SpStinet - vwpChiTiet

 

Thực trạng và giải pháp bảo tồn văn hóa truyền thống gắn với phát triển kinh tế - xã hội cho cộng đồng dân tộc thiểu số trên địa bàn TP.HCM

Đề tài do tác giả Nguyễn Thị Bích Thu và cộng sự (Học viện Dân tộc) thực hiện nhằm nghiên cứu thực trạng và đề xuất giải pháp bảo tồn văn hóa truyền thống của cộng đồng dân tộc thiểu số (Chăm, Hoa, Khmer) gắn với phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.HCM giai đoạn từ nay đến năm 2025 và tầm nhìn 2030.

Trong quá trình tồn tại và phát triển, đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) đã hình thành và phát triển nên một nền văn hóa độc đáo, đặc sắc, với nhiều loại hình, nhiều tầng, nhiều lớp, nhiều sắc màu, nhiều mức độ và quy mô khác nhau. Tuy nhiên, cùng với quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế, văn hóa truyền thống các DTTS đã và đang có những biến đổi theo cả chiều hướng tích cực và tiêu cực. Đến nay, nhiều giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng DTTS Việt Nam đã và đang bị mai một, nhiều dân tộc đã thất truyền những sản phẩm văn hóa rất có giá trị. Văn hóa của các DTTS ở TP.HCM cũng không là ngoại lệ.

TP.HCM là đô thị lớn nhất cả nước, ở đây có 53 DTTS sinh sống, trong đó, cư dân đông nhất là dân tộc Hoa, tiếp đến là dân tộc Khmer và dân tộc Chăm. Ba dân tộc này đến từ 3 nền văn hóa khác nhau, có nền tảng triết lý văn hóa khác biệt, tạo cho TP.HCM sự đa dạng về văn hóa. Thực trạng mai một bản sắc văn hóa của cộng đồng các DTTS đã được Thành ủy, UBND TP.HCM nhận thức được từ rất sớm và đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm khôi phục các làng nghề truyền thống, bảo tồn bản sắc văn hóa cộng đồng các DTTS trên địa bàn thành phố gắn với phát triển kinh tế – xã hội theo hướng bền vững.

Theo kết quả nghiên cứu của đề tài trên, dân tộc Hoa ở thành phố bảo tồn được khá tốt văn hóa truyền thống của dân tộc mình, so với hai dân tộc Chăm và Khmer. Dân tộc Chăm do có những ảnh hưởng khắt khe của giáo luật Hồi giáo (làm lễ 5 lần/ngày) nên đồng bào Chăm hầu hết không đi làm tại các cơ quan nhà nước. Công việc chủ yếu là làm thuê và buôn bán nhỏ, nên đời sống kinh tế khó khăn. Họ cũng không có điều kiện để bảo tồn, sinh hoạt văn hóa truyền thống, ngoại trừ các nghi lễ tôn giáo. So với các dân tộc Chăm, Hoa, đời sống của dân tộc Khmer còn khó khăn hơn. Văn hóa truyền thống của dân tộc Khmer cũng mai một nhiều, thậm chí cả ngôn ngữ. Tuy nhiên, việc xây dựng mô hình bảo tồn văn hóa cho dân tộc Khmer lại thuận lợi hơn nhiều so với dân tộc Hoa và Khmer.

Trong những năm tới, sẽ có nhiều nhân tố khách quan và chủ quan, tác động theo cả chiều hướng tích cực và tiêu cực đến quá trình bảo tồn văn hóa gắn với phát triển kinh tế - xã hội của các DTTS ở TP.HCM. Vì vậy, cần thực hiện đồng thời nhiều chủ trương, giải pháp để tăng cường gắn kết giữa bảo tồn văn hóa truyền thống với phát triển kinh tế - xã hội bền vững của đồng bào DTTS.

Đề tài đã đề xuất các giải pháp bảo tồn văn hóa truyền thống gắn với phát triển kinh tế xã hội cho cộng đồng DTTS (Chăm, Hoa, Khmer) ở thành phố sau năm 2020 đến năm 2030, bao gồm các giải pháp chung về cơ chế, chính sách; quản lý nhà nước; tuyên truyền vận động; giáo dục, đào tạo và các giải pháp riêng cho từng cộng đồng DTTS Chăm, Hoa, Khmer. Đồng thời, kiến nghị một số vấn đề đối với UBND TP.HCM (tiếp tục đầu tư kinh phí để duy trì và phát triển các mô hình bảo tồn văn hóa truyền thống, triển khai một số đề tài nghiên cứu về giá trị văn hóa truyền thống của các DTTS, triển khai một số dự án hỗ trợ cộng đồng Chăm, Hoavà Khmer,…); các kiến nghị với Ban Dân tộc, Sở Du lịch, Sở Văn hóa – Thể thao, UBND các quận.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài tại Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI).

Lam Vân (CESTI)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả