SpStinet - vwpChiTiet

 

Hội nghị phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ năm 2015

Trong khuôn khổ các hoạt động thường niên nhằm tổng kết, đánh giá thực tiễn hoạt động phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ (DN KH&CN) trên cả nước, ngày 25/11/2015, Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH&CN (Bộ KH&CN) tổ chức “Hội nghị phát triển Doanh nghiệp KH&CN năm 2015” tại TP.HCM. Hội nghị là diễn đàn để các cơ quan quản lý nhà nước, các viện, trường, doanh nghiệp (DN) thảo luận về các chính sách và giải pháp phát triển hệ thống DN KH&CN ở Việt Nam.

Ông Trần Xuân Đích, phó cục trưởng Cục phát triển thị trường và DN KH&CN cho biết, tính đến tháng 11/2015, cả nước có 204 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận DN KH&CN, trong đó TP. Hà Nội có 30 DN, TP.HCM 23 DN, Thanh Hóa 9 DN, Bình Dương 6 DN, Quảng Ninh và Hải Phòng 5 DN...

Trong số 204 DN đã được cấp giấy chứng nhận, có 5 DN giải thể hoặc ngừng sản xuất (chiếm 2,4%), 3 DN đã thu hồi giấy chứng nhận (do chuyển hoạt động sản xuất, kinh doanh sang địa bàn khác và không hoạt động thuộc lĩnh vực đăng ký DN KH&CN). DN KH&CN hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực công nghệ ưu tiên theo Chiến lược phát triển KH&CN Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 bao gồm: công nghệ thông tin và truyền thông, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ chế tạo máy - tự động hóa và công nghệ môi trường. Ngoài ra, một số DN KH&CN còn chú trọng đầu tư vào hoạt động KH&CN như: thành lập trung tâm nghiên cứu và phát triển, tập trung đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo nhân lực để nâng cao chất lượng hoạt động KH&CN, không ngừng tạo ra các sản phẩm mới đưa ra thị trường. Một số DN còn hợp tác với các viện, trường theo cơ chế đặt hàng nghiên cứu; cũng như nhận chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân lực từ phía đối tác chuyển giao để làm chủ công nghệ.

Nhiều DN KH&CN tham gia thực hiện các đề tài, dự án KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước cấp tỉnh, cấp quốc gia. Với việc ứng dụng các kết quả nghiên cứu KH&CN vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, DN KH&CN không chỉ tạo ra các sản phẩm mới có chất lượng, có sức cạnh tranh với hàng ngoại nhập mà còn tạo ra làn sóng khuyến khích các DN nghiên cứu, ứng dụng KH&CN vào hoạt động sản xuất, kinh doanh. Việc xây dựng thương hiệu, đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cũng được DN KH&CN chú trọng trong việc xây dựng phương án thương mại hóa các sản phẩm KH&CN.

Nhờ chiến lược đúng đắn, các sản phẩm của DN KH&CN tiếp cận được thị trường và đạt doanh thu cao. Mặc dù trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, DN trong nước gặp nhiều khó khăn, nhưng một số DN KH&CN vẫn đạt được doanh thu, lợi nhuận cao từ các sản phẩm KH&CN, điển hình như: Công ty cổ phần thức ăn chăn nuôi Thái Dương (2.695 tỷ đồng), Xí nghiệp cơ khí Quang Trung (1.485 tỷ đồng), Công ty TNHH cơ khí công nông nghiệp Bùi Văn Ngọ (591 tỷ đồng), Công ty TNHH MTV thoát nước và phát triển đô thị tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu (339 tỷ đồng)...

Trong số các DN KH&CN, các DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp (giống cây trồng, thuốc bảo vệ thực vật, công nghệ chế biến sau thu hoạch, giống vật nuôi) chiếm số lượng lớn, sở hữu hoặc sử dụng nhiều kết quả KH&CN và đều kinh doanh hiệu quả, có doanh thu và lợi nhuận cao như: Công ty cổ phần giống cây trồng trung ương (44 giống cây trồng, doanh thu năm 2014 đạt 762 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 124 tỷ đồng); Công ty cổ phần đầu tư phát triển ngô Việt Nam (sở hữu 5 giống ngô lai được bảo hộ và nhiều giống ngô được chuyển nhượng, chuyển giao với doanh thu năm 2014 đạt 94 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 11,1 tỷ đồng); Công ty cổ phần phân bón và dịch vụ tổng hợp Bình Định (sở hữu quy trình sản xuất 3 loại phân bón, các sản phẩm gạch, than củi, gạo an toàn với doanh thu năm 2014 đạt 220 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 3,4 tỷ đồng)...
Nguồn: khoahocphothong.com.vn

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả