SpStinet - vwpChiTiet

 

Tạo được tuyến ức hoàn chỉnh trong cơ thể động vật

Trong một bài viết đăng trên tạp chí Sinh vật học tế bào tự nhiên (Nature Cell Biology, Anh Quốc) số mới đây, các nhà nghiên cứu ở Trung tâm Y học Tái sinh (Đại học Edinburgh) thuộc Hội đồng Nghiên cứu Y học tuyên bố lần đầu tiên trên thế giới đã tạo ra được một cơ quan nội tạng hoàn chỉnh và có đầy đủ chức năng trong cơ thể động vật.

Nhóm nghiên cứu cấy một nhóm tế bào vào trong con chuột và tế bào đó phát triển thành tuyến ức - một bộ phận quan trong trong hệ miễn dịch của cơ thể động vật. Kết quả nghiên cứu khoa học này có thể dọn đường thay thế cho việc cấy ghép nội tạng cơ thể.

Tuyến ức gồm hai thùy nằm ở phía dưới cổ và phía trên ngực, có nhiệm vụ sản xuất ra một chất của hệ miễn dịch gọi là tế bào T (T-cells) nhằm chống lại sự lây nhiễm; nó có kích thước lớn ở cá thể non và tiêu giảm sau khi động vật thành thục về sinh dục.

Các nhà khoa học bắt đầu từ tế bào phôi thai (embryo) chuột. Sau khi được “tái lập trình” gien, các tế bào phôi thai bắt đầu biến chuyển thành một loại tế bào được phát hiện thấy trong tuyến ức. Họ đem các tế bào đó hỗn hợp với các tế bào khác có tác dụng hỗ trợ rồi cấy vào trong cơ thể chuột để chúng phát triển thành tuyến ức có chức năng hoàn chỉnh.

Nghiên cứu nói trên tương tự với một thành công khoa học nổi tiếng năm ngoái, khi các nhà khoa học tạo ra được não người trong phòng thí nghiệm, đạt trình độ tương đương não của thai nhi chín tuần tuổi. Tuy nhiên so với não thì tuyến ức là một cơ quan đơn giản hơn gồm hai vùng chính: vỏ (cortex) và tủy (medulla).

Giáo sư Clare Blackburn, một thành viên của nhóm nghiên cứu, cho biết khi hiểu được ý nghĩa thành tựu công trình của mình, cả nhóm đều vô cùng phấn khởi. Bà nói: “Đây là một niềm vui lớn đáng ngạc nhiên. Thực sự là chúng tôi có thể dùng một phương pháp rất đơn giản, bắt đầu từ tế bào được tái lập trình để sinh ra một bộ phận cơ thể có chức năng hoàn chỉnh.” Bà còn nói đây là một bước tiến làm nức lòng người, có triển vọng rất hấp dẫn xét từ mặt rộng hơn của lĩnh vực y học tái sinh.

Các bệnh nhân cần cấy tủy xương hoặc trẻ em bẩm sinh không có tuyến ức vận hành bình thường sẽ được hưởng lợi từ thành tựu nghiên cứu này. Tăng cường chức năng của tuyến ức cũng có lợi cho những người già. Cùng với tuổi tác, tuyến ức bắt đầu teo lại, làm suy yếu hệ miễn dịch.

Nhưng còn nhiều trở ngại cần vượt qua khi áp dụng thành tựu nghiên cứu này vào điều trị lâm sàng cho con người. Công nghệ nghiên cứu hiện có sử dụng phôi thai, điều đó nghĩa là tuyến ức tạo ra chưa phải là một tổ chức thích hợp với bệnh nhân. Các nhà nghiên cứu còn cần bảo đảm tế bào bị cấy ghép sẽ không tạo nên nguy cơ ung thư do chúng không được kiểm soát.

Lĩnh vực y học tái sinh đang phát triển rất nhanh, hiện nay đã có bệnh nhân được cấy ghép mạch máu, khí quản và bàng quang.
Nguồn: Tia sáng

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả