SpStinet - vwpChiTiet

 

Nghiên cứu phát triển mô hình khu công nghiệp xanh trên địa bàn TP.HCM: trường hợp điển hình của Khu chế xuất Tân Thuận

Đề tài do tác giả Trần Thị Mỹ Diệu và cộng sự (Đại học Văn lang TP.HCM) thực hiện nhằm đánh giá hiện trạng, xác định các vấn đề tồn tại trong trường hợp điển hình của Khu chế xuất (KCX) Tân Thuận làm cơ sở xây dựng chương trình và kế hoạch hành động cụ thể để KCX khắc phục các tồn tại, từng bước hoàn thiện và phát triển theo mô hình KCN xanh đầu tiên trên địa bàn TP.HCM; là bài học kinh nghiệm, đặt nền tảng cho sự hình thành và phát triển KCN xanh, KCN sinh thái trên địa bàn thành phố.

Trên cơ sở học hỏi kinh nghiệm của các nước trên thế giới và tham vấn ý kiến nhà khao học, các nhà quản lý, ý kiến cơ sở sản xuất trong KCX Tân Thuận, mô hình KCN xanh đã được xây dựng và đề xuất áp dụng đối với KCX Tân Thuận nói riêng và các KCX/KCN trên địa bàn TP.HCM dựa trên những nguyên tắc chính: bảo đảm hoạt động sản xuất công nghiệp không gây tổn hại đến môi trường, tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường nhằm ngăn ngừa và giảm đến mức thấp nhất các tác động đến môi trường; phù hợp với kế hoạch tăng trưởng xanh quốc gia, phát triển mô hình “doanh nghiệp phát triển bền vững”, chú trọng  sử dụng tài nguyên (vật liệu, năng lượng, nước) hiệu quả, áp dụng các giải pháp kỹ thuật công nghệ để giảm phát sinh chất thải tại nguồn, tăng cường tái sử dụng, tái chế chất thải và được cụ thể hóa thành 7 đặc điểm chính.

Để các nhà quản lý cũng như các thành phần tham gia xây dựng mô hình KCN xanh có thể đánh giá hiện trạng và có cơ sở xây dựng kế hoạch hành động nhằm đạt được mục tiêu phát triển theo mô hình KCN xanh trong tương lai, đề tài đã xây dựng và đề xuất hệ thống tiêu chí đánh giá mức độ đạt chuẩn KCN xanh, đánh giá theo hai cấp: công ty phát triển hạ tầng KCX/KCN và cơ sở sản xuất trong KCX/KCN. Mỗi hệ thống tiêu chí đánh giá gồm 2 nhóm tiêu chí chính: nhóm tiêu chí sàng lọc và nhóm tiêu chí đánh giá.

Hệ thống tiêu chí đánh giá đối với công ty phát triển hạ tầng KCX/KCN gồm 8 tiêu chí đánh giá sàng lọc với điểm đạt yêu cầu là 10,8 và 4 tiêu chí đánh giá với tổng điểm đạt là 27. Hệ thống tiêu chí đánh giá đối với cơ sở sản xuất trong KCX/KCN gồm 11 tiêu chí đánh giá sàng lọc với điểm đạt yêu cầu là 8,8 và 6 tiêu chí đánh giá với tổng điểm đạt là 40. KCX/KCN đạt yêu cầu theo hai cấp đánh giá được đề xuất công nhận là KCN xanh. Công ty phát triển hạ tầng KCX/KCN đạt yêu cầu đánh giá sàng lọc và đạt điểm đánh giá từ 27 trở lên được đề xuất công nhận “doanh nghiệp phát triển bền vững”. Mỗi doanh nghiệp trong KCX/KCN có điểm đánh giá theo nhóm tiêu chí sàng lọc và nhóm tiêu chí đánh giá đối với cấp cơ sở sản xuất đạt từ 80% điểm tối đa trở lên cũng được đề xuất công nhận “doanh nghiệp phát triển bền vững”.

Kết quả đánh giá KCX Tân Thuận theo hệ thống tiêu chí đề xuất cho thấy, Công ty TNHH Tân Thuận đạt điểm đánh giá tối đa theo nhóm tiêu chí sàng lọc (12 điểm) và đạt 27 điểm theo nhóm tiêu chí đánh giá mức độ đạt chuẩn KCN xanh cấp công ty phát triển hạ tầng KCX/KCN nên đề xuất công nhận “doanh nghiệp phát triển bền vững”. Cơ sở sản xuất trong KCX Tân Thuận đạt 8,03 điểm đánh giá theo nhóm tiêu chí sàng lọc (bằng 73% điểm tối đa) và chưa đủ điều kiện để tiếp tục đánh giá mức độ đạt KCN xanh. Điểm đánh giá theo nhóm tiêu chí đánh giá mức độ đạt KCN xanh đối với cơ sở sản xuất trong KCX chỉ đạt 24,79 điểm, nên chưa đạt yêu cầu. Các vấn đề cần hoàn thiện đã được xác định qua đánh giá này, bao gồm: chưa thực hiện tốt việc xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó và khắc phục sự cố; chưa đảm bảo thu gom và xử lý triệt để khí thải phát sinh từ hoạt động của cơ sở; tỷ lệ diện tích trồng cây xanh trong khuôn viên cơ sở sản xuất chưa bảo đảm. Ngoài ra, cần thực hiện kiểm toán chất thải định kỳ để có giải pháp giảm phát sinh chất thải tại nguồn, tiết kiệm nước (cho sinh hoạt của công nhân và nước cấp cho sản xuất) và sử dụng năng lượng hiệu quả; hoạt động giảm phát sinh chất thải tại nguồn cần được chú trọng nhiều hơn nữa; minh chứng về việc sử dụng điện sản xuất và các nguồn năng lượng khác một cách hiệu quả còn rất yếu.

Kết quả tham vấn ý kiến cơ sở sản xuất trong KCX Tân Thuận về việc đồng thuận tham gia phát triển mô hình KCN xanh cho thấy, với những nội dung được pháp luật quy định, cơ sở sản xuất đều cam kết thực hiện. Những nội dung chưa được pháp luật quy định cụ thể, cơ sở sản xuất sẽ tùy điều kiện cụ thể để xem xét thực hiện. Việc bảo đảm diện tích cây xanh trong khuôn viên cơ sở sản xuất và kiểm toán năng lượng cần tìm giải pháp khả thi để triển khai một cách dễ dàng và đồng thuận thực hiện.

Sáu chương trình hành động để từng bước phát triển KCX Tân Thuận thành KCN xanh được đề xuất gồm: chương trình hoàn thiện việc thực thi các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường; chương trình tái sử dụng nước thải; chương trình thu hồi và tái sử dụng bùn thải; chương trình hoàn thiện công tác quản lý chất thải rắn; chương trình sử dụng năng lượng hiệu quả; chương trình hoạt động vì cộng đồng.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển mô hình KCN xanh tại KCX Tân Thuận cũng như các KCX/KCN hiện hữu khác trên địa bàn TP.HCM, nhóm tác giả kiến nghị: Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tham mưu UBND Thành phố ban hành chiến lược phát triển KCN xanh trên địa bàn thành phố; công nhận mô hình KCN xanh và hệ thống tiêu chí đánh giá KCN xanh theo đề xuất của nghiên cứu này; thành lập Hội đồng thẩm định và công nhận đạt KCN xanh đối với KCX/KCN đăng ký và được đánh giá đạt yêu cầu; chứng nhận KCN xanh có giá trị trong 5 năm kể từ ngày được công nhận. Ngoài ra, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp các cơ quan ban ngành tổ chức nghiên cứu và đề xuất các chính sách ưu đãi đối với KCX/KCN và cơ sở sản xuất đạt “doanh nghiệp phát triển bền vững” và KCN xanh;…

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả