SpStinet - vwpChiTiet

 

Đánh giá ảnh hưởng của biến đổi khí hậu lên xu thế biến đổi các hiện tượng khí hậu cực đoan (lượng mưa và nhiệt độ) tại TP.HCM

Đề tài do tác giả Nguyễn Trọng Quân và cộng sự (Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ Trẻ) thực hiện nhằm phân tích, đánh giá ảnh hưởng của biến đổi khí hậu (BĐKH) lên xu thế biến đổi và phân bố của các hiện tượng khí hậu cực đoan (lượng mưa và nhiệt độ) tại TP.HCM trong giai đoạn hiện trạng (1980–2017) và mô phỏng các tác động ảnh hưởng của BĐKH lên sự thay đổi này trong giai đoạn tương lai (2021–2080).

BĐKH sẽ dẫn tới những thay đổi về tần suất, cường độ, phạm vi không gian, thời đoạn và thời gian của các hiện tượng thời tiết và khí hậu cực đoan, và có thể dẫn đến các hiện tượng thời tiết và khí hậu khắc nghiệt chưa từng thấy. Thời gian qua ở Việt Nam nói chung, TP.HCM nói riêng, lượng mưa và phân bố mưa thay đổi, các hiện tượng khí hậu thời tiết cực đoan gia tăng cả về tần suất, mức độ và qui mô. Lượng mưa và phân bố mưa thay đổi có thể gây lũ lụt nghiêm trọng vào mùa mưa và khô hạn vào mùa khô, tăng mâu thuẫn trong khai thác và sử dụng tài nguyên nước, càng làm trầm trọng thêm vấn đề an ninh nguồn nước trong bối cảnh tài nguyên nước đang chịu nhiều áp lực từ các hoạt động phát triển thượng nguồn và tình trạng ô nhiễm, suy thoái ở nhiều nơi do tốc độ phát triển kinh tế, xã hội ngày càng tăng.

Do đó, việc thực hiện nghiên cứu, phân tích xu thế biến đổi các cực đoan khí hậu trong giai đoạn quá khứ đến hiện tại và dự đoán sự thay đổi trong tương lai của chúng có thể giúp ích cho các nhà quản lý trong việc xây dựng chiến lược giảm nhẹ tác động của BĐKH.

Nhóm tác giả đã phân tích xu thế biến đổi của các chỉ số mưa cực đoan theo thời gian và không gian, phân tích sự biến đổi các chỉ số cực đoan nhiệt độ tại TP.HCM trong giai đoạn 1980–2017; dự báo xu thế biến đổi các chỉ số mưa cực đoan, chỉ số cực đoan nhiệt độ trong giai đoạn 2021–2080, cùng với hình biểu diễn phân bố không gian tại khu vực nghiên cứu, góp phần mô tả bức tranh tổng thể về lượng mưa, nhiệt độ và các hiện tượng cực đoan trong tương lai tại TP.HCM.

Nhìn chung, xu thế biến đổi của các chỉ số mưa cực đoan theo thời gian và không gian trong giai đoạn 1980–2017 phần lớn là không đáng kể và không có ý nghĩa thống kê (ngoại trừ xu thế giảm mạnh của chỉ số CDD – tổng số ngày khô liên tiếp và SDII – cường độ mưa). Xu thế biến đổi về thời đoạn và tần suất mưa cực đoan tăng lên ở các vùng phía Nam của TP.HCM, giảm ở phía Bắc và trung tâm thành phố trong giai đoạn 1980–2017. Các chỉ số cực đoan nhiệt độ đều có xu hướng giảm đáng kể và ổn định trong giai đoạn 1980–2017, trừ TNn (nhiệt độ ngày cao nhất hàng háng) thể hiện xu hướng tăng trong giai đoạn này.

Dự báo hầu hết các chỉ số mưa cực đoan trong giai đoạn 2021–2050 đều có xu hướng giảm, trong khi giai đoạn 2051–2080 có xu hướng ngược lại. Về dự báo xu thế biến đổi các chỉ số cực đoan nhiệt độ trong giai đoạn 2021–2080, tổng số ngày có nhiệt độ cao nhất lớn hơn 350C tại TP. HCM được dự báo sẽ tăng thêm trung bình khoảng 28 và 64 ngày vào năm 2050 và 2080. Đối với nhiệt độ ngày cao nhất và nhiệt độ ngày thấp nhất (TXx) hàng tháng, tính tới năm 2050 và 2080, dự đoán mức tăng trung bình lần lượt khoảng 1,2–2,60C đối với TNn và khoảng 1,4–2,40C đối với TXx. Tuy nhiên, khoảng chênh lệch nhiệt độ trong ngày (DTR) lại có xu hướng giảm trong khoảng từ 0,02–0,150C trong giai đoạn này.

Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài tại Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI).

LV (CESTI)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả