SpStinet - vwpChiTiet

 

Nghiên cứu xây dựng khu đô thị sáng tạo phía Đông TP.HCM: “thung lũng sillicon” của Việt Nam

Ngày 12/4, Khu Công nghệ phần mềm (Đại học Quốc gia TP.HCM) phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu quốc tế (trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM) và Viện Konrad Adenauer Stiftung (Cộng hòa liên bang Đức) tổ chức hội thảo “Khu đô thị sáng tạo phía Đông TP.HCM: Thảo luận một lộ trình chiến lược”. Các chuyên gia quy hoạch, đô thị, các nhà khoa học, chuyên gia đổi mới sáng tạo trong nước và quốc tế đã trình bày, thảo luận những nội dung về kế hoạch xây dựng và thúc đẩy khu đô thị sáng tạo (ĐTST) phía Đông TP.HCM gồm quận Thủ Đức, quận 2 và quận 9.

Theo ông Trần Vĩnh Tuyến (Phó Chủ tịch UBND TP.HCM), ý tưởng xây dựng khu ĐTST được Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đưa ra trong kế hoạch phát triển Thành phố năm 2018, dựa trên đặc thù và nguồn lực sẵn có của Thành phố là Khu Công nghệ cao (quận 9); trung tâm tài chính, kinh tế (khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2); nhân lực chất lượng cao, phòng thí nghiệm, các trường đại học (quận Thủ Đức). Việc xây dựng ĐTST liên kết 3 quận này không chỉ là mối quan hệ hành chính mà còn mang tính đặc thù của Thành phố trong việc xây dựng ý tưởng sáng tạo gắn với phát triển thị trường. Chính quyền TP.HCM cam kết thực hiện đúng vai trò kiến tạo của Thành phố, lắng nghe, chuyển ý tưởng của các chuyên gia thành hành động, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển bền vững, doanh nghiệp vừa và nhỏ là xương sống của kinh tế thành phố.

Ông Nguyễn Đăng Tuyển (Giám đốc Viện Quy hoạch xây dựng) cho rằng, TP.HCM là nơi phù hợp để xây dựng khu ĐTST và nên chọn hướng Đông bởi qua những lần điều chỉnh quy hoạch TP.HCM, hướng Đông luôn là hướng chính yếu. Khu Đông đã có một số yếu tố thuận lợi để phát triển ĐTST như nền tảng các trường đại học, các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu dân cư mới hiện đại, văn minh; hệ thống giao thông kết nối trong khu vực quận và các khu vực lân cận đã cơ bản hình thành như tuyến xa lộ Hà Nội, đường Phạm Văn Đồng, Vành đai 2, Quốc lộ 13, Quốc lộ 1K; thuộc hành lang phát triển chính của Thành phố, đã được đầu tư lớn hơn so với các quận huyện khác và sẽ tiếp tục theo các chương trình đột phá của Thành phố,… Tuy nhiên, Thành phố nên quy hoạch xây dựng thêm các khu công viên khoa học, khu nghiên cứu, trung tâm y tế, hỗ trợ khởi nghiệp, công viên du lịch sinh thái kết hợp dược liệu,… trong khu ĐTST này.

Mặt khác, các chuyên gia cũng cảnh báo những rủi ro thách thức khi xây dựng khu ĐTST như: quỹ đất còn khá lớn nhưng không tập trung mà rải rác trên nhiều khu vực, nhiều dự án đã có chủ đầu tư; thiếu hệ thống giao thông công cộng, thói quen sử dụng phương tiện giao thông cá nhân còn rất lớn (hơn 85%); giá đất tại quận 2, quận 9, Thủ Đức tăng cao, thậm chí là giá ảo; sự liên kết viện – trường, giữa trường với cơ sở sản xuất (ứng dụng), giữa nhà nước với khu vực kinh tế tư nhân, giữa các cơ quan với nhau chưa thật sự hiệu quả;… GS. Phan Văn Trường (Đại học Quốc gia TP.HCM) cho rằng, trên thực tế đã có những đô thị hoàn toàn rỗng, không có ai vào, cho cũng không ai ở. Có khi xây dựng một khu ĐTST với số tiền rất lớn nhưng chỉ thu hút được số ít các doanh nghiệp khởi nghiệp. Do đó, khi xây dựng khu ĐTST nhất định phải tạo được sự sống. Đô thị phải có nhiều người mong muốn đến sống trong đó có mục tiêu kinh tế, gia đình, cuộc sống hạnh phúc,… Vì vậy, theo GS. Trường, trước khi tạo ra một khu đô thị mới, cần tham khảo, lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp, người khởi nghiệp; khảo sát, đánh giá tác động đối với cộng đồng dân cư hiện hữu.

Nhóm chuyên gia tư vấn chiến lược của Roland Berger (Đức) trình bày tại hội thảo. Ảnh: LV.

Theo ông Lê Văn Thành (Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM), khu ĐTST phía Đông thành phố hình thành từ sự tích hợp của 3 quận sẽ là nơi có công nghệ cao nhiều nhất, nghiên cứu đại học lớn nhất, có triển vọng khu đô thị tốt nhất thành phố. Đó là một “Silicon Valley của Việt Nam”, nơi cần tập trung nhiều nguồn lực, trong đó có nguồn nhân lực chất lượng cao. Với dân số khoảng 1 triệu người, các quận 2, 9 và Thủ Đức đi lên từ huyện nông thôn ngoại thành Thủ Đức. Tuy đã bổ sung một bộ phận nhân lực chất lượng cao nhưng về cơ bản cơ cấu cư dân chưa thay đổi rõ rệt. Do vậy cần thiết tạo được sự tương tác giữa nguồn nhân lực chất lượng cao làm việc trong các trung tâm nghiên cứu, viện trường với dân cư tại chỗ; nâng cao trình độ cho cư dân hiện hữu trong khu ĐTST. Ngoài ra, cần có cơ chế về thu nhập để đủ sức đãi ngộ nhân tài, tạo điều kiện, cơ hội, động lực để người tài phát huy năng lực; các định chế và người quản lý đủ năng lực tổ chức, tôn trọng những ý kiến mang tính độc lập, sáng tạo,… để có nguồn nhân lực thực tài và hăng say với công việc. Nói cách khác, một ĐTST phải là một đô thị thông minh và có chất lượng sống tốt. Đây là nơi mà những con người có thể gặp nhau, tương tác, làm việc thoải mái với nhau và quan trọng nhất “hưởng thụ” được môi trường sống tốt và trong lành nhất, thúc đẩy trí tưởng tượng và các vấn đề khác nhau của sáng tạo.

Ông John Low (chuyên gia tư vấn chiến lược của Công ty Tư vấn chiến lược Roland Berger, Đức) cũng cho rằng, khu ĐTST phải xây dựng được nguồn cảm hứng cho doanh nghiệp sáng tạo, thông qua không gian làm việc tốt, là nơi đáng sống. Phát triển khu ĐTST phải nhận diện rõ được những công nghệ phù hợp hiện có, xu hướng và thế mạnh ngành nghề kinh tế và sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo. Khi xây dựng khu ĐTST cần có các bên liên quan như Chính phủ đóng vai trò tích cực tạo ra môi trường khởi nghiệp; các doanh nghiệp đủ lớn để ươm mầm các doanh nghiệp khởi nghiệp; các công ty công nghệ lớn để cung cấp nền tảng công nghệ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp tồn tại và phát triển.

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả