SpStinet - vwpChiTiet

 

Tìm giải pháp hiệu quả khai thác thương mại các sáng chế

Ngày 28/2, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức buổi tọa đàm “Thúc đẩy hoạt động thương mại hóa đối với sáng chế”. Các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý cùng thảo luận nhằm tìm kiếm các giải pháp hỗ trợ và khai thác hiệu quả các sáng chế, kết quả nghiên cứu có kinh phí nhà nước.

Các vấn đề được tập trung trao đổi liên quan đến thời điểm thương mại hóa sáng chế, hợp đồng chuyển giao công nghệ, đăng ký sáng chế, liên kết để hỗ trợ nhà sáng chế, kinh nghiệm về hoạt động thương mại hóa đối với sáng chế, khai thác thương mại các kết quả nghiên cứu có kinh phí nhà nước,…

Theo bà Hoàng Tố Như (Phó trưởng phòng Sở hữu trí tuệ, Sở KH&CN TP.HCM), sáng chế có thể thương mại hóa ngay từ khi có ý tưởng hoặc có thể thương mại hóa sau khi đơn đăng ký sáng chế được công bố. Tuy nhiên, thời điểm thương mại hóa sáng chế an toàn nhất là ngay sau khi có văn bằng bảo hộ. Về các hình thức khai thác thương mại sáng chế, chủ sở hữu có thể tự mình khai thác thương mại, chuyển giao cho người khác khai thác hoặc có thể thế chấp, góp vốn để kinh doanh bằng sáng chế.

Bà Như cũng cho biết, tại TP.HCM, từ năm 2008 – 2016, có 1.635 đơn sáng chế được đăng ký, có 251 văn bằng được cấp. Đã có nhiều kết quả thương mại hóa sáng chế tương đối khả quan, nhưng chỉ tập trung tại một số trường viện và một số đơn vị như Đại học Bách khoa, Đại học Nông lâm, Đại học Công nghệ TP.HCM,… Những sáng chế này có thể do nhà khoa học, nhà sáng chế tự đầu tư nghiên cứu, tự ứng dụng, chào bán nên chưa xác định đúng giá trị thương mại thực tế của sáng chế. Tại các doanh nghiệp, việc chuyển giao, thương mại hóa sáng chế còn rất ít, chưa chủ động, chủ yếu là tự khai thác sáng chế và hầu hết là các sáng chế chưa đăng ký bảo hộ.

Theo ông Nguyễn Khắc Thanh (Phó Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM), nguyên nhân của tình trạng này là do doanh nghiệp chưa tin tưởng vào các nhà khoa học, vào các sáng chế trong nước. Trong khi đó, các chính sách hỗ trợ của nhà nước chưa thực sự đủ mạnh để khuyến khích, phát hiện sớm để hỗ trợ kịp thời cho các sáng chế. Việc tuyên truyền rộng rãi các sáng chế đến cộng đồng, doanh nghiệp biết để đặt hàng cũng chưa được làm tốt. Mặt khác, hiện có nhiều tổ chức tư vấn, thẩm định giá, sàn giao dịch hình thành để hỗ trợ cho hoạt động này nhưng chưa đáp ứng nhu cầu thực tế; đội ngũ cán bộ tham gia vào hoạt động này không có chuyên môn sâu về kỹ thuật, thương mại và pháp lý nên hoạt động hỗ trợ còn hạn chế.

Chia sẻ kinh nghiệm thương mại hóa đối với sáng chế, một số nhà sáng chế tại buổi tọa đàm cho biết, vấn đề kinh phí và thủ tục đăng ký bảo hộ vẫn là một trong những khó khăn trở ngại khiến nhiều sáng chế dần bị mai một, không thương mại hóa được. Có nhiều sản phẩm đăng ký xong cũng chưa thể dễ dàng khai thác thương mại hóa. Do vậy, các cơ quan, doanh nghiệp, trong đó Sở KH&CN TP.HCM là đầu mối liên kết để tạo ra sự hỗ trợ tốt nhất cho các nhà sáng chế trong việc đăng ký cũng như thương mại hóa sáng chế. Bên cạnh đó, cũng cần giới thiệu các sáng chế đến cộng đồng, từ đó tạo mối liên kết giữa các nhà sáng chế, nhà đầu tư và doanh nghiệp.

Ông Phạm Văn Xu (Trưởng phòng Quản lý khoa học, Sở KH&CN TP.HCM) cho biết, hiện Sở đang triển khai nhiều chương trình hỗ trợ khác nhau như là xây dựng sản phẩm mục tiêu, hỗ trợ hình thành doanh nghiệp khởi nghiệp,… TP.HCM hiện cũng có 20 vườn ươm với những gói hỗ trợ cụ thể, ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Đây cũng là những kênh để các nhà sáng chế có thể tiếp cận và tìm kiếm những hỗ trợ phù hợp cho hoạt động của mình.
 

TS. Huỳnh Quyền trao đổi tại buổi tọa đàm. Ảnh: LV.
 
TS. Huỳnh Quyền (Phó trưởng Ban KH&CN Đại học Quốc gia TP.HCM) thì cho rằng, các doanh nghiệp cần những chuyên gia thực thụ để giúp họ giải quyết những bài toán về công nghệ, phát triển sản phẩm trong doanh nghiệp. Vì vậy, các cơ quan quản lý nhà nước cần hỗ trợ để doanh nghiệp có thể  tìm được đúng chuyên gia theo yêu cầu thực tế của đơn vị mình. Ngoài ra, cần thống kê đầy đủ, kịp thời cũng như chia sẻ, truyền thông rộng rãi những đề tài, dự án KH&CN, sáng chế để các doanh nghiệp có thể tiếp cận nhanh chóng.

Buổi tọa đàm cũng thảo luận về một số giải pháp như khuyến khích các chủ thể sáng chế đăng ký trong hoặc ngoài nước để tránh rủi ro khi thương mại hóa; xây dựng chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển mô hình hợp tác đầu tư giữa Nhà đầu tư – Nhà sáng chế – Doanh nghiệp để phát huy tối đa lợi thế của các nhân tố tạo ra giá trị thương mại của sáng chế; hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng cụ thể hóa và tập trung để hỗ trợ chủ thể sáng chế có thể tìm kiếm thông tin nhanh nhất; xây dựng đội ngũ chuyên gia đủ kinh nghiệm để tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ các chủ sáng chế khai thác thương mại,…
Lam Vân

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả