SpStinet - vwpChiTiet

 

Thành công nhờ "đổi mới sáng tạo mở"

Dù có quy mô không lớn, nhưng Công ty Eidon đã phát triển thành công nhờ hoạt động theo phương thức đổi mới sáng tạo mở, chuyên thực hiện các dịch vụ nghiên cứu, triển khai (R&D) và chuyển giao công nghệ.

Eidon

Công ty Eidon Ricerca Sviluppo Documentazione SPA, tiền thân của Eidon Lab (sau đây gọi tắt là Eidon), do Pierantonio Salvador, một kỹ sư đã từng làm việc tại Phòng thí nghiệm R&D của Gran Tierra Energy Inc., thành lập vào năm 1979. Eidon có trụ sở tại miền Đông Bắc nước Ý, là một trong những đơn vị tiên phong cung cấp dịch vụ R&D, chuyên nghiên cứu và triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong công nghiệp, giúp các doanh nghiệp thực hiện đổi mới qui trình quản lý và sản xuất. Eidon chú trọng việc hỗ trợ hoặc đại diện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, dạng doanh nghiệp đa số bị hạn chế về hoạt động R&D, để tương tác trong cộng đồng đổi mới sáng tạo thông qua các chiến lược hợp tác mở với các viện, trường và doanh nghiệp lớn nhằm tạo ra giá trị từ nghiên cứu đổi mới sáng tạo.

Eidon thành lập Lab4C vào năm 1992, là phòng thí nghiệm chuyên ngành tại Công viên khoa học AREA (AREA Science Park) ở Trieste, công viên khoa học đa ngành lớn nhất ở châu Âu. Năm 2011, Eidon sáp nhập vào Eidon Lab và hoạt động dưới dạng một tổ chức phi lợi nhuận, mở rộng hợp tác với bên ngoài để thực hiện các hoạt động R&D trong công nghiệp, phổ biến và chuyển giao công nghệ để thực hiện đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp. Edion được Bộ Giáo dục, Đại học và Nghiên cứu Ý (MIUR- Ministero dell'Istruzione, dell'Università e della Ricerca) công nhận như là một phòng thí nghiệm chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ thông tin và điện tử, được tiếp cận với nguồn tài trợ quốc gia hoặc trong vùng cho hoạt động R&D, và thực hiện các chương trình chuyển giao công nghệ do  Liên minh châu Âu (European Union) xúc tiến.

Trên cơ sở các phân tích kỹ thuật và khả năng thích ứng với các giải pháp, Eidon có các nghiên cứu phát triển để giải quyết vấn đề, xác định tính khả thi, tiến độ triển khai và chi phí thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin vào các qui trình tổ chức, các hệ thống và tự động hóa công nghiệp,… cũng như hỗ trợ việc kiểm soát và giám sát. Nhờ đó, Eidon là lựa chọn đầu tiên của các doanh nghiệp có nhu cầu R&D với vai trò như một đối tác công nghệ trong quá trình đổi mới sản phẩm và ứng dụng công nghệ thông tin để đổi mới hệ thống. Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, sự lựa chọn này giúp đẩy nhanh chu trình đổi mới, giảm rủi ro, tăng lợi ích và dễ dàng đạt được kết quả quan trọng nhờ hoạt động R&D được thực hiện bởi các phòng thí nghiệm uy tín và các chuyên gia giàu kinh nghiệm.

Gia tăng nguồn lực nhờ “đổi mới sáng tạo mở”

Kể từ khi thành lập năm 1979, Eidon đã có tầm nhìn mở về đổi mới sáng tạo. Nhờ cách tiếp cận này, các vấn đề về công nghệ và đổi mới được giải quyết bằng nguồn lực và kỹ năng của doanh nghiệp kết hợp kiến thức từ bên ngoài, với sự góp sức của chuyên gia từ nhiều lĩnh vực khác nhau và nguồn lực R&D của các tổ chức chuyên ngành khác. "Đổi mới sáng tạo mở" là phương thức mà các ý tưởng, nguồn lực bên trong và bên ngoài được kết hợp với nhau, tạo ra lợi thế lớn hơn cho công cuộc đổi mới sáng tạo (khác với kiểu truyền thống là hoạt động R&D được tiến hành từ 100% nguồn lực ​​của chính doanh nghiệp).

Ứng dụng "Đổi mới sáng tạo mở", các doanh nghiệp (nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ) có thể:

  • Triển khai hoạt động R&D dễ dàng, nhanh chóng và tiết kiệm, với khả năng tương tự như một công ty lớn và có thể thực hiện trên qui mô quốc tế.
  • Giảm rủi ro và tăng lợi ích của hoạt động R&D
  • Tăng tốc chu kỳ đổi mới.
  • Hoàn thành những mục tiêu quan trọng của doanh nghiệp nhờ thực hiện các hoạt động R&D.

Eidon là thành viên sáng lập Mạng lưới hợp tác đổi mới sáng tạo mở (COIN - Collaborative Open Innovation Networked) vào năm 2012, một mạng lưới nhằm gia tăng năng lực nghiên cứu, thúc đẩy hợp tác giữa các tổ chức nghiên cứu, phòng thí nghiệm, các doanh nghiệp công nghệ sáng tạo, các trung tâm năng lực tư nhân (private competence centers) để chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn và các giải pháp sáng tạo, tạo ra giá trị gia tăng. Mục tiêu chủ yếu là khai thác các kết quả R&D hướng đến thị trường, thực hiện đổi mới qui trình sản xuất, tạo ra các sản phẩm mới. COIN hiện có sự góp mặt của 20 đại học, phòng thí nghiệm và viện nghiên cứu; 350 trung tâm năng lực; 600 công ty; 700 chuyên gia. Thông qua COIN, nơi các đối tác là các công ty, viện nghiên cứu và các hiệp hội trao đổi kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn, Eidon dễ dàng tìm ra cách giải quyết từng bước trong chu kỳ đổi mới một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Triển khai các dự án theo phương thức phối hợp, đối thoại với đối tác, và khi cần thiết sẽ có tư vấn của các chuyên gia, nhờ đó Eidon tận dụng được chuyên gia từ nhiều lĩnh vực khác nhau (từ chuyên gia cung cấp công nghệ, nhà tư vấn sáng tạo đến chuyên gia nghiên cứu thị trường,…). Chỉ trong 10 năm đầu, Eidon đã có được nhiều hợp đồng với Zanussi Grandi Impianti, Conceria Cogolo, Danieli Centro Met and Danieli Ceda, Cadalpe, Fornaci Morandini…; các giải pháp liên quan đến quản lý hệ thống thông tin của Eidon đã đáp ứng được nhu cầu các khách hàng như AMGA, Cassa di Risparmio di Udine và Pordenone, IllyCaffè…  Ngoài ra, Eidon cũng phối hợp với các cơ quan như Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA- European Space Agency), Đại học Heriot Watt của Edinburgh, Viện Hàn lâm khoa học Moscow (Moscow Academy of Sciences), DASA-Erno, Deutsche Aerospace Erno Raumfahrtechnik,… để tham gia vào các dự án nghiên cứu quan trọng ở châu Âu. 

Kể từ khi thành lập đến nay, Eidon đã thực hiện hơn 1.000 dự án R&D để đổi mới qui trình và sản phẩm trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ sản xuất sắt thép, cơ khí, hóa học, ô tô, đến thực phẩm, nông nghiệp, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ công nghệ thông tin-truyền thông, tự động hóa, năng lượng.

Chọn bằng sáng chế hay bản quyền?

Eidon rất coi trọng việc bảo hộ tài sản trí tuệ (IP-Intellectual Property) và đã nộp đơn bảo hộ sáng chế ở cấp quốc gia, một số sáng chế được nộp đơn bảo hộ tại Cơ quan sáng chế châu Âu (EPO- Europe Patent Organization). Quá trình nộp đơn bảo hộ sáng chế được thực hiện bởi các chuyên gia tư vấn pháp lý bên ngoài. Tuy nhiên, thời gian gần đây, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ thông tin diễn ra ngày một nhanh chóng và thời gian đưa ra thị trường trở nên quan trọng hơn các vấn đề công nghệ, và bằng sáng chế không phải là lợi thế, vì có thể dẫn đến việc tiết lộ sớm công nghệ chiến lược mà các bên thứ ba có thể dễ dàng tiếp cận qua thông tin sáng chế. Do đó, bảo vệ IP dựa vào bản quyền là cách mà Eidon lựa chọn.

Thường thì lợi ích của khách hàng và các tổ chức R&D sẽ đối nghịch khi đề cập đến quyền sở hữu IP được tạo ra trong một dự án. Eidon thường phải đối mặt với những vấn đề phát sinh liên quan đến IP thông qua các hợp đồng dịch vụ R&D. Khách hàng muốn độc quyền sử dụng, trong khi tổ chức R&D muốn sử dụng kết quả đó để phát triển hơn nữa. Giải quyết vấn đề này, Eidon đã áp dụng giải pháp thỏa hiệp để bảo vệ lợi ích chính đáng của cả hai bên, dựa trên ba yếu tố:

  • Bảo mật thông tin nghiên cứu và hợp tác giữa Eidon với khách hàng để đảm bảo các bên thứ ba sẽ không có quyền truy cập vào bất kỳ bí mật thương mại hoặc IP phát sinh từ hợp đồng nghiên cứu.
  • Công nhận quyền sở hữu IP của Eidon liên quan đến công nghệ cơ bản. Điều này làm giảm nguy cơ xâm phạm và bộc lộ sớm các công nghệ mới, có thể được sử dụng để khai phá các thị trường mới, có cơ hội thêm nhiều hợp đồng mới và sau đó lại tiếp tục phát triển các công nghệ và IP mới.
  • Công nhận khách hàng có thể được đảm bảo quyền sở hữu IP trong một ứng dụng cụ thể. Việc xem xét đối với quyền sở hữu IP của khách hàng sẽ giảm thiểu các tranh chấp có thể xảy ra, cũng như cung cấp các cơ hội cấp phép và phát triển R&D trong tương lai.

Eidon đã thành công khi sử dụng chiến lược IP để tạo điều kiện tăng trưởng. Thông qua hoạt động R&D, Eidon có được quyền IP đối với các công nghệ mà nếu không có khách hàng thì không thể có được. Tuy nhiên, nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực công nghệ thông tin năng động và phát triển rất nhanh chóng, nên môi trường cạnh tranh lĩnh vực này vô cùng khốc liệt. Do đó, Eidon luôn theo dõi sự thay đổi và những tiến bộ công nghệ để cân nhắc khả năng cạnh tranh của mình, đồng thời, tiến hành các hoạt động để kiểm soát sự phát triển công nghệ. Việc kiểm soát này bao gồm các nghiên cứu và khảo sát để xác định đối thủ cạnh tranh và được thực hiện thông qua phân tích thị trường, sử dụng cơ sở dữ liệu thông tin sáng chế, các báo cáo từ các nhà cung cấp thông tin, tham khảo báo chí chuyên ngành, tham gia các hội thảo trong nước và quốc tế, hay hợp tác với các trường đại học, các tổ chức nghiên cứu và thông qua internet.

Tìm hiểu thêm về bảo hộ các IP thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin có thể tham khảo bài viết:

Bảo hộ chương trình máy tính như đối tượng độc lập của quyền sở hữu trí tuệ. Đăng trên Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, ISSN 0866-7446, số 11 (295)/2012, tr. 33-42

Tác giả Trần Văn Hải

Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn,

Đại học Quốc gia Hà Nội

Logo Eidon, số đăng ký 0001079108 tại Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Ý (UIBM- Ufficio Italiano Brevetti e Marchi).

Anh Vũ (CESTI)

 

 

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả