SpStinet - vwpChiTiet

 

Hoạt động KH&CN TP.HCM 2018: nâng cao chất lượng sản phẩm và tỷ lệ ứng dụng

Chiều 25/01, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức hội nghị Tổng kết hoạt động KH&CN TP.HCM năm 2018. Một số kết quả nổi bật đạt được trong công tác nghiên cứu khoa học (NCKH) và phát triển công nghệ là triển khai nhiệm vụ KH&CN với sự đồng hành của doanh nghiệp, góp phần nâng cao chất lượng và tỷ lệ ứng dụng; chú trọng thống kê ứng dụng các kết quả NCKH vào hoạt động sản xuất kinh doanh, đào tạo,…

Ông Nguyễn Khắc Thanh (Phó giám đốc Sở KH&CN TP.HCM) cho biết, năm 2018, Sở đã tham mưu UBND TP.HCM phê duyệt 28 nhiệm vụ KH&CN; tổ chức triển khai thực hiện 105 nhiệm vụ mới, trong đó có 46 nhiệm vụ phục vụ 4 ngành công nghiệp chủ lực, 14 nhiệm vụ phục vụ 7 chương trình đột phá và quản lý phát triển đô thị thành phố, 45 nhiệm vụ còn lại phục vụ cho lĩnh vực KH&CN tính toán và các lĩnh vực khác của thành phố.

Trong số các nhiệm vụ mới được triển khai, có 21 nhiệm vụ với sự phối hợp của doanh nghiệp, tổng kinh phí đồng đầu tư từ doanh nghiệp hơn 12,6 tỷ đồng, qua đó nâng cao chất lượng sản phẩm và tỷ lệ ứng dụng. Tiêu biểu như: hệ thống súc rửa tự động bồn chôn ngầm, lắp đặt trên xe tải, đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn trong nước của ngành xăng dầu, giá thành rẻ hơn 4 lần so với thiết bị nhập ngoại; thiết bị điều khiển tiết giảm năng lượng cho hệ thống chiếu sáng dùng đèn cao áp đã được triển khai lắp đặt thử nghiệm ở quận 6 giúp tiết kiệm khoảng 40% tổng năng lượng cho chiếu sáng, giúp Công ty Vilight hoàn thiện sản phẩm, đạt doanh thu khoảng 22 tỷ đồng. Nhiệm vụ “Đánh giá tính an toàn và hiệu quả của sent xplosion (sản xuất tại Việt Nam) trong can thiệp mạch vành: nghiên cứu đa trung tâm, tiến cứu theo dõi 12 tháng” do Công ty CP nhà máy thiết bị y tế USM Healthcare chủ trì, giúp những bệnh nhân khó khăn về kinh tế vẫn có khả năng được điều trị; nhiệm vụ “Kết quả phẫu thuật nội soi có robot hỗ trợ trong ung thư trực tràng và ung thư tuyến tiền liệt” sẽ giúp giảm tải nhiều nguồn nhân lực trong 1 ca phẫu thuật, hỗ trợ chuyên môn cho bác sĩ ở các tuyến dưới nhằm giảm tải tình trạng quá tải tại các bệnh viện tuyến trên.

Ông Nguyễn Khắc Thanh trình bày báo cáo tổng kết hoạt động KH&CN 2018. Ảnh: LV.

Về công tác thống kê ứng dụng các kết quả NCKH, trong năm 2018 có 93 nhiệm vụ được nghiệm thu với tỷ lệ được ứng dụng đạt 100%, trong đó 48,39% ứng dụng trực tiếp và 51,61% ứng dụng gián tiếp, đạt 81% kế hoạch năm; có 77 bài báo NCKH được đăng trên các tạp chí trong nước, 51 bài báo công bố trên các tạp chí quốc tế. Thông qua việc thực hiện các nhiệm vụ KH&CN đã góp phần đào tạo 05 tiến sĩ, 29 thạc sĩ.

Ngoài ra, Sở cũng triển khai kế hoạch phát triển các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam trọng điểm của thành phố (sản phẩm mục tiêu) như: chip cao tần thu tín hiệu truyền hình số mặt đất (thuộc chương trình Nghiên cứu thiết kế, sản xuất thử nghiệm vi mạch và sản xuất sản phẩm điện tử đầu cuối ứng dụng chip Việt); hệ thống chiếu sáng công cộng thông minh sử dụng LED do Đại học Bách Khoa phối hợp với Công ty Điện Quang nghiên cứu; gel điều trị vết thương (Hoàn thiện quy trình tạo vật liệu nanocellulose có khả năng kết hợp với chiết xuất nhung hươu định hướng ứng dụng trong quá trình làm lành vết thương); Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất bột nanolycopen để ứng dụng vào sản xuất viên nang chống nắng; Nghiên cứu hoàn thiện công nghệ MEMS trong việc chế tạo linh kiện cảm biến áp suất ứng dụng xây dựng các module đo mực nước;...

Về phát triển tiềm lực KH&CN, năm 2018 đã cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN cho 33 doanh nghiệp; tư vấn hỗ trợ 122 doanh nghiệp thủ tục thành lập và sử dụng quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp; xây dựng và số hóa cơ sở dữ liệu 135 phòng thí nghiệm có cung cấp dịch vụ thí nghiệm, 626 chuyên gia KH&CN cho 4 ngành công nghiệp chủ lực, 275 tổ chức KH&CN, 57 doanh nghiệp KH&CN,… Đồng thời triển khai đề án Liên kết nguồn lực thông tin KH&CN với sự tham gia phối hợp của 12 viện, trường cập nhật hơn 145.069 tài liệu thư mục, trong đó có hơn 15.308 tài liệu toàn văn.

Về hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế, trong năm đã đào tạo, bồi dưỡng, tư vấn về đổi mới sáng tạo, năng suất chất lượng, quản lý năng lượng, quản trị tài sản trí tuệ cho hơn 3.142 doanh nghiệp; hỗ trợ nghiên cứu phát triển, đổi mới công nghệ và sản phẩm cho 81 dự án thuộc 4 ngành công nghiệp trọng yếu và quản lý năng lượng; hỗ trợ trực tiếp  và gián tiếp cho 711 dự án khởi nghiệp thông qua các hoạt động kết nối nhà đầu tư, chuyên gia và tổ chức tư vấn; đào tạo về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp cho 2.548 người và 65 cố vấn, xây dựng 95 giáo trình online và 54 video tài liệu đào tạo đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp;…

Về hoạt động phát triển thị trường công nghệ, cổng thông tin giao dịch công nghệ trực tuyến với phiên bản tiếng Việt và tiếng Anh có vai trò kết nối doanh nghiệp với nhà cung cấp, các tổ chức tài chính, tư vấn, chuyên gia, công đồng khởi nghiệp,… Năm 2018 hệ thống đã cập nhật 1.849 công nghệ và thiết bị, nâng tổng số CN&TB trên hệ thống là 4.717 của 802 nhà cung ứng; cập nhật 314 tổ chức, chuyên gia tư vấn, nâng tổng số trên hệ thống là 1095; cập nhật 105 dự án tìm kiếm đối tác, nâng tổng số lên 200 dự án. Phiên bản tiếng Anh giới thiệu 1.134 công nghệ có xuất xứ từ 28 quốc gia. Đồng thời hỗ trợ hình thành 70 tổ chức trung gian của thị trường KH&CN; hướng dẫn 293 hồ sơ các loại của các tổ chức cá nhân tìm hiểu thủ tục xác lập quyền và các thủ tục khác liên quan đến sở hữu trí tuệ và hỗ trợ tra cứu thông tin, đánh giá khả năng bảo hộ khi nộp đơn đăng ký cho 340 nhãn hiệu, hướng dẫn hơn 20 đơn vị đăng ký sáng chế,…

Đại diện CESTI giới thiệu mô hình livestream công nghệ. Ảnh: LV.

Tại buổi tổng kết, Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN (CESTI) cũng báo cáo về mô hình giới thiệu các sự kiện chuyển giao công nghệ bằng hình thức phát trực tiếp. Đây là một hoạt động mới, phù hợp với xu hướng phát triển công nghiệp 4.0 khi thực hiện phát trực tiếp – livestream các hội thảo giới thiệu công nghệ của Sàn giao dịch công nghệ hàng tuần. Theo đại diện CESTI, hoạt động giới thiệu công nghệ là nội dung rất được quan tâm của các đơn vị, đặc biệt là doanh nghiệp, tuy nhiên, hình thức hội thảo truyền thống có những hạn chế nhất định như tốn kém chi phí, thời gian đi lại cho những người ở xa, điều kiện mặt bằng tổ chức có những hạn chế nhất định,… Mô hình livestream công nghệ với việc ứng dụng công nghệ truyền thông giúp tăng tính lan tỏa thông tin, đáp ứng yêu cầu truyền tải thông tin kịp thời, nhanh chóng, mở rộng phạm vi tuyên truyền phổ biến về công nghệ, chuyển giao công nghệ; giảm thiểu chi phí, tiết kiệm thời gian đi lại để tham gia sự kiện của các doanh nghiệp và cá nhân có quan tâm. Với livestream công nghệ, số lượt tiếp cận thông tin bình quân trên 1.000 người/sự kiện, tăng gấp 20 lần so với hội thảo truyền thống. Triển khai từ tháng 11/2018, đến nay CESTI đã phối hợp với các nhà cung ứng công nghệ tổ chức 13 buổi livestream công nghệ, qua đó tiếp cận 13.348 đối tượng, thu hút 4.717 lượt xem. Sau phát trực tiếp, các video công nghệ được biên tập và đưa vào giới thiệu, khai thác rộng rãi, thường xuyên tại chuyên mục “Video công nghệ” trên Cổng thông tin đổi mới sáng tạo và chuyển giao công nghệ (www.techport.vn) và trên Youtube nhằm gia tăng phạm vi lan tỏa đến doanh nghiệp và cộng đồng.

Ông Nguyễn Việt Dũng phát biểu tại buổi tổng kết. Ảnh: LV.

Theo ông Nguyễn Việt Dũng (Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM), năm qua Sở đã liên tục triển khai nhiều chương trình, kế hoạch hoạt động KH&CN và các nhiệm vụ lãnh đạo thành phố giao; từng bước thúc đẩy gắn hoạt động R&D với hoạt động đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; hỗ trợ tích cực cho các hoạt động KH&CN, đổi mới sáng tạo của các trường đại học và khu vực tư nhân; thúc đẩy cộng đồng các tổ chức KH&CN tham gia thực hiện các nhiệm vụ KH&CN của thành phố. Trong năm 2019, mục tiêu lớn cần được quan tâm là thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo TP.HCM phát triển mạnh và thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính công. Muốn vậy phải thiết lập được một nền tảng mở mà ở đó có sự kết nối, hợp tác, chia sẻ của các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Ví dụ kết nối chia sẻ thông tin, tiềm lực, chuyên gia, phòng thí nghiệm, các đề tài dự án đang nghiên cứu của các viện trường, yêu cầu đặt hàng sản phẩm của các doanh nghiệp, các startup tìm kiếm tiếp cận khách hàng, quỹ đầu tư,…

Về cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ 4.0, triển khai thủ tục hành chính công trực tuyến cấp độ 3, 4. Các quy trình thủ tục hành chính liên quan phục vụ người dân, doanh nghiệp làm sao càng online, càng thông minh càng tốt. Ngoài ra, luôn vận động tìm cách sáng tạo trong công việc cụ thể hàng ngày, ví dụ như mô hình livestream công nghệ của CESTI là một trong những cách làm mới, là đổi mới sáng tạo.

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả