SpStinet - vwpChiTiet

 

Giải pháp mới cho quy trình súc rửa bồn chôn ngầm tại Việt Nam

Nguy cơ cháy nổ ảnh hưởng đến tính mạng con người đã đặt ra yêu cầu cần có công nghệ súc rửa mới hoàn toàn tự động để ứng dụng cho các bồn chứa công nghiệp, đặc biệt là các bồn xăng dầu của hơn 4.000 trạm xăng tại Việt Nam. Sáng 3/8, với sự phối hợp của các chuyên gia đến từ Viện Cơ học và Tin học Ứng dụng và Đại học Bách Khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM), Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ TP.HCM (CESTI) đã tổ chức buổi báo cáo “Xu hướng công nghệ súc rửa tự động bồn chứa công nghiệp”.

Trên thế giới, các thiết bị súc rửa súc rửa bồn xăng dầu tự động đã phát triển từ lâu, ở nhiều mức độ, từ bán tự động cho đến tự động. Tuy nhiên, đến nay, nước ta vẫn chưa có đơn vị nào chế tạo được thiết bị súc rửa tự động bồn chôn ngầm, nên công việc này hầu hết đều được làm thủ công. Việc súc rửa bằng sức người tuy linh hoạt và có hiệu quả làm sạch cao, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ và nguy hiểm tới tính mạng. Nguyên nhân là do hầu hết các bồn xăng đều làm bằng kim loại, nên khi thao tác nếu không cẩn thận rất dễ tạo ra tia lửa gây hỏa hoạn. Đồng thời, tất cả các thiết bị của hệ thống an toàn như các van hoặc cảm biến cảnh báo đều phải tháo dỡ khi súc rửa, nên khi nguy hiểm xảy ra, người công nhân vệ sinh không thể thoát ra kịp thời. Thêm vào đó, khi tiến hành súc rửa bồn thủ công, các cây xăng đều phải dừng hoạt động từ 1,5-2 ngày, gây thiệt hại đáng kể về kinh tế. Vì vậy, công nghệ súc rửa bồn tự động tiên tiến, rút ngắn thời gian và đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ là cần thiết hơn bao giờ hết.

Theo số liệu sáng chế quốc tế, tính đến tháng 12/2017, đã có 287 sáng chế về công nghệ súc rửa tự động bồn chứa công nghiệp được công bố tại 8 quốc gia và 2 tổ chức (Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới và Cơ quan Sáng chế Châu Âu) với 4 hướng nghiên cứu chính là súc rửa có sử dụng chất lỏng hoặc hơi nước, súc rửa bồn bằng các thiết bị chuyên dụng, các bộ phận/chi tiết của thiết bị/hệ thống súc rửa, súc rửa bồn bằng bàn chải hoặc các dụng cụ tương tự... Các chuyên gia của CESTI cho biết, với tỷ lệ 34,88% trên tổng số sáng chế đã được công bố, các sáng chế liên quan đến súc rửa có sử dụng chất lỏng hoặc hơi nước chính là hướng nghiên cứu và ứng dụng được nhiều nhà sáng chế quan tâm hiện nay.

KS. Nguyễn Tuấn Linh giới thiệu về hệ thống súc rửa tự động. - Ảnh: KT.

Tại buổi báo cáo, ông Nguyễn Tuấn Linh, Trưởng phòng Nghiên cứu và Phát triển công nghệ (Viện Cơ học và Tin học Ứng dụng) đã giới thiệu về hệ thống súc rửa tự động bồn chôn ngầm lắp đặt trên xe tải chuyên dùng để làm sạch các bồn chứa xăng dầu. Hệ thống bao gồm các bộ phận như: cụm phun súc rửa phục vụ cho công đoạn xịt rửa bồn chôn ngầm; cụm thiết bị thu hồi cặn để hút và chứa dầu cặn trong bồn chứa dầu tạm và bình chứa dầu tách; cụm thiết bị lắng–lọc–tuần hoàn dùng lọc nước có lẫn cặn thải, dầu và tuần hoàn nước tái sử dụng được cho máy bơm áp lực để tiếp tục xịt rửa bồn; cụm tay robot mang đầu hút cặn và đầu xịt dung dịch rửa có tác dụng di chuyển tịnh tiến dọc tâm bồn để mang tay máy súc rửa toàn bộ bồn;...

Hệ thống súc rửa tự động có nhiều ưu điểm như: đảm bảo an toàn tuyệt đối cho con người do có thể điều khiển  thiết bị từ khoảng cách 7-8m và không cần trực tiếp chui vào bồn để thao tác; tiết kiệm thời gian do toàn bộ quá trình súc rửa chỉ mất từ 30–180 phút; bảo đảm kiểm soát hoàn toàn chất lượng của quá trình rửa với camera quan sát gắn kèm với cụm phun súc rửa; các chi tiết của hệ thống được thiết kế để tránh sinh ra tia lửa khi ma sát, đảm bảo các quy định an toàn phòng chống cháy nổ. Những ưu điểm này đã cho thấy sự ưu việt về mặt cấu trúc, sự tự động hóa, cũng như tính chặt chẽ trong việc giám sát hoạt động và điều khiển hệ thống. Ngoài ra, đây cũng là hệ thống súc rửa tự động bồn chôn ngầm đầu tiên được chế tạo hoàn toàn tại Việt Nam, do đó hoàn toàn phù hợp với thực trạng chất lượng xăng dầu, bồn chứa và điều kiện thực tế nước ta.

Ông Phạm Quyết Chiến trao đổi với báo cáo viên. - Ảnh: KT.

Ở góc độ quản lý nhà nước, trao đổi của ông Phạm Quyết Chiến, Trưởng phòng Quản lý Công nghiệp (Sở Công thương An Giang) cho thấy, các cơ quan quản lý nhà nước rất quan tâm đến khả năng thương mại hóa và chuyển giao, ứng dụng rộng rãi công nghệ súc rửa tự động bồn chứa vào thực tế sản xuất. 

Theo ông Nguyễn Tuấn Linh, tuy đề tài chỉ mới ở mức độ thử nghiệm, nhưng đã hoàn chỉnh hệ thống khoảng 90-95%. Để có thể sớm thương mại hóa công nghệ và đưa ra áp dụng thực tế, cần có thêm hỗ trợ kinh phí và đầu tư để cải tiến, giúp hệ thống hoàn thiện và hiệu quả hơn. Và, điều cũng rất quan trọng, là có sự tham gia hưởng ứng của các đơn vị liên quan như các cây xăng, các công ty gia công súc rửa bồn công nghiệp,...

 

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả