiện nay không còn quá phức tạp. Chỉ cần lắp thêm các hệ thống cảm biến, xây dựng một hệ thống quản lý dữ liệu trên máy tính và thiết bị di động là có thể sử dụng ngay. Giá thành của các thiết bị IoT hiện nay không còn đắt đỏ và ngày càng nhiều doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp trong nước cung cấp các thiết bị này.

Theo ông Phạm Hoài Trung (Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc mạng xã hội thương mại Aziba), việc ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp là rất quan trọng, đặc biệt là khâu cung ứng và phân phối sản phẩm. Để tăng cường khả năng tiêu thụ nông sản, các nhà cung cấp cần xây dựng mô hình kho hàng số để kịp thời cung cấp thông tin hàng hóa đến người tiêu dùng cả về thời gian lẫn số lượng và chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, các nhà cung cấp cũng cần gia tăng dịch vụ chăm sóc khách hàng bằng nhiều hình thức khác nhau như cung cấp, chào mua những mặt hàng mới một cách nhanh nhất.

Ông Trần Viết Huân (Tư vấn trưởng về chuyển đổi số, Microsoft Việt Nam) cho biết, để tăng sản lượng trồng trọt và đưa thông tin sản xuất đến người tiêu dùng, Microsoft cung cấp mô hình chuyển đổi sang nông nghiệp số tập trung vào con người là chủ yếu. Giải pháp này có khả năng sáng tạo nhiều tác vụ điện toán cá nhân, xây dựng dịch vụ đám mây thông minh và tái tạo quy trình sản xuất và kinh doanh. Mặt khác, mô hình mới còn giúp gia tăng tương tác với người nông dân, tăng cường cung cấp và quản lý thông tin cho cơ quan quản lý nhà nước, tối ưu hạ tầng và nhiệm vụ của nông nghiệp, chuyển đổi và tăng tốc thương mại hóa nông sản. Với hệ thống dữ liệu lớn được chuẩn hóa, tích hợp và có thể mở rộng, mô hình nông nghiệp số của Microsoft đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp quản lý nhiều nông trại lớn, cần khả năng xử lý dữ liệu và ra quyết định nhanh, với đầy đủ công đoạn từ lập kế hoạch, sản xuất, thu hoạch, lưu chứa, vận chuyển, chế biến, phân phối đến bán lẻ nông sản.

Tại hội thảo, các chuyên gia và khách mời cũng trao đổi, giải đáp thông tin về các giải pháp, dịch vụ cần đáp ứng trong các chuỗi sản xuất, cung ứng trong lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất lương thực, thực phẩm sạch cho người dân.

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả