SpStinet - vwpChiTiet

 

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân: Xây dựng chính quyền chung cho đô thị sáng tạo phía Đông

Khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TP.HCM (gọi tắt là khu đô thị sáng tạo phía Đông) được tích hợp từ 3 quận: quận 2, 9 và Thủ Đức nên cần bộ máy chính quyền quản lý tương ứng. Khi chưa có chính quyền chung (khả năng là thành phố phía Đông, trực thuộc UBND TP.HCM) thì UBND TP.HCM phải chỉ đạo để đảm bảo mọi quy hoạch cũng như việc triển khai đầu tư của 3 quận này được giám sát, thực hiện đồng bộ.

Ngày 23/11, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM, tham dự Hội thảo "Định hướng quy hoạch khu đô thị sáng tạo tương tác cao phía Đông TP.HCM" (gọi tắt là khu đô thị sáng tạo phía Đông), do UBND TP.HCM tổ chức. Cùng dự có đồng chí Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP.HCM.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân: Xây dựng chính quyền chung cho đô thị sáng tạo phía Đông ảnh 1
Hội thảo Định hướng quy hoạch Khu đô thị sáng tạo tương tác cao
phía Đông TP.HCM. Ảnh: Việt Dũng

6 khu chức năng của khu đô thị sáng tạo

Tại hội thảo, đại diện đơn vị đạt giải Nhất cuộc thi là Công ty Sasaki Associates, Inc., (Mỹ) giới thiệu về phương án đề xuất, nhấn mạnh đến mô hình 3 “nhà” (với sự hợp tác chặt chẽ giữa nhà khoa học, doanh nghiệp và Nhà nước) xây dựng nên các khu đô thị sáng tạo. Song, nhóm thứ tư là cộng đồng dân cư ngày càng quan trọng đối với sự phát triển về đổi mới sáng tạo. 

Ở khu đô thị sáng tạo này, nền kinh tế sáng tạo sẽ là động lực chính để phát triển đô thị trong tương lai. Việc tận dụng hiệu quả các tổ chức giáo dục đại học và công nghiệp cũng là khía cạnh quan trọng để phát triển nền kinh tế sáng tạo.

Công ty Sasaki cũng đề cập đến việc phát triển ở một số khu vực quan trọng của khu đô thị sáng tạo. Đó là việc xây dựng Thủ Thiêm trở thành trung tâm công nghệ tài chính quốc tế; hình thành trung tâm thể thao và sức khỏe Rạch Chiếc, phát triển trung tâm công nghệ cao và trung tâm công nghệ giáo dục (Đại học Quốc gia TP.HCM). Cùng với đó là việc hình thành trung tâm công nghệ sinh thái Tam Đa, xây dựng khu đô thị tương lai Trường Thọ (biến khu cảng hiện hữu thành một khu đô thị mới)…

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân: Xây dựng chính quyền chung cho đô thị sáng tạo phía Đông ảnh 2
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân trao giải Nhất cuộc thi Ý tưởng quy hoạch
cho đại diện Công ty Sasaki Associates, Inc . Ảnh: Việt Dũng

Để triển khai, Công ty Sasaki đề xuất thành lập cơ quan quản lý phát triển đô thị sáng tạo dưới mô hình công ty chịu trách nhiệm phát triển dự án. Ngoài ra, 3 quận trong khu vực cần được tổ chức thống nhất thành một cơ quan hành chính duy nhất, theo mô hình chính quyền đô thị để điều phối phát triển. Cùng với đó, TP.HCM phải xin cơ chế đặc khu kinh tế để thu hút đầu tư và nhân tài cho khu đô thị sáng tạo. Trong phát triển kinh tế, TP.HCM cần ưu tiên các nhóm ngành nghề hiện có và phát triển chiến lược các nhóm để hỗ trợ, cụ thể là hợp tác với các công ty sản xuất phần cứng (Bosh, Intel, Samsung…), phát triển ngành nghề Fintech (tận dụng sáng tạo công nghệ trong các hoạt động và dịch vụ tài chính) và công nghệ phần mềm; thúc đẩy đổi mới sáng tạo…

Đơn vị đạt giải Nhất cuộc thi lưu ý, khi xây dựng khu đô thị sáng tạo sẽ đặt con người và xã hội vào trung tâm, nên đòi hỏi những hình thức tham gia của cộng đồng và cá nhân trong việc quyết định liên quan đến công dân trong tương lai. Chính việc tham gia kiến tạo cộng đồng thông minh nơi họ sinh sống, người dân sẽ được trao dồi nhiều hơn và tiếp tục cống hiến, định hình cộng đồng sáng tạo.

Tiền đề ra đời thành phố phía Đông

Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong bày tỏ, cuộc thi quốc tế giúp TP.HCM có được các ý tưởng gợi mở tốt để hình hành và phát triển khu đô thị sáng tạo phía Đông. Các đơn vị dự thi đã đề xuất rất nhiều ý tưởng hay, sáng tạo, giải quyết được các vấn đề bức xúc của TP.HCM hiện nay và trong tương lai.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân: Xây dựng chính quyền chung cho đô thị sáng tạo phía Đông ảnh 3
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong trao giải Nhì cho đơn vị đoạt giải. Ảnh: Việt Dũng

Có thể kể đến ý tưởng xây dựng một viễn cảnh sống động và sáng tạo để giải quyết ngập lụt của thành phố trong tương lai; hoặc sự nổi bật trong xây dựng các nguyên tắc chỉnh trang, nâng cao chất lượng sống khu dân cư hiện hữu và chiến lược cải thiện giao thông; hay sự gợi mở về chiến lược trong sử dụng khu cảng Cát Lái trong tương lai...

Trong đó, phương án được Hội đồng giám khảo chấm giải Nhất, đặt vấn đề mạch lạc và tương đối khả thi khi xây dựng các trung tâm sáng tạo trên nền tảng sẵn có của khu vực”, đồng chí Nguyễn Thành Phong nhận xét. Ngoài ra, các khu vực đã được đầu tư xây dựng và cần tiếp tục hoàn thiện thêm gồm: Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Khu Công nghệ cao, Khu Đại học Quốc gia TP.HCM, tuyến metro số 1.

Người đứng đầu chính quyền TP.HCM khẳng định sẽ tiếp tục hoàn thiện và phát triển đô thị trên những đô thị sẵn có. Trong đó, thành phố sẽ tập trung vào các không gian công cộng và khuyến khích kinh tế khởi nghiệp sáng tạo. Đồng thời, thực hiện các dự án để chuyển đổi giao thông dựa trên các hành lang giao thông công cộng chính, kết nối nhanh cấp vùng, phát triển các hành lang vận tải logistic riêng biệt, giao thông nhẹ điểm cuối và sử dụng các giải pháp dựa trên năng lượng tái tạo, không phát thải CO2.

TP.HCM sẽ tập trung một chương trình toàn diện để đảm bảo thành công về phát triển kinh tế và quy hoạch đô thị”, đồng chí Nguyễn Thành Phong khẳng định. Các nhóm công việc bao gồm về quản lý, về nghiên cứu giáo dục đào tạo, về xây dựng hệ sinh thái doanh nghiệp. Trong đó, UBND Thành phố sẽ thành lập bộ phận chuyên trách, xây dựng các quy định để đảm bảo sự linh hoạt khi ra quyết định hỗ trợ phát triển công nghệ cao và kinh tế tri thức. Đồng thời, bộ phận cũng xây dựng các công cụ thu hút sự hưởng ứng của cộng đồng dân cư và doanh nghiệp tham gia xây dựng cơ sở dữ liệu và tạo cơ hội kinh doanh.

Theo đồng chí Nguyễn Thành Phong, trong thời gian tới, TP.HCM sẽ cụ thể hóa các ý tưởng thành bộ khung pháp lý về quy hoạch. Đồng thời rà soát cơ sở pháp lý và xây dựng các quy định mới nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để hình thành khu đô thị sáng tạo phía Đông, tạo tiền đề cho việc ra đời thành phố phía Đông (thuộc TP.HCM) trong tương lai.

Mở rộng kết nối ra thế giới

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đánh giá cao các ý tưởng của các đơn vị tham gia cuộc thi, nhất là đề xuất của Công ty Sasaki rất có ý nghĩa đối với TP.HCM. Các chuyên gia đã đưa ra các ý tưởng, đề xuất cụ thể về phát triển kinh tế, phát triển đô thị và đề xuất giải pháp quản lý hành chính, là phải xây dựng bộ máy chính quyền phù hợp để quản lý, điều hành khu đô thị sáng tạo phía Đông.

Theo đồng chí, khi xây dựng khu đô thị sáng tạo phía Đông thì có thể phải “tích hợp” 3 quận: quận 2, 9 và Thủ Đức thành một thành phố (trực thuộc TP.HCM).

Các chuyên gia góp ý, không chỉ về phát triển kinh tế mà còn đưa ra các giải pháp về quản lý hành chính. Đây là tiền đề rất quan trọng đối với TP.HCM”, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân nhận xét.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân: Xây dựng chính quyền chung cho đô thị sáng tạo phía Đông ảnh 4
Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân trao đổi cùng các đại biểu dự hội thảo. Ảnh: Việt Dũng

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu, trên cơ sở các ý tưởng tham gia cuộc thi, UBND TP.HCM cần tham khảo các ý tưởng phù hợp và có sự bổ sung, tích hợp để đưa ra phương án cuối cùng, lập quy hoạch cho khu đô thị sáng tạo phía Đông.

Bày tỏ đồng tình với 6 khu chức năng của khu đô thị sáng tạo phía Đông theo đề xuất của đơn vị đạt giải Nhất, nhưng đồng chí Nguyễn Thiện Nhân đề nghị lưu ý đến các khu chức năng ở phân tán. Khi chỉ ra được các khu này, dù nằm phân tán nhưng cũng giúp trả lời được câu hỏi người dân sẽ ở đâu trong khu đô thị sáng tạo này. Thực hiện tốt điều này, có thể khu đô thị sáng tạo phía Đông có thể là nơi đột phá về chỗ ở cho người dân.

Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân hoan nghênh các đề xuất về sự kết nối của các đơn vị, chuyên gia, như kết nối giao thông, kết nối các trung tâm khởi nghiệp sáng tạo… nhằm tạo sự tương tác cao ở khu đô thị sáng tạo phía Đông.

Song, đồng chí cho rằng cần bổ sung thêm sự kết nối giữa khu đô thị sáng tạo phía Đông với bên ngoài là toàn TP.HCM, với khu vực Đông Nam bộ, Tây Nam bộ, với cả nước và kết nối các thành phố, các nước khác trên thế giới. Chẳng hạn, thành tựu nghiên cứu của khu đô thị sáng tạo được chuyển giao cho phần còn lại của TP.HCM và ngược lại. Do đó, đề án phát triển khu đô thị sáng tạo phía Đông phải bổ sung về các tầng kết nối để có các giải pháp, chính sách thu hút được những người từ các khu vực đã nêu đến làm việc và sinh sống.

Đánh giá cao việc đặt ra lộ trình triển khai thực hiện, Bí thư Thành ủy TP.HCM lưu ý về việc hình thành bộ máy chính quyền quản lý tương thích với khu đô thị sáng tạo phía Đông. Khi chưa có chính quyền chung thì UBND TP phải chỉ đạo để đảm bảo mọi quy hoạch cũng như việc triển khai đầu tư của 3 quận này sẽ được giám sát, thực hiện một cách đồng bộ.

Công ty Sasaki Associates, Inc (Mỹ) đạt giải Nhất cuộc thi tuyển quốc tế ý tưởng quy hoạch khu đô thị sáng tạo phía Đông (do UBND TP.HCM tổ chức), với phần thưởng trị giá 4,5 tỷ đồng.

Liên danh G8A Architecture and Urban Planning Limted Company (Việt Nam) và KCAP Architects & Planners (Thụy Sĩ) đạt giải Nhì với giá trị giải thưởng 2 tỷ đồng.

Bốn đơn vị đạt giải Khuyến khích, gồm: Liên danh Nikken Sekkei Research Institute và Eight - Japan Engineering Consultants Inc (đều thuộc Nhật Bản); AECOM Singapore Pte.Ltd (Singapore); Liên danh Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn (Việt Nam) và Research Urbanism & Architecture (Vương quốc Bỉ); Liên danh FCG Finnish Consulting Group Design and Engineering Ltd. và Eriksson Architects Ltd. (Phần Lan).

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân: Xây dựng chính quyền chung cho đô thị sáng tạo phía Đông ảnh 5
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan trao giải khuyến khích cho cuộc thi. Ảnh: Việt Dũng

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, khẳng định, việc tổ chức cuộc thi ý tưởng quốc tế nhằm tìm kiếm những ý tưởng quy hoạch không gian đô thị có tích hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, đô thị sáng tạo tương tác cao là cách tiếp cận mới, chú trọng về phát triển kinh tế kết hợp với quy hoạch đô thị, được xem là một chiến lược phát triển cho khu vực phía Đông thành phố.

Kiều Phong, Báo SGGP

---------------

Một số giải pháp công nghệ liên quan đến nâng cao chất lượng sống khu dân cư và cải thiện giao thông đang được giới thiệu, chào bán tại Sàn Giao dịch công nghệ TP.HCM - TechmartDaily (www.techport.vn):

Hệ thống giám sát mưa và ngập từ xa

Hệ thống điều khiển tín hiệu giao thông thông minh

Giải pháp thu thập dữ liệu và phát triển sự cố giao thông.

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả