SpStinet - vwpChiTiet

 

Chữa lành chấn thương bằng xương nhân tạo

Các nhà nghiên cứu ở Đại học Lund (Thụy Điển) vừa phát triển thành công một phương pháp mới trong việc chữa lành vết thương do chấn thương bằng cách kết hợp xương thay thế và thuốc để tái tạo lại xương, cũng như chữa lành các vết nứt nghiêm trọng ở xương đùi và xương cẳng chân.

Theo nhà nghiên cứu chấn thương chỉnh hình Deepak Raina (tác giả chính của nghiên cứu), thuốc và vật liệu được sử dụng trong nghiên cứu tái tạo xương đã được phê duyệt, họ chỉ đơn giản là gói chúng theo một phương thức kết hợp mới hơn. Nghiên cứu đã được thử nghiệm lâm sàng, có thể kiểm soát được quy trình kỹ thuật và đã được chấp nhận về mặt đạo đức. 

Thực tế, cấu trúc xương của con người có khả năng tự chữa lành vết thương một cách tuyệt vời. Tuy nhiên, đối với một số khiếm khuyết quá lớn hoặc phức tạp sẽ gây ra ảnh hưởng khiến quá trình phục hồi bị chậm trễ hoặc có khi không thể phục hồi. Điều này có thể là do xương phải chịu chấn thương bởi lực tác động quá lớn như trường hợp tai nạn giao thông, hoặc do một khối u hay tình trạng nhiễm trùng gây ra khiếm khuyết  lớn cho xương. Hiện tại, những nguyên nhân kể trên thường được điều trị thông qua việc cấy ghép xương từ chính xương chậu của bệnh nhân.

“Trường hợp liên quan đến gãy xương gây nên vết thương hở lớn tại cẳng chân dẫn đến các xương gãy trên 5% sẽ thất bại trong việc phục hồi. Với phương pháp mới, chúng tôi tránh lấy xương từ phần xương chậu, điều này là một việc làm có lợi cho sức khỏe của bệnh nhân”, nhà nghiên cứu Deepak Raina cho biết.

Nhiều nhóm nghiên cứu ở châu Âu và Mỹ đang tìm kiếm phương thức tăng cường quá trình hồi phục xương. Cho đến nay, công thức phối trộn thành công nhất do các nhà khoa học Thụy Điển và Đức tiến hành gồm 3 thành phần: vật liệu bằng sứ nhân tạo (được phát triển tại Đại học Lund), protein xương hoạt động sinh học (rhBMP-2) và một loại thuốc bisphosphonate chống lại sự tiêu xương.

Nhà nghiên cứu Deepak Raina cho biết thêm: “Protein xương mà chúng tôi sử dụng đã có những tác động tiêu cực trong các nghiên cứu trước đây do sự hấp thu xương non thứ phát và một vài vấn đề khác. Chúng tôi đã thành công trong việc làm giảm các tác động tiêu cực này bằng cách sử dụng thuốc bisphosphonate và đóng gói chúng theo một phương thức kết hợp mới. Trong nghiên cứu hiện tại, chúng tôi đã giảm đến 6 lần số lượng protein sử dụng so với những nghiên cứu trước đây, mà vẫn thành công trong việc tái tạo xương”.

Nghiên cứu được đăng trên tạp chí nghiên cứu khoa học Science Advances.

 Anh Phương (CESTI) – Theo ScienceDaily

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả