SpStinet - vwpChiTiet

 

Nghiên cứu sản xuất bột gan mực từ phế liệu chế biến thủy sản và đánh giá khả năng sử dụng bột gan mực trong thức ăn tôm thẻ

Đề tài do tác giả Lê Thanh Hùng và cộng sự (Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM) thực hiện nhằm tận dụng phụ phế phẩm từ nhà máy chế biến thủy sản để tạo ra sản phẩm có giá trị, có khả năng cạnh tranh giá cả với nguyên liệu nhập khẩu và giúp giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường; đánh giá khả năng sử dụng bột gan mực sản xuất trong nước làm thức ăn thủy sản, thay thế bột mực nhập khẩu vào Việt Nam.

Việt Nam hàng năm nhập khẩu một số lượng đáng kể bột gan mực để sản xuất thức ăn tôm và cá biển (khoảng 1.000-2.000 tấn, theo thông tin của các công ty nhập khẩu từ Hàn Quốc và Nhật Bản). Trong khi đó, nguồn phụ phế phẩm mực tại các nhà máy chế biến thủy sản ở TP.HCM và các tỉnh không được sử dụng phải đem đổ bỏ và gây ô nhiễm môi trường đáng kể.

Nhóm tác giả tiến hành nghiên cứu sản xuất bột gan mực từ phế liệu chế biến thủy sản (nội tạng mực, nội tạng bạch tuộc, da và dè mực) bằng các thí nghiệm sử dụng các enzyme công nghiệp (Alcalase, Protamex và Flavozyme) thủy phân protein động vật; thử nghiệm đánh giá khả năng sử dụng bột gan mực trong thức ăn tôm thẻ (Litopenaeus vannamei).

Kết quả cho thấy, việc áp dụng enzyme Alcalase công nghiệp thủy phân phụ phẩm mực mang lại hàm lượng Namin cùng với độ thủy phân cao (42%) trong thời gian rất ngắn (6 giờ) ở nhiệt độ 600C. Để bảo quản dịch mực sau thời gian thủy phân tránh hiện tượng “thối” và hạn chế mất hương vị “mực” cần bổ sung tối thiểu 5% sorbitol trong 2 tháng bảo quản. Việc bảo quản dịch mực lâu dài rất khó nên việc tạo ra dạng bột ở sản phẩm bột gan mực có hàm lượng protein cao (49-50%) và acid amin cao (44g/100g) được nghiên cứu và sản xuất với tỉ lệ trộn 50% dịch mực thủy phân phối trộn 50% chất nền là khô đậu nành.

Từ kết quả nghiên cứu trên, quy trình sản xuất bột gan mực từ phụ phế phẩm chế biến mực đã được xây dựng với quy mô pilot phòng thí nghiệm, cho ra 200 kg thành phẩm theo tiêu chuẩn thức ăn chăn nuôi QCVN 01-78:2011/BNNPTNT. Các bước thực hiện sản xuất bột gan mực không phức tạp và không cần nhiều trang thiết bị nên có khả năng áp dụng trong sản xuất quy mô lớn cũng như có khả năng cạnh tranh giá cả (12.610 đồng/kg) với nguyên liệu nhập khẩu (17.800 đồng/kg) và giúp giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường.

Bổ sung bột gan mực Việt Nam 3% và 5% vào thức ăn tôm thẻ chân trắng góp phần giảm tỷ lệ sử dụng bột cá (từ 20% xuống còn 15%) trong thức ăn và góp phần cải thiện tốc độ tăng trưởng, hiệu quả sử dụng thức ăn và không ảnh hưởng đến tỷ lệ sống so với tôm ăn thức ăn không bổ sung bột gan mực hoặc bổ sung bột gan mực Hàn Quốc. Ngoài ra, bổ sung bột gan mực vào thức ăn cũng góp phần làm giảm tỷ lệ phân đàn của tôm thẻ chân trắng.

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả