SpStinet - vwpChiTiet

 

AirIoT: giải pháp quản lý điện thông minh cho các Airbnb

Tập trung giải quyết vấn đề điện năng bằng công nghệ thông minh, sản phẩm của AirIoT (nhóm khởi nghiệp tại TP.HCM) đã đáp ứng tốt nhu cầu kiểm soát điện tiêu thụ tại các Airbnb (căn hộ cho thuê, homestay, khách sạn nhỏ).

Lựa chọn thị trường ngách là mô hình kinh doanh căn hộ cho thuê, homestay, phòng trọ, nhà nghỉ,…qua ứng dụng di động Airbnb để bắt đầu, AirIoT đã có thời gian 2 năm nghiên cứu và thử nghiệm, trước khi đưa sản phẩm ra thị trường vào cuối năm 2019. Hiện tại, Công ty Cổ phần AirIoT được thành lập (địa chỉ ở TP.HCM) với tầm nhìn trở thành một công ty chuyên về giải pháp quản lý điện thông minh, cung cấp các số liệu về điện năng tiêu thụ, để người dùng có thể tiết giảm chi phí và sống an toàn hơn. AirIoT là đơn vị đang tham gia Sàn Giao dịch công nghệ TP.HCM (techport.vn) do Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ vận hành, để tiếp cận nhiều hơn đến khách hàng và mở rộng thị trường.

Trần Nguyễn Duy Tuấn (nhà sáng lập, CEO của AirIoT) cho biết, AirIoT hiện có 2 dòng sản phẩm cho homestay và nhà ở thông thường. Sản phẩm cho homestay bao gồm 2 thiết bị (AirKey và AirCB) điều khiển qua bluetooth, được đồng bộ với nhau, giúp chủ nhà kiểm soát được lượng điện tiêu thụ của khách bằng cách tự động bật/tắt nguồn khi khách vào hoặc ra khỏi nhà. Trong đó, AirCB là thiết bị thu tín hiệu được gắn vào bên trong cầu dao máy lạnh hoặc cầu dao tổng của phòng. AirCB sẽ thu tín hiệu bluetooth từ AirKey trong phạm vi 10-20 m, kiểm soát việc bật/tắt điện khi khách ra/vào nhà. Thiết bị này rất dễ lắp đặt và tháo rời khi hết hợp đồng thuê.

Thực tế hiện nay, tại các căn hộ cho thuê, homestay,…tồn tại việc khách ra ngoài không tắt điện, gây lãng phí. Việc lắp đặt hệ thống dùng thẻ ngắt/kích hoạt điện như tại các khách sạn khá phức tạp, phải đục tường để làm đường dây, trong khi đó, giải pháp của AirIoT hoạt động tương tự như một bộ điều khiển wifi, nếu mang thiết bị ra xa khỏi phòng thì điện tự ngắt. Ngoài việc đóng/ngắt điện tự động, thiết bị AirIoT còn cung cấp dữ liệu, thống kê về tiêu thụ điện năng, giúp chủ nhà nắm được chi tiết công suất phòng cũng như điện năng và thiết bị trong phòng được sử dụng như thế nào.

Đến thời điểm hiện tại, Airiot đã triển khai ứng dụng cho gần 500 căn homestay trên cả nước. Mỗi bộ thiết bị AirIoT cung cấp ra thị trường có giá khoảng 1 triệu đồng. Kiểm nghiệm ở chuỗi homestay Christinas cho thấy, thiết bị AirIoT giúp giảm đến 30% tiền điện cho chuỗi. AirIoT cũng đang là đối tác chiến lược của Luxstay tại Việt Nam. Với tiềm năng phát triển của mình, AirIoT từng đoạt giải nhất cuộc thi Khởi nghiệp kinh doanh do trường Đại học Kinh tế - Luật tổ chức và giải nhất (dành cho cá nhân/nhóm khởi nghiệp) tại cuộc thi Vietnam Startup Wheel 2019.

Chia sẻ về con đường khởi nghiệp và những thành công bước đầu, theo Trần Nguyễn Duy Tuấn, khởi nghiệp nhằm mang lại cho xã hội những giải pháp tiên tiến hơn, tiện ích hơn, đồng thời giúp thỏa mãn niềm đam mê sáng tạo của đội ngũ và để trải nghiệm, học hỏi từ những lần thất bại, cũng là để sống và tồn tại. Ngay từ khi bắt đầu, đội ngũ sáng lập của AirIoT, vốn là những người rất đam mê công nghệ IoT (Internet of Things) và lập trình, thấy rằng, ở Việt Nam, điện năng là vấn đề của nhiều nhóm đối tượng, không chỉ riêng Airbnb. Người ta có nhu cầu sử dụng điện ngày càng nhiều, khiến cho trái đất ngày càng nóng lên. Vì vậy, phải có các giải pháp giảm tiêu thụ điện, tiết kiệm năng lượng. Do vậy, thông điệp của AirIoT gắn với ý nghĩa của tên gọi: ứng dụng công nghệ IoT để giảm thiểu tiêu thụ điện, tức là giảm thiểu được lượng CO2 thải ra, góp phần bảo vệ bầu khí quyển chung.

CEO AirIoT nhấn mạnh, nhận thức vấn đề, lựa chọn thị trường ngách để bắt đầu, nghiên cứu kỹ nhu cầu khách hàng, là những bước đi thận trọng và cũng là lợi thế để AirIoT tự tin tạo nền tảng vững chắc và bước ra thị trường. AirIoT đã mất 2 năm để có thể hiểu rõ được nhu cầu của khách hàng và tập trung giải quyết những nhu cầu đó. Có thể khẳng định, thành công lớn nhất của AirIoT là đã đưa được sản phẩm ra thị trường, phục vụ lợi ích của khách hàng.

Vì vậy, AirIoT không chỉ tham vọng chiếm lĩnh 1/3 thị trường Airbnb đang rất tiềm năng, mà còn nhắm đến những thị trường lớn hơn, khi đủ lớn mạnh, như khách sạn, tòa nhà, văn phòng, nhà máy và nhà ở thông thường.

Định hướng trong năm 2020 và 2021, AirIoT sẽ tiếp tục mở rộng thị trường, triển khai thiết bị tới các chủ nhà Airbnb ở những địa điểm tập trung như Hà Nội, TP.HCM, Hội An, Hạ Long, Đà Nẵng, Nha Trang,..., đồng thời, tìm hiểu sâu hơn nhu cầu khách hàng để triển khai bộ sản phẩm dành cho nhà ở thông thường (giải pháp nhà thông minh) – một thị trường rất lớn mà AirIoT đã nhắm tới ngay từ đầu. Những năm tiếp theo sẽ là thị trường các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Singapore, Indonesia, Malaysia,…

Lam Vân (CESTI)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả