SpStinet - vwpChiTiet

 

Sáng tạo và thương mại hóa công nghệ

Tạo ra công nghệ và thương mại hóa, đem lại giá trị, là con đường dẫn đến thành công của một doanh nghiệp sáng tạo qui mô vừa và nhỏ trong ngành ô tô ở Úc.

Thành quả nghiên cứu được “sản phẩm hóa” ở dạng độc quyền sáng chế và thương mại hóa bằng các thỏa thuận cấp phép, là phương thức khởi nghiệp thành công của Arthur Ernest Bishop, nhà sáng chế, doanh nhân người Úc.

Sáng tạo công nghệ và khởi nghiệp

Sinh năm 1917, tại Sydney - Úc, Bishop  tốt nghiệp ngành kỹ thuật ô tô tại Đại học Kỹ thuật Sydney. Đầu Thế chiến thứ II, ông tham gia nghiên cứu thiết kế lại kết cấu bánh sau để giảm rung động cho máy bay chiến đấu Beaufort và Beaufighter, loại máy bay tiêm kích hạng nặng tầm xa, do công ty Bristol Aeroplane (Vương quốc Anh) sản xuất. Kết quả cải tiến cơ cấu giảm xóc đã loại bỏ rung động bánh xe, giúp việc hạ cánh êm hơn.

Chiến tranh kết thúc, Bishop nghiên cứu phát triển các hệ thống lái trợ lực sử dụng cho ô tô, dựa trên công nghệ đã nghiên cứu cho máy bay. Lúc ban đầu, hệ thống lái của ô tô rất đơn giản, tay lái tác động trực tiếp vào bánh răng trên trục lái, nên việc chuyển hướng các bánh xe phụ thuộc vào lực tay của tài xế. Bishop đã phát triển hệ thống lái trợ lực mới, giúp người lái giảm lực tác động lên tay lái và kiểm soát tốt hơn, giúp gia tăng độ an toàn và chính xác khi lái. Với niềm tin có thể ứng dụng hiệu quả sáng chế vào ngành ô tô, năm 1954, Bishop chuyển đến Detroit-Michigan, trung tâm công nghiệp ô tô của Mỹ. Tại đây, ông lập một phòng thử nghiệm để giới thiệu thành quả đến các đại gia ngành ô tô. Tuy nhiên, Bishop đã không thuyết phục được các nhà sản xuất xe hơi ở Mỹ. Việc thuyết phục các nhà sản xuất xe hơi châu Âu sử dụng công nghệ cũng không thành công, nên Bishop quay về Úc để hoàn thiện sáng chế, nghiên cứu và thiết kế các công cụ để chế tạo các bộ phận cho hệ thống lái theo sáng chế.

Đưa công nghệ vào sản xuất sản phẩm và bán ra thị trường là quá trình không đơn giản, đòi hỏi vốn đầu tư, cơ sở hạ tầng, nhân công, kinh nghiệm quản lý sản xuất và kinh doanh,…Đây là công việc phức tạp, khó khăn đối với các nhà khoa học chuyên nghiên cứu sáng tạo. Để công nghệ đến với thị trường, Bishop thành lập công ty AE Bishop Holdings Pty Limited (công ty Bishop) vào năm 1957. Công ty Bishop không trực tiếp sản xuất ra sản phẩm, mà sáng tạo ra công nghệ và tạo doanh thu bằng cách cấp phép sử dụng công nghệ cho các nhà sản xuất. Doanh thu này được đầu tư tiếp cho các hoạt động nghiên cứu và triển khai (R&D) để tạo ra sản phẩm trí tuệ khác. Những nỗ lực của Bishop đã thu được kết quả: các nhà sản xuất ô tô của Úc đã sử dụng các sáng chế của Bishop để sản xuất một số bộ phận của phương tiện vận tải, theo giấy phép sử dụng công nghệ.

Để phù hợp với sự phát triển và môi trường kinh doanh, công ty Bishop đổi tên thành Bishop Technology Group Limited vào năm 1999. Đến năm 2011, Bishop trở thành công ty con của GMH Stahlverarbeitung GmbH, đơn vị phát triển vật liệu chuyên dụng hàng đầu toàn cầu thuộc tập đoàn Georgsmarienhütte Holding GmbH của Đức. Dù thay đổi tổ chức và hoạt động dưới tên chính thức là Bishop Steering Technology Pty Ltd., công ty vẫn giữ văn hóa của Bishop, đồng thời tăng khả năng hoạt động R&D và phát triển thương mại, qua cơ sở hạ tầng kỹ thuật và mở rộng đối tác từ nguồn lực của tập đoàn Georgsmarienhütte Holding GmbH.

Bishop hiện là công ty sáng tạo công nghệ hàng đầu thế giới, chuyên về phát triển hệ thống lái, hệ thống treo và các bộ phận liên quan trong công nghiệp ô tô. Công nghệ điều khiển xe của Bishop cho phép lái xe ổn định ở tốc độ cao, nhưng cũng dễ dàng rẽ vào các góc cua; hoặc khi đỗ xe, có thể phản ứng nhanh với sự thay đổi của tải, tạo cảm giác an toàn và thú vị hơn cho người lái. Các công nghệ của công ty Bishop còn được sử dụng trong xe đua F1, dòng xe đua IndyCar (đua xe bánh hở đỉnh cao ở Mỹ) và nhiều loại xe thể thao nổi tiếng trên thế giới. 

Cách thức thương mại công nghệ của Bishop

Bishop sản xuất và kinh doanh sản phẩm trí tuệ, với các hoạt động chính:

Sáng tạo công nghệ: đầu tư nguồn lực cho hoạt động R&D để tạo ra các sáng chế mới hoặc phát triển các sáng chế đã có; phát triển các sản phẩm mới và tạo ra các thiết bị, công nghệ để chế tạo các sản phẩm này; kỹ sư trong công ty được khuyến khích tư duy và sáng tạo hướng vào các lĩnh vực chiến lược của công ty, huấn luyện về quá trình đổi mới và hệ thống sở hữu trí tuệ. 

Bảo vệ tài sản trí tuệ (IP- Intellectual Property): là chìa khóa thành công trong suốt quá trình hình thành và phát triển của Bishop. Song song với chiến lược phát triển tài sản trí tuệ, mạng lưới các bằng sáng chế liên kết với nhau mà công ty tạo lập quanh một sản phẩm có vai trò thiết yếu để thương mại tài sản trí tuệ, ngăn chặn cạnh tranh và chống xâm phạm IP. Ngay từ ban đầu, Bishop đã nhận ra tầm quan trọng của việc không chỉ phát triển sản phẩm mới, mà cần sáng tạo ra cả quy trình và thiết bị để sản xuất các sản phẩm mới này. IP được tạo ra trong các giai đoạn R&D đều được chú trọng nộp đơn đăng ký bảo hộ sáng chế. Việc sở hữu danh mục nhiều sáng chế trong công nghiệp ô tô đã tạo điều kiện để Bishop tối đa hóa doanh thu từ hoạt động cấp phép, mở rộng quan hệ đối tác và liên doanh.

Kể từ đơn xin cấp bằng sáng chế đầu tiên của Bishop ở Úc vào năm 1942 cho cơ cấu giảm xóc, Bishop đã có hơn 500 đơn xin cấp bằng sáng chế ở Úc, Mỹ và qua Hệ thống PCT (Patent Cooperation Treaty) để bảo hộ công nghệ ở nhiều nước khác nhau. Ngoài bằng sáng chế, Bishop còn bảo vệ nghiêm ngặt các sáng tạo ​​dưới dạng bí mật thương mại, nhờ đó giúp ngăn chặn sao chép công nghệ và khuyến khích các đơn vị mua giấy phép khai thác công nghệ một cách hợp pháp.

Doanh thu từ cấp phép IP: từ rất sớm, Bishop đã thực hiện chiến lược đưa công nghệ ra thị trường qua cấp phép, rất phù hợp với mô hình doanh nghiệp sáng tạo vừa và nhỏ. Thay vì dành các nguồn lực để tổ chức sản xuất sản phẩm, Bishop phát triển một loạt các sáng chế có thể cạnh tranh quốc tế và chuyển giao cho các đơn vị sản xuất. Cách làm này rất hiệu quả, khi giấy phép đầu tiên cấp cho một nhà sản xuất ô tô lớn của Nhật Bản, tiếp theo là nhiều nhà sản xuất ô tô khác trên thế giới. Ban đầu, Bishop cấp phép độc quyền. Khi các sáng chế được chấp nhận trong ngành và có mặt rộng rãi hơn trên thị trường, tận dụng tối đa các mối quan hệ, Bishop đàm phán điều chỉnh lại hợp đồng từ độc quyền sang không độc quyền, mở rộng đáng kể hoạt động cấp phép và công nghệ được sử dụng tối đa trong xe của nhiều nhà sản xuất trên thị trường quốc tế, nhờ đó gia tăng nguồn thu nhập. Doanh thu từ cấp phép là thu nhập chính của Bishop. 

Một số kết quả đạt được

Là doanh nghiệp chuyên về sản phẩm trí tuệ, thành công của Bishop được hình thành từ nguồn nhân lực chuyên sâu, tài sản trí tuệ, các quan hệ đối tác, chiến lược cấp phép công nghệ cùng văn hóa sáng tạo và đổi mới. Bishop trở thành một trung tâm xuất sắc trong nghiên cứu chính xác và phát triển phần mềm, với cơ sở R&D rộng 2.600 m2 được trang bị các loại máy móc hiện đại, các trung tâm gia công điều khiển số, quản lý bởi các kỹ sư được đào tạo chuyên sâu. Bishop đã có mặt tại các thị trường ô tô lớn ở châu Âu, Bắc Mỹ, châu Á và châu Đại Dương. Kể từ năm 2014, hơn 23% số xe được sản xuất trên toàn cầu hàng năm đều có các bộ phận được sản xuất theo công nghệ Bishop.

Bishop đã được cấp trên 100 bằng bảo hộ trong hơn 500 đơn đăng ký sáng chế, với doanh thu từ bản quyền sáng chế đạt vài chục triệu đô la Úc mỗi năm, khoảng 90% là từ việc cấp phép ra nước ngoài. 

Ngoài thành công về tài chính, Bishop đã giành được giải thưởng Louis Schwitzer năm 2008 nhờ việc đổi mới hệ thống lái trợ lực ActivRak dùng cho xe đua giải IndyCar. Đây là giải thưởng của Hiệp hội Kỹ sư ô tô (Society of Automotive Engineers International) có trụ sở ở bang Indiana, Mỹ cho những cải tiến xuất sắc, an toàn hay sử dụng hiệu quả năng lượng của xe đua. Năm 2009, Bishop đoạt Giải thưởng Kỹ thuật xuất sắc từ Hội Kỹ sư Úc (Engineers Australia), chi nhánh tại Sydney.

Sáng chế về cơ cấu lái của công ty Bishop đăng ký theo PCT số WO2003024764

Vũ Trung (CESTI)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả