SpStinet - vwpChiTiet

 

Phát triển nhanh nhờ làm chủ IP và mở rộng hợp tác R&D

Môi trường liên kết hợp tác giữa các tổ chức nghiên cứu và doanh nghiệp ở Đức đã tiếp sức, giúp GFaI, tổ chức hoạt động ban đầu như một hội nghề nghiệp, vận hành như một viện nghiên cứu và gặt hái thành công với nhiều nghiên cứu ứng dụng trong công nghiệp.

GFaI

GFaI (Gesellschaft zur Förderung angewandter Informatik e. V.) được thành lập năm 1990 tại Khu Khoa học và công nghệ Adlershof, Berlin, Đức. Khởi đầu là một hội nghiên cứu phi lợi nhuận tư nhân nhằm thúc đẩy phát triển ứng dụng khoa học máy tính, hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin để đổi mới, đến nay GFaI đã phát triển thành một viện nghiên cứu, cung cấp các dịch vụ nghiên cứu và triển khai (R&D) lĩnh vực khoa học máy tính ứng dụng và đổi mới trong công nghiệp, hoạt động trên phạm vi toàn cầu.

GFaI thực hiện các dịch vụ R&D về khoa học máy tính ứng dụng vào các ngành công nghiệp như ô tô, thép, gốm sứ, robot, thiết bị xây dựng, kỹ thuật tim mạch, thiết bị nha khoa, thiết bị trong nhà. Dịch vụ cung cấp bao gồm toàn bộ quá trình, từ nghiên cứu đến đưa vào sản xuất; thực hiện các hoạt động cấp phép, quản lý khiếu nại, và hỗ trợ những dự án nghiên cứu sáng tạo của các đối tác. Ngoài ra, GFaI còn tự thực hiện R&D để đổi mới các sản phẩm trong ngành khoa học máy tính và cấp phép chuyển giao công nghệ, đồng thời quản lý các dự án R&D trong mạng lưới khoa học và công nghệ. 

Hoạt động trong lĩnh vực R&D và chuyển giao công nghệ giúp GFaI sớm nhận ra rằng, quyền sở hữu tài sản trí tuệ (IP) hợp pháp không chỉ bảo vệ kết quả sáng tạo trước các đối thủ cạnh tranh mà còn ảnh hưởng đến quyết định của đối tác khi thỏa thuận mua bán. Kinh nghiệm qua quá trình hoạt động là cơ sở để GFaI xây dựng và phát triển chiến lược quản lý IP theo các định hướng:

  • Bảo vệ quyền sở hữu IP hợp pháp đóng vai trò quan trọng mang tính chiến lược của GFaI.
  • Quyết định nên nộp đơn xin cấp bằng sáng chế hay không được đưa ra ngay khi có kết quả nghiên cứu.  
  • Tên sản phẩm được chọn cẩn thận và bất kỳ yếu tố nào có khả năng cần bảo vệ IP đều được phân tích và xem xét nghiêm túc.
  • Có chính sách phù hợp, bao gồm cả chính sách công bố phòng vệ. Trong trường hợp nghi ngại, đơn xin cấp bằng sáng chế sẽ được nộp cho Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Đức (DPMA) trước khi bắt đầu bất kỳ chiến dịch quan hệ công chúng nào.
  • Bảo vệ bằng sáng chế quốc tế sẽ phải xem xét cẩn thận các chi phí và một đơn xin cấp bằng sáng chế luôn dẫn đến việc tiết lộ sáng chế trên toàn thế giới qua công bố sáng chế, do đó cần đảm bảo bảo vệ các IP.

Trong hầu hết các trường hợp, nếu IP được phát triển từ các hợp đồng R&D thì GFaI sẽ nộp đơn xin cấp bằng sáng chế và thực hiện cấp phép, do khách hàng thường chỉ liên quan đến các yêu cầu ban đầu về R&D, do GFaI thực hiện. Tuy nhiên, cũng có khi, các đối tác hợp tác nghiên cứu của GFaI cùng đứng tên đơn xin cấp bằng sáng chế. 

Nhiều sáng chế ​​của GFaI là các phần mềm công nghệ thông tin. Việc bảo vệ hiệu quả IP cho phần mềm trên toàn thế giới khá phức tạp và tốn kém. Ngay cả việc xác định ai sở hữu quyền IP đối với phần mềm cũng có thể khó khăn. GFaI chỉ nộp đơn đăng ký các sáng chế phù hợp với các mục tiêu chiến lược, sau khi đánh giá về chi phí và khả năng thương mại. Trường hợp phần mềm được phát triển không là giải pháp kỹ thuật trực tiếp hoặc ít có khả năng thương mại, GFaI sẽ xem xét có thể bảo vệ dưới hình thức bản quyền hoặc đảm bảo bí mật.

GFaI nộp đơn đăng ký bảo hộ sáng chế trong nước với DPMA và Cơ quan Sáng chế châu Âu (EPO). Các sáng chế có khả năng thương mại trên thế giới sẽ được nộp đơn xin bảo hộ theo Hiệp ước Hợp tác sáng chế (PCT), ví dụ như sáng chế về máy ảnh âm thanh đã được nộp đơn xin cấp bằng sáng chế quốc tế theo PCT vào năm 2004. GFaI không định trước ngân sách cho quản lý IP. Việc phân bổ tài chính cho mục đích này tùy vào lợi nhuận dự kiến.

Bắt đầu với không đến 10 nhân viên và nguồn lực hạn chế, đến nay GFaI đã có hơn 100 nhân viên, trong đó có 70 chuyên gia trực tiếp tham gia vào các hoạt động R&D, mang lại doanh số hàng năm khoảng 8 triệu euro.

Sáng chế làm nên tên tuổi của GFaI

GFaI đạt nhiều thành tựu trong hoạt động R&D và thương mại hóa hầu hết các sản phẩm tạo ra, trong đó máy ảnh âm thanh là đại diện tiêu biểu.

GFaI bắt đầu nghiên cứu về máy ảnh âm thanh từ năm 2001, do tiến sĩ Gerd Heinz dẫn đầu, để nghiên cứu khắc phục tiếng ồn khi các thiết bị hoạt động, cụ thể là ô tô. Việc đầu tiên để giảm tiếng ồn là tìm ra nguồn gốc phát ra tiếng ồn! Giải pháp của nhóm tiến sĩ Heinz là nghiên cứu để có thể nhìn thấy tiếng ồn bằng mắt. Kết quả nhóm nghiên cứu đã chế tạo thành công máy ảnh âm thanh, đây là thiết bị phát hiện tiếng ồn bằng cách ghi nhận tín hiệu âm thanh và chuyển thành hình ảnh để có thế nhận biết bằng mắt một cách dễ dàng, nhanh chóng và xác định chính xác nguồn gốc tiếng ồn, phát hiện lỗi để sửa chữa khắc phục.

Máy ảnh âm thanh được thương mại thành công, sử dụng ban đầu chủ yếu là khách hàng trong công nghiệp ô tô nhằm phát hiện và khắc phục tiếng ồn để xe hoạt động êm ái. Máy ảnh âm thanh được tiếp tục phát triển mở rộng ứng dụng trong nhiều ngành ngành công nghiệp khác như trong thiết bị xây dựng, âm nhạc, nghiên cứu sinh học và thiết bị trong nhà. Lúc đầu, vào năm 2003, GFaI trực tiếp lắp ráp, thử nghiệm và vận chuyển máy ảnh âm thanh đến khách hàng. Đến năm 2007, GFaI thành lập GFaI Tech GmbH (GFaI Tech), là công ty con thuộc sở hữu của GFaI để lắp ráp, quản lý và thúc đẩy thương mại máy ảnh âm thanh. Máy ảnh âm thanh được ghi nhận là thành công lớn về khoa học và kinh tế, hiện được bán trên thị trường trên toàn thế giới với doanh thu xuất khẩu vượt trên một triệu euro mỗi năm.

https://www.wipo.int/ipadvantage/images/article_0045_2.jpg
Hình vẽ trong bằng sáng chế về máy ảnh âm thanh (tên sáng chế: Method and device for imaged representation of acoustic objects, số PCT/EP2004/000857)

Gia tăng nguồn lực qua liên kết hợp tác

GFaI hoạt động như một doanh nghiệp khoa học và công nghệ, đã phát triển nhanh chóng nhờ tận dụng sức mạnh tổng hợp từ việc tham gia vào các hiệp hội nghiên cứu, hợp tác với nhiều đối tác khác nhau trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, các viện/trường, cũng như hợp tác với các chuyên gia từ thực tiễn.

GFaI đã xây dựng thành công một mạng lưới liên kết các nhà khoa học và công nghệ từ các doanh nghiệp, các hiệp hội và các tổ chức nghiên cứu. Mạng lưới này cho phép GFaI tham gia vào nhiều dự án nghiên cứu và thực hiện các hợp đồng R&D, đặc biệt là thực hiện R&D về ứng dụng công nghệ thông tin để đổi mới và phát triển các ngành công nghiệp.

GFaI có mối liên kết chặt chẽ và hỗ trợ đào tạo sinh viên với Đại học Khoa học ứng dụng Beuth Berlin (Beuth Berlin University of Applied Sciences) và Đại học Khoa học ứng dụng HTW Berlin (HTW Berlin University of Applied Sciences), nhờ đó, GFaI được cấp quyền truy cập trực tiếp vào các tài liệu khoa học mới nhất từ hai đại học khoa học ứng dụng nổi tiếng của Đức.

Ở Đức có nhiều hiệp hội tư nhân hoạt động phi lợi nhuận hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nghiên cứu ứng dụng và đổi mới. GFaI đạt được nhiều thuận lợi và tiếp nhận nhiều hỗ trợ khi là thành viên của các tổ chức này, cụ thể như:

  • Liên đoàn các hiệp hội nghiên cứu công nghiệp, Đức (AiF - Arbeitsgemeinschaft industrieller Forschungsvereinigungen) được thành lập vào năm 1954, là một tổ chức tư nhân phi lợi nhuận, hoạt động ở cấp quốc gia và châu Âu nhằm thúc đẩy các hoạt động R&D và chuyển giao công nghệ, thúc đẩy trao đổi giữa công nghiệp và khoa học để nhanh chóng đưa các kết quả nghiên cứu mới vào thực tiễn, chú trọng hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ đặc biệt hướng tới các công ty Đức. 
  • Hiệp hội các doanh nghiệp sáng tạo (VIU- Verband Innovativer Unternehmen e.V) được thành lập vào năm 1992, hoạt động tự chủ và phi lợi nhuận nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu và phát triển theo định hướng thị trường, thúc đẩy hoạt động đổi mới của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, và các tổ chức nghiên cứu công nghiệp, đồng thời thúc đẩy hợp tác giữa giới khoa học và doanh nghiệp để phát triển các cấu trúc đổi mới và thực hiện các đổi mới trong công nghiệp.
  • Cộng đồng nghiên cứu công nghiệp Konrad Zuse (Zuse-Gemeinschaft), được thành lập năm 2015, là tổ chức phi lợi nhuận độc ​​lập, tập hợp hơn 70 đơn vị là các tổ chức nghiên cứu độc lập trên toàn quốc. Cộng đồng này được xem là trụ cột thứ ba, bên cạnh các trường đại học và các hiệp hội nghiên cứu lớn, là nguồn ý tưởng từ thực tiễn, thúc đẩy ứng dụng công nghệ làm nền tảng cho những đổi mới giúp các công ty cỡ trung của Đức phát triển thành công.

Anh Thư (CESTI)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả