SpStinet - vwpChiTiet

 

Chiếm lĩnh thị trường bằng công nghệ từ đại học

Đại học Công nghệ Vienna đã thành công khi thương mại hóa công nghệ in 3D LCM một cách linh hoạt: từ Ivoclar Vivadent AG, doanh nghiệp hợp tác nghiên cứu; và từ Lithoz -  công ty spin-off được thành lập trên cơ sở chính công nghệ LCM.

TS. Johannes Viktor Homa và TS. Johannes Benedikt nghiên cứu tại Đại học Công nghệ Vienna (VTU - Vienna University of Technology), một trong những đại học lớn ở Vienna, Áo, đã hợp tác phát triển vật liệu gốm cùng với GS. Robert Liska (Viện Hóa tổng hợp ứng dụng (Institute of Applied Synthetic Chemistry) và GS. Juergen Stampfl (Viện Khoa học và Công nghệ vật liệu (Institute of Materials Science and Technology). Nhóm nghiên cứu nhận ra tiềm năng đặc biệt của loại vật liệu gốm và quyết định phát triển công nghệ in 3D để in vật liệu gốm này, đồng thời nghiên cứu các phương pháp và công thức để chế tạo các sản phẩm gốm hiệu năng cao ứng dụng trong công nghiệp và nha khoa.

Kết quả đột phá đạt được vào năm 2010, với công nghệ LCM (Lithography-based Ceramic Manufacturing), tạo ra các chi tiết bằng vật liệu gốm có hình dạng và kích thước xác định, bằng cách sử dụng bức xạ để in 3D theo nguyên mẫu, nhanh chóng và hiệu quả với qui mô nhỏ.

Khai thác IP

Chiến lược quản lý tài sản trí tuệ (IP-Intellectual Property) của trường đại học có ảnh hưởng lớn đến hoạt động thương mại hóa IP và sự thành công của công ty spin-off (công ty được trường đại học thành lập để khai thác IP), từ đó tạo khả năng gia tăng nguồn lực để phát triển hoạt động nghiên cứu và triển khai (R&D), tăng thêm lợi ích cho các nhà tài trợ và các bên tham gia.

Thông thường, các trường đại học phải quyết định cách bảo vệ IP đối với các sáng chế ở giai đoạn sớm. Tuy nhiên, việc này không dễ dàng vì trong giai đoạn sớm, sáng chế có thể có rất nhiều ứng dụng (một số có thể còn chưa biết sẽ ứng dụng như thế nào tại thời điểm đăng ký sáng chế), nên rất khó dự đoán tiềm năng thị trường, khó quyết định phạm vi vùng địa lý, cũng như cân đối chi phí để bảo hộ sáng chế. Hơn nữa, xu hướng ứng dụng sáng chế ở khu vực này có thể khác với khu vực khác, nên quyết định sai sẽ hạn chế cơ hội khai thác sáng chế hoặc có thể khởi nghiệp không thành công. Tuy vậy, theo Peter Karg, chuyên gia hỗ trợ chuyển giao công nghệ của VTU: “Đăng ký sáng chế bảo hộ các kết quả nghiên cứu, trong nhiều trường hợp, là điều kiện trước tiên để một công ty spin-off khởi nghiệp”.

Từ năm 2007, VTU đã cùng với Ivoclar Vivadent AG (một trong những công ty sáng tạo và cung cấp các sản phẩm nha khoa hàng đầu trên thế giới), ký kết hợp tác chương trình phát triển nghiên cứu. Theo đó, Ivoclar Vivadent hỗ trợ tài chính và được  độc quyền  triển khai ứng dụng trong lĩnh vực nha khoa đối với công nghệ LCM do các chuyên gia VTU sáng tạo. Do đó, để phát triển thị trường công nghệ LCM trong các lĩnh khác ngoài nha khoa, các nhà sáng chế đã thành lập Lithoz vào năm 2011, trên cơ sở được VTU cấp phép quyền sử dụng công nghệ LCM miễn phí, ngoại trừ ứng dụng trong lĩnh vực nha khoa. Theo thỏa thuận với VTU, Ivoclar Vivadent sẽ chi trả các chi phí cho việc bảo hộ các sáng chế, nên Lithoz khi khởi nghiệp không bị bất kỳ áp lực tài chính nào cho khoản chi này.

Các công nghệ thuộc sở hữu của VTU đã được đăng ký bảo hộ tại châu Âu, Mỹ, Nhật và Trung Quốc…đã nhanh chóng tiếp cận thị trường thông qua đối tác hợp tác Ivoclar Vivadent trong lĩnh vực nha khoa và thành công của Lithoz khi nhận cấp phép sử dụng miễn phí công nghệ. 

Cách Lithoz thúc đẩy hình thành IP

Lithoz do TS. Johannes Viktor Homa và TS. Johannes Benedikt đồng sáng lập, là công ty spin-off từ VTU để phát triển thị trường công nghệ LCM trong các ngành công nghiệp ngoại trừ lĩnh vực nha khoa.

Song song với chiến lược kinh doanh, Lithoz quản lý các hoạt động R&D và thúc đẩy phát triển những ý tưởng mới, tạo điều kiện thuận lợi để có sự cộng tác của các chuyên gia từ các lĩnh vực khác nhau cùng hợp tác để giải quyết vấn đề một cách sáng tạo liên quan đến công nghệ gốm, hóa polymer, kỹ thuật cơ khí, và phát triển phần mềm, quản lý quá trình cũng như toàn bộ chuỗi quá trình để giúp phát triển IP.

Lithoz tạo điều kiện và khuyến khích các nhà nghiên cứu tự do theo đuổi ý tưởng để tạo ra sáng chế mới; bố trí người “quản lý ý tưởng”, là người đầu tiên tiếp xúc với người có ý tưởng sáng tạo và đảm bảo rằng ý tưởng của họ sẽ được thảo luận và xem xét của cấp quản lý. Homa giải thích: “Điều này tạo sự tự do, mở ra những cách thức mới tiếp cận xử lý những vấn đề hiện hữu để đem đến những cái mới nhất, những sáng tạo đầy hứa hẹn, từ đó chúng tôi có nhiều sáng chế để đăng ký bảo hộ”. 

Để quản lý và khai thác IP, Lithoz bố trí song song hoạt động của chuyên gia quản lý các dự án R&D và chuyên gia có kinh nghiệm quản lý IP. Chuyên gia IP sẽ tra cứu khai thác thông tin sáng chế làm cơ sở để đánh giá các công nghệ hiện có, quyết định xem liệu một sáng chế có thể được cấp bằng hay không, đồng thời liên lạc với các chuyên gia sáng chế bên ngoài để giúp phác thảo nội dung đăng ký sáng chế, thực hiện các công việc liên quan trong các giai đoạn xét nghiệm cấp bằng sáng chế, và giám sát sự phát triển của đối thủ cạnh tranh. Homa cho biết thêm: “Kết hợp giữa bảo hộ sáng chế và bí mật thương mại rất quan trọng đối với một doanh nghiệp công nghệ cao có quy mô nhỏ như Lithoz, như vậy sẽ tạo điều kiện để có thể đứng ở vị trí hàng đầu so với đối thủ cạnh tranh lâu dài hơn”.

Ngoài ra, Lithoz cũng thực hiện xuyên suốt kế hoạch khen thưởng, tạo động lực cho người sáng tạo, bao gồm khen thưởng lúc sáng chế được nộp đơn, lúc được cấp bằng và khi được ứng dụng. Lithoz  đã thu hút và giữ được nhiều nhà nghiên cứu chuyên sâu cho các dự án mới và luôn nhận được sự ủng hộ để triển khai các dự án nghiên cứu sáng tạo từ VTU, cùng các quan hệ hợp tác và nhất là sự hỗ trợ tài chính ban đầu của EU nên phát triển nhanh chóng và trở thành  công ty hàng đầu thế giới về in 3D vật liệu gốm. Năm 2011 chỉ với 2 nhân viên, đến năm 2017 tăng lên 40, trong đó chủ yếu là lực lượng nghiên cứu với 20 người. R&D là nền tảng quan trọng đối với doanh nghiệp khởi nghiệp, Lithoz đã đầu tư với mức hơn 50% doanh thu cho hoạt động này.

Đưa công nghệ thâm nhập thị trường

Lithoz nay đang là một trong những doanh nghiệp hàng đầu về phát triển công nghệ in 3D, cung cấp các hệ thống in 3D lithography và vật liệu in, các phương pháp và công thức để chế tạo các sản phẩm gốm hiệu năng cao, các phần mềm chuyên biệt cho công nghệ in 3D.

Hệ thống in 3D đầu tiên của Lithoz được chuyển giao vào năm 2012. Khách hàng chính của Lithoz là các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp sản xuất các chi tiết gốm và các doanh nghiệp ngành sinh học. Lithoz đáp ứng được các yêu cầu về vật liệu gốm sử dụng in 3D cùng các phương pháp, quy trình in khác nhau để sản xuất các chi tiết gốm tùy thuộc vào yêu cầu sử dụng. Sản xuất kinh doanh hệ thống in 3D mở rộng với các loại vật liệu gốm, alumina, zirconia; các giải pháp in các bộ phận thuộc lĩnh vực sinh học như bơm máu và vật liệu cấy ghép xương... Lithoz mở rộng sang thị trường Mỹ và Trung Quốc, cũng như hợp tác nghiên cứu với trường đại học ở Trung Quốc.

Là một công ty công nghệ nhỏ, Lithoz cần thiết phải bảo vệ các sáng chế để tăng tính cạnh tranh khi khai thác công nghệ, đảm bảo các sản phẩm được giá cao hơn trên thị trường. Tham gia các hội nghị và hội chợ thương mại giúp Lithoz biết được các đối thủ cạnh tranh cũng như có thể phát hiện khi bị xâm phạm IP, hoặc giám sát đối thủ cạnh tranh không chính thức thông qua khách hàng, những người nhiều khả năng nhận ra và cho biết những xâm phạm IP (nếu có) trên thị trường.

Nắm bắt thông tin thị trường để ứng phó kịp thời cũng là một trong những yếu tố quan trọng để một công ty công nghệ tồn tại và phát triển.

Phương Lan (CESTI)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả