SpStinet - vwpChiTiet

 

Thực trạng, nguyên nhân và biện pháp rèn luyện kỹ năng mềm cho sinh viên các trường đại học tại TP.HCM

Tác giả Huỳnh Văn Sơn và cộng sự (trường Đại học Sư phạm TP.HCM) tiến hành khảo sát, tìm hiểu hoạt động rèn luyện kỹ năng mềm (KNM) của sinh viên các trường đại học tại TP.HCM, từ đó, đề xuất một số biện pháp rèn luyện KNM cho sinh viên tại đây.

KNM của sinh viên đại học là khả năng thiên về mặt tinh thần của cá nhân, đảm bảo quá trình thích ứng với người khác, với công việc, nhằm duy trì tốt mối quan hệ tích cực và góp phần hỗ trợ thực hiện công việc một cách hiệu quả. Đó cũng có thể là khả năng hỗ trợ con người thực hiện công việc và nghề nghiệp đạt hiệu quả cao, bao gồm những kỹ năng ngoài kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ đặc trưng như các kỹ năng liên quan đến cảm xúc và các kỹ năng về xã hội, đặt trong mối quan hệ nghề nghiệp - công việc là chủ yếu.

Đề tài nghiên cứu KNM dưới góc độ là những kỹ năng giúp tương tác hiệu quả với người khác và hỗ trợ làm việc hiệu quả. Trong đó, tập trung vào một vài KNM của sinh viên đại học như kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng thích ứng với sự thay đổi. Phạm vi tiến hành tại một số trường đại học (ĐH) ở khu vực phía Nam như ĐH Sư phạm TP.HCM, ĐH Sài Gòn, ĐH Ngân hàng, ĐHNguyễn Tất Thành, ĐH Hutech, ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn,…

Theo đó, rèn luyện KNM cho sinh viên là quá trình phát triển cho người học các KNM cần thiết để đảm bảo thực hiện yêu cầu của nghề đạt hiệu quả, hướng đến sự thích ứng với người khác và công việc; duy trì các mối quan hệ giao tiếp - quan hệ xã hội tích cực. Nói cách khác, rèn luyện KNM là luyện tập thường xuyên các kỹ năng ngoài kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ bằng các cách thức đa dạng, phong phú nhưng gắn với thực tế, để duy trì quan hệ tích cực với người khác; thích ứng với các quan hệ xã hội hướng đến việc thực hiện yêu cầu của công việc hiệu quả.

Trong 20 KNM được khảo sát, sinh viên tự đánh giá điểm trung bình các kỹ năng ở mức trung bình và mức khá của thang đo. Trong khi đó, theo đánh giá của giảng viên, các KNM của sinh đạt mức khá của thang đo. Tiến hành kiểm nghiệm ANOVA cho thấy, có sự khác biệt về mức độ KNM giữa sinh viên ở các nhóm ngành khác nhau. Trên hết là nhóm ngành khoa học tự nhiên, thứ hai là nhóm ngành kinh tế - tài chính và cuối cùng là nhóm ngành khoa học xã hội. Kết quả kiểm định T-Test cũng cho thấy, có sự khác biệt về mức độ KNM giữa sinh viên nam và nữ (nữ có mức độ KNM cao hơn); giữa sinh viên năm thứ hai và năm thứ tư (sinh viên năm thứ tư có mức độ KNM cao hơn).

Theo đánh giá của cả sinh viên và giảng viên, việc thực hiện các hình thức rèn luyện KNM cho sinh viên của nhà trường chỉ ở mức trung bình, chủ yếu tập trung ở 3 hình thức: rèn luyện KNM thành một môn - học phần; tổ chức thực hành, trải nghiệm bằng chương trình chuyên biệt; hệ thống và lồng ghép, tích hợp vào nội dung các học phần có liên quan. Trong các biện pháp rèn luyện KNM cho sinh viên, cả giảng viên và sinh viên đều cho rằng, biện pháp “Xây dựng cẩm nang rèn luyện KNM” là cần thiết nhất.

Theo kết quả nghiên cứu, có nhiều nguyên nhân ảnh hưởng đến thực trạng KNM của sinh  viên: từ bản thân sinh viên, từ nhà trường và từ xã hội. Trong những nguyên nhân từ bản thân sinh viên, nổi bật nhất là sinh viên chưa biết chọn “nguồn” tin cậy để học KNM và chưa đầu tư thời gian, công sức thoả đáng để rèn luyện KNM. Phía nhà trường, chủ yếu là chưa chú trọng việc rèn luyện KNM cho sinh viên như một hoạt động dài hơi. Phía xã hội, đó là công tác truyền thông về KNM còn khá rời rạc, chưa đầu tư bài bản, công phu và chưa có các chương trình huấn luyện thường xuyên, liên tục.

Nhóm tác giả tiến hành thực nghiệm các biện pháp rèn luyện KNM cho sinh viên đại học, tập trung chủ yếu vào việc xây dựng mô hình rèn luyện KNM gồm 3 nhánh: thực hiện các chương trình hỗ trợ theo hướng học thuật hoặc phi học thuật; dạy và học KNM chính khóa cho sinh viên theo hướng là 1 môn học - học phần độc lập hoặc tích hợp KNM vào các môn học - học phần khác; xây dựng môi trường rèn luyện KNM mà chủ yếu là khuôn viên nhà trường và ký túc xá.

Sau khi tham gia các hoạt động thực nghiệm, khách thể thực nghiệm đã nhận thức rõ các nội dung của mô hình cũng như cách thức triển khai thực hiện, đồng thời đánh giá cao mô hình và tin tưởng rằng mô hình này sẽ đem lại những giá trị thiết thực cho sinh viên tại TP.HCM. Giảng viên đồng tình cao với cách xây dựng chương trình giáo dục KNM mới cho sinh viên, bao gồm những KNM cơ bản và những KNM chuyên biệt gắn với yếu tố đặc thù nghề nghiệp cũng như các vấn đề về phương thức rèn luyện, hình thức rèn luyện, kiểm tra - đánh giá. Việc xây dựng chương trình phải được tiến hành một cách bài bản, chặt chẽ và khoa học đặt trong bối cảnh của TP.HCM đang xây dựng và phát triển thành thành phố thông minh, cũng như bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay.

Nhóm nghiên cứu cũng đưa ra những kiến nghị cụ thể đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo, UBND TP.HCM, các trường đại học, các tổ chức khác (như Đoàn Thanh niên, Hội Sinh viên…) nhằm thúc đẩy rèn luyện KNM cho sinh viên các trường đại học.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài tại Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI).

Lam Vân (CESTI)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả