SpStinet - vwpChiTiet

 

Khởi nghiệp với công nghệ xử lý nước thân thiện môi trường

Công nghệ MET làm sạch nguồn nước được nghiên cứu và phát triển hoàn toàn tại Việt Nam với nhiều ưu điểm như thân thiện môi trường, tiết kiệm chi phí, tiết kiệm năng lượng, không sử dụng hóa chất độc hại,… đã được triển khai ứng dụng rộng rãi. Đây là sản phẩm của một công ty khởi nghiệp ở Hà Nội với mục tiêu ứng dụng khoa học và công nghệ để mang đến nguồn nước sạch, nhất là cho các hộ dân ở những vùng khó khăn, thiếu nước sạch cho sinh hoạt.

Công nghệ xử lý nước cơ học thông minh

Công nghệ xử lý nước MET (Mechanical Energy Technologies – công nghệ năng lượng cơ học) là kết quả một công trình nghiên cứu thuộc quyền sở hữu của Công ty TNHH Công nghệ xử lý nước TA (quận Thanh Xuân, Hà Nội). Ưu điểm của MET là có thể xử lý hiệu quả các loại nước cấp (nước giếng khoan, nước ngầm dùng trong sinh hoạt,…) và nhiều loại nước thải (chăn nuôi, sinh hoạt, công nghiệp, y tế,…) mà không cần sử dụng lõi lọc, không dùng hóa chất, không tiêu tốn điện năng.

Ông Vũ Tiến Anh (Giám đốc Công ty TA) cho biết, MET được TA nghiên cứu, phát triển và sản xuất hoàn toàn trong nước. Đây là một phương pháp lọc cơ - khí truyền thống, nhưng được TA áp dụng sáng tạo, để nâng công nghệ lên một tầm cao mới. Với bản chất là một hệ thống xử lý nước bằng phương pháp cơ học, MET không sử dụng lõi lọc nên khắc phục được nhược điểm của các hệ thống lọc truyền thống thường xuyên phải thay lõi lọc, công sức bảo hành gây lãng phí kinh tế .

Thông thường, các hệ thống xử lý nước công nghiệp (cũng như nước thải sinh hoạt), sau khi xử lý các loại tạp chất nặng như rác hay các tạp chất thô, nước sẽ được đưa qua nhiều khâu: bể điều hòa nước thải, bể phản ứng tạo keo tụ bằng hóa chất để cân bằng pH, bể lắng thứ nhất, bể khuấy để thổi khí rồi qua bể lắng thứ hai để khử trùng rồi thải nước sạch ra môi trường hoặc tái sử dụng cho các mục đích khác. Nhược điểm của các hệ thống xử lý này là cần mặt bằng rất rộng và nhiều bể thứ cấp để thực hiện các quy trình, cùng với hóa chất để tạo keo và khử trùng. Các hệ thống xử lý nước thải truyền thống cũng tiêu tốn một lượng điện năng nhất định.

Với MET, sau khi nước thải từ bể sơ cấp chảy qua bể thứ cấp sẽ được lọc thô nhờ một màng lọc tự nhiên rồi chạy vào hệ thống lọc của máy. Với cấu tạo đặc biệt, cũng như công nghệ được thiết kế tính toán kỹ, kết cấu của các phân tử nước bị phá vỡ bởi tác động của lực đẩy, lực nén, lực hút, lực xuyên tâm, do đó loại bỏ được các loại khí, tạp chất tích tụ trong nước. Nhờ vậy, MET không cần sử dụng đến hóa chất và điện năng.

Một hệ thống MET được lắp đặt hoàn toàn bằng những đường ống nhựa có độ liên kết cao với nhau, quy trình vận hành đơn giản, tiết kiệm chi phí và diện tích lắp đặt. Sản phẩm đã được đưa vào thử nghiệm từ năm 2012, xử lý thành công nước sạch cho sinh hoạt, đảm bảo chỉ tiêu chất lượng theo quy định của Nhà nước. Hiện nay, MET đã được nhiều hộ gia đình và các doanh nghiệp ở các tỉnh, thành phía Bắc, miền Tây Nam bộ, Tây Nguyên đầu tư sử dụng.

Quá trình sử dụng MET cho thấy nhiều ưu điểm như: hệ thống hoạt động ổn định, công suất lớn, xử lý được nhiều nguồn nước khác nhau (kể cả nguồn nước bị ô nhiễm); loại bỏ hoàn toàn các chất rắn lơ lửng và các chất khoáng không có lợi cho con người (như asen, phèn, sắt,…) và giữ lại các chất khoáng có lợi cho sức khỏe; xử lý triệt để các chất khí như metan, hydro sulfur, amoni,…; tuổi thọ của máy có thể lên đến hơn 10 năm;…Nước sạch sau xử lý bằng công nghệ MET được kiểm tra đạt tiêu chuẩn quy định của Bộ Y tế (QCVN 01:2009/BYT, QCVN 02:2009/BYT); nước thải sau xử lý đạt các quy chuẩn theo QCVN 14:2008/BTNM và QCVN 40:2011/BTNMT.

Bên cạnh việc được đón nhận ở trong nước, MET cũng đã được vinh danh trên thị trường công nghệ quốc tế, với các giải thưởng như Huy chương bạc tại cuộc thi Japan Design, Idea & Invention Expo (Nhật Bản) năm 2018; Huy chương vàng về công nghệ xử lý nước thải công nghiệp tại hội chợ Kaohsiung International Invention & Design Expo 2018 (Đài Loan); Huy chương vàng tại cuộc thi Giải pháp công nghệ toàn cầu iCAN 2017 (Canada).

Hiện tại MET đã đăng ký độc quyền sáng chế và được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) chấp nhận đơn tại quyết định số 48825/QĐ-SHTT ngày 21/7/2017.

Khởi nghiệp vì lợi ích cộng đồng

Xuất phát từ đời sống thực tế của người dân, nhất là những vùng sâu vùng xa, nông thôn, rất khó khăn để tiếp cận các nguồn nước hợp vệ sinh, trong điều kiện  nguồn nước ngày càng bị ô nhiễm, nhóm TA hình thành ý tưởng tìm hiểu các phương pháp xử lý để tạo ra nguồn nước sạch dùng trong sinh hoạt, ăn uống. Trong khi các hệ thống trên thị trường hiện nay chủ yếu theo phương pháp lọc (sử dụng lõi lọc loại bỏ tạp chất, hóa chất để cân bằng pH, xử lý vi sinh, sử dụng nhiệt, điện, chi phí cao,…) thì MET đi theo hướng hoàn toàn mới, với lợi thế công nghệ vượt trội, mang đến nguồn nước sạch với chi phí đầu tư thấp, vận hành hiệu quả. TA không đặt mục tiêu lợi nhuận lên hàng đầu, mà là mang lại nguồn nước sạch cho người dân, làm sạch nguồn nước vì lợi ích cộng đồng. Đây là giá trị cốt lõi của con đường khởi nghiệp, Tiến Anh chia sẻ.

Được nghiên cứu từ cuối năm 2011, thành công bước đầu và có sản phẩm thử nghiệm vào giữa năm 2012, đến năm 2016 MET chính thức được thương mại hóa bởi Công ty TA. Con đường khởi nghiệp buổi đầu vô vàn khó khăn, còn quá mới nên MET chưa được biết đến nhiều, cũng như chưa được nhiều người tin tưởng. Tuy nhiên, TA đã kiên trì triển khai lắp đặt thử nghiệm sản phẩm để người dân dùng thử. Giai đoạn 2012-2016, TA đã lắp đặt thử nghiệm rất nhiều sản phẩm MET cho các gia đình và tất cả đều hoạt động ổn định, cho kết quả tốt và dần được người dân đón nhận. Sản phẩm được người tiêu dùng đón nhận chính là hạnh phúc, cũng là điểm tựa cho sự phát triển của công ty khởi nghiệp như TA.

Nhằm đưa công nghệ MET trở thành phổ biến trên toàn thế giới, với sứ mệnh hồi sinh lại những dòng sông bị ô nhiễm, TA mong muốn tham gia xử lý nước từ đầu nguồn của các dòng sông qua việc lắp đặt MET cho các trạm xử lý nước. Khi ấy, không cần phải lắp từng thiết bị cho hộ gia đình. Đây chính là câu trả lời cho giá trị cốt lõi của TA: khởi nghiệp vì lợi ích cộng đồng.

Với định hướng này, TA đang tiếp xúc, phối hợp cộng tác với các tổ chức phi chính phủ (như Viện Dân số, Sức khỏe và Phát triển (PHAD) trực thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, với nguồn tài trợ từ Mỹ) nhằm mang đến cho người dân nguồn nước sạch thật sự gần như không phải mất tiền. Khi sử dụng (các trạm xử lý nước công cộng), người dân ở các vùng sâu vùng xa, nông thôn chỉ phải bỏ ra một số tiền rất ít chi phí quản lý trông coi công trình.

Ngoài ra, khi tham gia Cổng thông tin Đổi mới sáng tạo và Chuyển giao công nghệ (Techport.vn) do Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ TP.HCM vận hành, TA mong muốn phổ biến rộng rãi công nghệ MET qua các buổi giới thiệu công nghệ; kết nối với các nơi có nhu cầu và được tạo điều kiện triển khai ứng dụng rộng rãi trên địa bàn thành phố để qua đó, người dân được “hưởng thụ” nguồn nước sạch. Đồng thời, TA mong muốn được tiếp cận nhiều hơn nữa tới những hoạt động chiều sâu trong cộng đồng khởi nghiệp, cũng như nhiều hỗ trợ thiết thực từ các tổ chức thiên thần.

Hiện TA cung cấp sản phẩm theo module, công suất hệ thống xử lý nước từ 2-20m3/ngày, chi phí lắp đặt từ 15-70 triệu đồng tùy thuộc quy mô hệ thống.

Lam Vân (CESTI)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả