SpStinet - vwpChiTiet

 

NASA: 10 dự án hay nghiên cứu môi trường 

Nói đến NASA, người ta chủ yếu nghĩ đến việc thám hiểm ngoài trái đất, thực ra cơ quan này còn chuyên thăm dò và nghiên cứu các vấn đề khoa học trên hành tinh chúng ta. NASA đặc biệt quan tâm đến việc giám sát môi trường và thu thập dữ liệu về tác động của biến đổi khí hậu.

Từ các công cụ công nghệ cao trên vệ tinh đến máy bay không người lái chuyên dụng, dưới đây là 10 dự án hay mà cơ quan không gian này đã thực hiện trong vài năm qua cho cái nhìn rõ hơn về thế giới của chúng ta và cách bảo vệ nó.

Bay vào núi lửa với Dragon Eye UAV

NASA gần đây đã phóng máy bay bay không người lái (UAV) Dragon Eye vào  miệng núi lửa Turrialba, gần San Jose, Costa Rica. Chiếc máy bay điện nhỏ này được trang bị camera và cảm biến để nghiên cứu môi trường hóa học của Turrialba. Theo cơ quan này, "Dự án được thiết kế để cải thiện khả năng viễn thám của vệ tinh và các mô hình máy tính về hoạt động núi lửa."

Bản đồ rừng toàn cầu đầu tiên trên thế giới

Sử dụng công nghệ laser trên 3 vệ tinh, NASA đã chụp được dữ liệu cần thiết để xây dựng bản đồ toàn cầu về độ cao rừng đầu tiên trên thế giới. Các thiết bị LIDAR bắn xung ánh sáng và so sánh thời gian phản hồi từ mặt đất và từ ngọn cây để xác định độ cao của các cành rừng. Các bản đồ kết quả được lập từ dữ liệu hơn 7 năm thu thập từ 250 triệu xung laser.

Địa hình bề mặt đại dương

Dự án này sử dụng các vệ tinh TOPEX / Poseidon và Jason để tạo địa hình liên tục của bề mặt của các đại dương. Các phép đo so sánh mực nước biển cho phép các nhà khoa học nắm rõ và đoán trước những tác động của đại dương đến khí hậu và các biến cố khí hậu như hiện tượng El Nino và La Nina. Bạn có thể tìm thấy bản đồ mực nước biển cập nhật như hình trên tại trang web của dự án (http://sealevel.jpl.nasa.gov).

Đo CO2 với thiết bị AIRS

Thiết bị Atmosphere Infrared Sounder (AIRS) trên tàu vũ trụ Aqua của NASA hàng ngày thu thập các số liệu đo lượng CO2 từ khí quyển. Dữ liệu này giúp các nhà nghiên cứu hiểu cách thức phân bố và luân chuyển CO2, và có thể được sử dụng để lập mô hình nhận diện các khu vực "đậm đặc" CO2 trên Trái đất tốt hơn.

Nhờ nghiên cứu AIRS, các nhà khoa học đã có thể nhìn thấy thông tin quan trọng về CO2, kết luận rằng nó đồng nhất ở tầng đối lưu, rằng bán cầu nam chỉ đơn thuần nhận CO2 từ bán cầu bắc, và có một vành đai carbon dioxide giới bao quanh địa cầu.

Máy bay không người lái ATTREX (Global Hawk Drone)

Sứ mạng của ATTREX (Airborne Tropical Tropopause Experiment) là dùng máy bay không người lái Global Hawk được cải tiến có thể bay lên đến 20.000 m trên vùng nhiệt đới của Thái Bình Dương và nghiên cứu "những khu vực chưa được khám phá của bầu khí quyển bên trên để tìm câu trả lời cho vấn đề khí hậu ấm lên đang làm thay đổi thế giới như thế nào". Global Hawk được trang bị cảm biến từ xa để đo các đám mây, khí vi lượng và nhiệt độ trên và dưới máy bay, ngoài ra còn có các thiết bị để đo hơi nước, đặc tính chất mây, điều kiện khí tượng, trường bức xạ và số khí vi lượng xung quanh máy bay.

Hệ thống nghiên cứu môi trường trực quan SERVIR

Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) vừa được trang bị Hệ thống nghiên cứu môi trường trực quan SERVIR (ISERV), một camera thương mại, kính viễn vọng và hệ thống chỉ điểm, cho phép nó chụp ảnh trái đất với độ nét cao hơn. NASA cho biết thiết bị này được "kỳ vọng sẽ cung cấp hình ảnh hữu ích để theo dõi thiên tai, đánh giá và ra quyết định về môi trường."

Operation IceBridge

Đây là một điệp vụ 6 năm của NASA bắt đầu từ năm 2009 và là cuộc khảo sát trên không lớn nhất về vùng băng cực của trái đất từ trước đến nay. Nó bao gồm một đội máy bay chuyên nghiên cứu mang các thiết bị đo sự thay đổi độ dày hàng năm của biển băng, sông băng và khối băng. Các dữ liệu thu thập được sẽ giúp các nhà nghiên cứu dự báo những thay đổi của băng do biến đổi khí hậu làm dâng mực nước biển.

Theo NASA, "nó sẽ mang lại một cái nhìn ba chiều chưa từng có về các biển băng và khối băng ở Bắc Cực và Nam Cực".

Lập bản đồ bờ biển từ trạm không gian

   

Hyperspectral Imager  for Costal Ocean (HICO) là công cụ trang bị cho trạm ISS từ 2009. Công cụ này theo dõi và đo lường các thuộc tính môi trường ven biển, cho chúng ta cái nhìn chi tiết đầu tiên về các bờ biển trên thế giới. Quan sát những thay đổi diễn ra sẽ cho các nhà khoa học hiểu rõ hơn về tác động của biến đổi khí hậu đối với môi trường ven biển.

Lập bản đồ các vùng biển chết

NASA sử dụng nhiều vệ tinh để lập bản đồ đầu tiên này về các vùng biển chết, hay các vùng oxy thấp trong đại dương nơi mà sinh vật không thể tồn tại. Đó là do chất dinh dưỡng quá nhiều tạo nên môi trường đầy vi khuẩn trong lòng đại dương hấp thụ hết oxy. NASA cho biết, "vệ tinh có thể quan sát những thay đổi trong cách bề mặt đại dương phản chiếu và hấp thụ ánh sáng mặt trời vì nước nắm giữ rất nhiều chất hữu cơ. Màu xanh tối trong ảnh cho thấy nồng độ chất hữu cơ cao, một dấu hiệu cho thấy nước quá màu mỡ có thể lên đến tột độ ở vùng biển chết".

Khinh khí cầu Super-TIGER

NASA đã hoàn thiện công năng của các khinh khí cầu chuyên dùng cho khoa học, ví dụ như khinh khí cầu SUPER-Tiger gần đây đã lập kỷ lục về chuyến bay dài nhất sau 55 ngày "bồng bềnh" phía trên Nam Cực, mang theo một thiết bị mới có thể đo các nguyên tố nặng hơn sắt trong tia vũ trụ bắn phá Trái đất từ thiên hà. Chuyến bay dài của khinh khí cầu này cho phép thiết bị phát hiện 50 triệu tia vũ trụ và thu thập đủ dữ liệu cho các nhà khoa học NASA phân tích trong 2 năm. 

P.N (theo Treehugger)
 

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả