SpStinet - vwpChiTiet

 

Nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp cho đoàn viên công đoàn và công nhân lao động trên địa bàn TP.HCM

Các chương trình học tập, giải pháp đào tạo, đào tạo lại cho công nhân lao động trên địa bàn TP.HCM nhằm đảm bảo trình độ, năng lực làm việc trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, đặc biệt là trong bối cảnh diễn ra cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, vừa được tác giả Nguyễn Hữu Huy Nhựt và cộng sự (trường Đại học Kinh tế TP.HCM) đề ra.

Đó là kết quả của công tác nghiên cứu, đánh giá thực trạng trình độ, kỹ năng nghề nghiệp và nhu cầu, điều kiện, khả năng tham gia học tập nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, kỹ năng nghề nghiệp của công nhân lao động, từ 4 nhóm đối tượng, gồm các sở ngành TP.HCM, đặc biệt là Liên đoàn Lao động TP.HCM; lãnh đạo các tổ chức đào tạo, các trường cao đẳng, đại học, trường nghề; lãnh đạo các tổ chức đào tạo, ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, doanh nghiệp; đoàn viên công đoàn, công nhân lao động. Trong đó, tập trung nghiên cứu về trình độ, kỹ năng nghề nghiệp của đoàn viên công đoàn và công nhân lao động đang trực tiếp tham gia sản xuất tại các doanh nghiệp thuộc 4 ngành kinh tế chủ yếu của TP.HCM (cơ khí, chế biến lương thực - thực phẩm, hóa nhựa - cao su, điện tử - công nghệ thông tin) và 2 ngành truyền thống là dệt may, da giày - thủ công.

Theo đó, trình độ và kỹ năng của người lao động vẫn chưa đáp ứng với nhu cầu của doanh nghiệp trong bối cảnh hiện tại. Nhận thức xã hội và hành vi là nhóm kỹ năng được doanh nghiệp quan tâm nhiều nhất, nhưng vẫn còn khoảng cách chênh lệch lớn giữa nhu cầu và khả năng đáp ứng của người lao động, giữa các tổ chức chính quyền, cơ sở đào tạo, doanh nghiệp và người lao động. Vì vậy, cần thiết có sự thống nhất giữa các bên liên quan, yêu cầu đào tạo mới, có tính chất chuyên nghiệp đạt yêu cầu văn hóa, kiến thức nghề nghiệp, chuyên môn kỹ thuật cao, quản lý phù hợp những biến đổi nhanh của công nghệ và thị trường hàng hóa.

Giảm bớt sự khập khiễng trong kỹ năng ngày càng trở nên quan trọng cho bước tiếp theo của sự nghiệp công nghiệp hóa tại Việt Nam. Nhiều cơ sở đào tạo đã nhận thức vấn đề này, tuy nhiên, các cơ sở này cần sự hỗ trợ từ các doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước để hiện thực hóa khái niệm đào tạo “dựa trên nhu cầu”. Sự khập khiễng kỹ năng chỉ có thể giảm đi thông qua mối quan hệ đối tác ba bên giữa các cơ sở đào tạo, ngành công nghiệp và Chính phủ, không chỉ tập trung vào nâng cao năng lực bên cung cấp mà còn cải tiến để thông tin về nhu cầu và kỹ năng trở nên rõ ràng, có thể áp dụng được đối với bên cung cấp.

Các cơ sở đào tạo nên chủ động hơn trong việc xác định nhu cầu kỹ năng của các doanh nghiệp đóng tại địa bàn; cần tính tới sự thay đổi năng động của nhu cầu kỹ năng và sự quan tâm của sinh viên về kỹ năng và sự nghiệp. Doanh nghiệp nên duy trì kênh giao tiếp mở với các cơ sở đào tạo; xem xét lại nhu cầu hiện tại và tương lai của mình đối với kỹ năng và hiểu rằng, đào tạo không chỉ đảm bảo vấn đề nghề nghiệp trong ngắn hạn mà còn phải tính tới sự phát triển sự nghiệp trọn đời. Cơ quan quản lý nhà nước nên ban hành những hỗ trợ chính sách để khuyến khích chứ không bắt buộc mối quan hệ đối tác giữa các cơ sở đào tạo và ngành công nghiệp. Về sự phát triển của hệ thống đánh giá kỹ năng, cơ quan quản lý nhà nước nên giữ vai trò chủ đạo vì không có đối tác nào khác có thể quản lý việc phát triển và tiến hành hệ thống này trên toàn quốc. Hơn nữa, các chính sách kỹ năng không chỉ tập trung cải thiện bên cung kỹ năng mà còn khuyến khích cầu kỹ năng trong sự phối hợp chặt chẽ với các chính sách công nghiệp. Tăng cung kỹ năng sẽ không đóng góp cho sự phát triển kinh tế và công nghiệp hóa, trừ khi các kỹ năng được ngành công nghiệp hấp thụ và sử dụng.

Trong bối cảnh công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế này càng sâu rộng, người lao động phải phát triển toàn diện cả trình độ, kiến thức và kỹ năng bao gồm trình độ học vấn; trình độ chuyên môn nghề nghiệp; kỹ năng kỹ thuật; kỹ năng nhận thức, xã hội và hành vi. Hình mẫu người lao động cần có: chuyên môn tay nghề (đáp ứng các yêu cầu cơ bản về mặt kỹ năng, có các chứng chỉ theo yêu cầu tối thiểu của công ty); chuyên môn của người lao động được nâng lên một bậc so với hiện tại; nâng cao kỹ năng giao tiếp và làm việc nhóm; kỷ luật, đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm lao động; năng lực ứng dụng tin học và sử dụng tốt 1 ngoại ngữ; có hiểu biết về thị trường lao động và pháp luật lao động.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài tại Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI).

Lam Vân (CESTI)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả