SpStinet - vwpChiTiet

 

Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ đặt ra thách thức lớn cho giáo dục đại học Việt Nam

Ngày 24/2, tại TP.HCM, Hiệp hội các trường đại học và cao đẳng Việt Nam tổ chức hội thảo quốc tế “Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và ứng dụng tại các trường đại học, cao đẳng Việt Nam”. Đặc trưng của cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 là sự hợp nhất của các loại công nghệ và làm xóa nhòa ranh giới giữa các lĩnh vực vật lý, kỹ thuật số và sinh học mà với trung tâm là sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, robot, IoT (Internet vạn vật),…

Theo đó, cuộc CMCN 4.0 được xây dựng trên cuộc CMCN lần thứ ba là cuộc cách mạng kỹ thuật số và điện tử (máy tính, công nghệ viễn thông và Internet ra đời và phổ cập) đã xuất hiện từ giữa thế kỷ trước. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 này sẽ thay đổi triệt để về cách sống, làm việc và quan hệ của con người.

Tại hội thảo, ngoài việc giới thiệu tổng quát và ảnh hưởng sâu rộng của cuộc CMCN 4.0 tới xã hội loài người và giáo dục nói riêng, các đại biểu đã tập trung thảo luận và chia sẻ nhiều vấn đề liên quan như giáo dục trực tuyến và hình thức hợp tác; tích hợp công nghệ trong việc học tiếng Anh; những giá trị cốt lõi của CMCN 4.0 và cơ hội , thách thức đối với giáo dục đào tạo; quan hệ giữa cơ sở đào tạo và nhà sản xuất; phần trình bày và thảo luận của các trường đại học, cao đẳng về phương hướng phát triển giáo dục đại học để ứng dụng thành tựu và ứng phó với những biến đổi do CMCN 4.0 tạo ra.

TSKH. Phan Quang Trung (Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học và cao đẳng Việt Nam) cho biết, các công nghệ mới từ CMCN 4.0 phát triển với tốc độ vượt bậc, với những đột phá để phục vụ con người được hiện thực hóa như xe tự lái, ứng dụng của trí tuệ nhân tạo,… Tuy nhiên, cũng như mọi cuộc CMCN trước đây, CMCN 4.0 có thể đưa đến tình trạng bất bình đẳng lớn hơn, đặc biệt là nguy cơ phá vỡ thị trường lao động. Trong tương lai, tài năng trí thức sẽ đại diện cho yếu tố quan trọng của sản xuất hơn là yếu tố vốn. Điều này sẽ luôn phát sinh ra một thị trường việc làm ngày càng tách biệt. Vì vậy, trước sự bùng nổ của cuộc CMCN 4.0, khu vực giáo dục đại học bị đặt trước nhiều thách thức rất lớn. Điều này đòi hỏi giáo dục phải đem lại cho người học những kỹ năng và kiến thức cơ bản lẫn tư duy sáng tạo, khả năng thích nghi với các thách thức và yêu cầu công việc thay đổi liên tục để tránh nguy cơ bị đào thải.

Theo PGS.TS. Mạc Văn Tiến (Tổng cục dạy nghề), để đáp ứng nhân lực cho nền kinh tế sáng tạo, đòi hỏi hoạt động đào tạo phải thay đổi, nhất là phương thức và phương pháp với sự ứng dụng mạnh mẽ của công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, nhà trường cần chuyển đổi sang mô hình chỉ đào tạo những gì thị trường cần và hướng tới chỉ đào tạo những gì thị trường sẽ cần. Với mô hình này, sự gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp sẽ được chặt chẽ hơn.

Chi sẻ kinh nghiệm từ Đại học Bách khoa TP.HCM, TS. Mai Thanh Phong (Phó hiệu trưởng nhà trường) cho biết, nhân lực là điểm mạnh của ĐHBK TP.HCM và cũng được nhà trường chú trọng đầu tư cho những thay đổi về công nghệ gần đây, đồng thời chuẩn bị dài hạn cho cuộc CMCN 4.0. ĐHBK có các chương trình đào tạo đội ngũ giảng viên và quản lý với các đối tác công ty, trường đại học nước ngoài. Phương pháp giảng dạy của trường là hướng người học đi theo quy trình “hình thành ý tưởng - thiết kế - triển khai - vận hành”. Tính đổi mới sáng tạo, liên ngành và học tập suốt đời được trang bị cho sinh viên.

Đại diện Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH), PGS.TS. Bùi Xuân Lâm (Phó Hiệu trưởng nhà trường) trình bày tham luận về vấn đề hợp tác quốc tế trong giáo dục dưới góc nhìn của đại học tư thục Việt Nam. Tham luận chỉ ra sự thay đổi của thế giới hiện đại trong lĩnh vực giáo dục, phương thức tiếp cận và tiến hành mô hình hợp tác quốc tế, một số mô hình hợp tác quốc tế đang thực hiện tại HUTECH. HUTECH cũng chia sẻ về kinh nghiệm ứng dụng CMCN 4.0 trong công tác chăm sóc sinh viên, tạo môi trường học tập thuận lợi, cởi mở, một trong những thành công được sinh viên, phụ huynh và xã hội đánh giá cao trong những năm qua.
Lam Vân

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả