SpStinet - vwpChiTiet

 

Gia tăng áp dụng khoa học kỹ thuật nông nghiệp để xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm

Chiều 26/1, tại TP.HCM, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân Việt Nam tổ chức hội thảo đối thoại hợp tác nông nghiệp Nhật Bản – Việt Nam với chủ đề thúc đẩy đầu tư tư nhân hướng tới xây dựng chuỗi giá trị thực phẩm. Đây là dịp gặp gỡ giữa các cơ quan chính phủ hai nước, các doanh nghiệp, cá nhân để cùng chia sẻ, trình bày về những kinh nghiệm hoạt động, các phương pháp tiên tiến áp dụng trong nông nghiệp và những nỗ lực hướng tới xây dựng chuỗi giá trị thực phẩm.

Trước bối cảnh mức thu nhập và sức mua trong nước cũng như của các quốc gia trong khu vực tăng cao, tiêu dùng nội địa ngày càng lớn và dự đoán còn tăng hơn nữa trong tương lai, các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đang tích cực đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, không chỉ trong lĩnh vực sản xuất mà còn trong lĩnh vực gia công và phân phối sản phẩm. Chính phủ Nhật Bản thông qua JICA cũng tăng cường hỗ trợ theo hình thức hợp tác công - tư nhằm xây dựng chuỗi giá trị thực phẩm ở Việt Nam.

Theo ông Lều Vũ Điều (Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam), thời gian qua, JICA đã hợp tác hỗ trợ phát triển nông nghiệp Việt Nam thông qua những dự án thiết thực như: xây dựng chuỗi giá trị thực phẩm trong dự án hợp tác kỹ thuật về quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp tỉnh Nghệ An, áp dụng kinh doanh nông nghiệp theo hợp đồng, thu hút sự tham gia của doanh nghiệp; hợp tác với tỉnh Lâm Đồng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thực hiện 8 bước chiến lược phát triển nông nghiệp của Lâm Đồng, thu hút đầu tư của các doanh nghiệp Nhật Bản vào Lâm Đồng. Đây là những mô hình rất cụ thể, có ý nghĩa để học tập và nhân rộng. Hội thảo này có rất có ý nghĩa nhằm tìm kiếm các phương án thu hút được nguồn nhân lực, tạo môi trường thuận lợi để xây dựng chuỗi giá trị thực phẩm ở Việt Nam.

Theo ông Đinh Viết Hồng (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An), việc hình thành chuỗi giá trị thực phẩm ở Nghệ An đang áp dụng thí điểm mô hình sản xuất nông nghiệp theo hợp đồng, qua đó nắm bắt được nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước, ứng dụng công nghệ phù hợp để có thể sản xuất nhiều sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, đồng thời thu hút được các doanh nghiệp Nhật Bản tham gia đầu tư hợp tác. Ví dụ dự án thí điểm sản xuất và kinh doanh gừng đã tiến hành trồng nhiều loại gừng vàng có chất lượng, quy cách đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp Nhật Bản, hướng đến việc hình thành chuỗi giá trị nông sản. Hay dự án thí điểm sản xuất và kinh doanh matcha tiến hành ứng dụng công nghệ sản xuất matcha của Nhật Bản trong các khâu chế biến từ lá chè tươi đến tencha, matcha, nâng cao giá trị kinh tế của cây chè, qua đó hình thành chuỗi giá trị thực phẩm của cây chè cho các hộ dân trồng chè ở huyện Anh Sơn và các doanh nghiệp Nhật Bản.

Các diễn giả Việt Nam và Nhật Bản cùng chia sẻ, thảo luận về hợp tác hỗ trợ xây dựng chuỗi giá trị thực phẩm ở Việt Nam. Ảnh: LV.

TS. Phạm S. (Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng) cho biết, thời gian qua tỉnh đã phối hợp với JICA, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam xây dựng và thực hiện dự án phát triển nông nghiệp theo cách tiếp cận đa ngành và cải thiện môi trường đầu tư với 8 bước chiến lược trọng tâm, nhằm xây dựng nông nghiệp Lâm Đồng thành vùng nông nghiệp giá trị cao hàng đầu Đông Nam Á; hình thành các trung tâm sản xuất, chế biến ra, hoa đạt tiêu chuẩn, chất lượng quốc tế cung cấp cho thị trường Nhật Bản và các thị trường khác; đồng thời thu hút các nhà đầu tư chiến lược của Nhật Bản có tiềm lực về tài chính, KH&CN. Kết quả, đến nay đã xây dựng khu công nghiệp – nông nghiệp Tân Phú; xây dựng trung tâm sau thu hoạch; xây dựng trung tâm giao dịch hoa; hiện đại hóa khâu sản xuất rau, hoa; tăng cường hoạt động xây dựng thương hiệu; khuyến khích phát triển mô hình du lịch canh nông; đào tạo nhân lực nông nghiệp có năng lực; tăng cường hoạt động nghiên cứu để nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp.

Cụ thể, JICA đã bàn giao cho Lâm Đồng toàn bộ hệ thống máy móc thiết bị phân loại cà chua trong khuôn khổ dự án “Khảo sát thẩm định với khu vực tư nhân nhằm nhân rộng công nghệ Nhật Bản để giới thiệu hệ thống chọn lọc – phân loại tiên tiến và phương pháp tiếp thị Nhật Bản để nâng cao năng lực quản lý sau thu hoạch đối với các sản phẩm nông nghiệp tại tỉnh Lâm Đồng”. Qua 1 năm hoạt động, hệ thống máy phân loại nông sản cà chua thuộc dự án đã thực hiện sơ chế sản phẩm nông (cà chua) đáp ứng nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, hầu hết diện tích sản xuất rau, hoa hiện nay đều được người dân ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong sản xuất. Đến nay, diện tích rau, hoa công nghệ cao của tỉnh đạt 22.591 hecta, toàn tỉnh có 208 cơ sở gieo ươm cây giống, rau, hoa, sản xuất 10.590 triệu cây giống/năm, trong đó có 51 cơ sở áp kỹ thuật nuôi cấy mô, hàng năm cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước gần 65 triệu cây giống cấy mô các loại. Một số kỹ thuật canh tác mới từng bước được ứng dụng như: canh tác không dùng đất được ứng dụng vào sản xuất rau, củ, sản xuất giống; đã ứng dụng công nghệ cảm biến, điều khiển nhiệt độ, độ ẩm, CO2, cường độ ánh sáng. Đến nay việc ứng dụng công nghệ cảm biến, điều khiển thông qua internet đã bắt đầu ứng dụng tại Lâm Đồng, nhất là trong sản xuất rau, hoa, từng bước tiệm cận nông nghiệp thông minh.

Để mở rộng các mô hình và xây dựng được các chuỗi giá trị thực phẩm, theo ông Lều Vũ Điều, cần phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp thông qua việc hợp tác đào tạo cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý và nông dân giữa Việt Nam và Nhật Bản; xây dựng cơ sở hạ tầng, sản xuất, chế biến, thị trường và thu hút các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước vào nông nghiệp; có cơ chế, chính sách và chiến lược cụ thể, căn cơ cho từng địa phương. Khi có khi đã có chiến lược, cần có cơ chế thực hiện, có các điều kiện về vật chất, đầu tư, cơ sở hạ tầng, hệ thống kho bãi, và môi trường chính sách để phát triển các chuỗi giá trị, áp dụng tối đa kỹ thuật, khoa học và công nghệ vào tất cả các chuỗi giá trị để làm tăng giá trị sản phẩm.

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả