SpStinet - vwpChiTiet

 

Tìm lại ngôn ngữ sau đột quỵ

Số người phải đối mặt với chứng rối loạn ngôn ngữ (aphasia) đang gia tăng tại Anh nhưng hiện tại vẫn còn ít nghiên cứu về vấn đề này. Những người bị mắc aphasia thường gặp khó khăn để nói chuyện, đọc, viết cũng như hiểu ngôn ngữ.

Susan Lucey từng là một giám đốc nhân sự cho một công ty ở Anh. Cô rất năng động, nói nhiều và thích trò chuyện với những người khác. Nhưng mọi thứ thay đổi hoàn toàn sau khi cô bị đột quỵ cách đây 3 năm. Giờ đây, cô cảm thấy rất khó khăn để giao tiếp với người khác, ngay cả với chồng mình. Mặc dù bộ não của cô vẫn hoạt động bình thường, trí thông minh của cô vẫn giống như trước kia, chỉ khác là bây giờ cô không thể nói chuyện hay viết và do đó không thể giao tiếp được với bất kì ai.
"Mọi chuyện thật khó khăn cho Susan", Cavan, chồng cô cho biết.
 
Susan Lucey tại nhà ở London. Nguồn: Hoàng Mi

Nguy cơ mất khả năng giao tiếp
Những khó khăn về ngôn ngữ mà Susan đang phải đối mặt được gọi là aphasia (chứng rối loạn ngôn ngữ). Aphasia là một bệnh gây ra khi bộ não bị hư hỏng, gây khó khăn lên mọi khía cạnh của việc sử dụng ngôn ngữ. Những người bị mắc aphasia thường gặp khó khăn để nói chuyện, đọc, viết cũng như hiểu ngôn ngữ. Giáo sư Jane Marshall, một chuyên gia về chứng mất ngôn ngữ, cho biết: "Aphasia có thể hủy hoại cuộc sống của một người. Nó ảnh hưởng tới tất cả mối quan hệ của người đó như công việc, các hoạt động giải trí".
Thật không may, Susan không phải là bệnh nhân hiếm hoi gặp những khó khăn trong giao tiếp sau một cơn đột quỵ. Theo Hiệp hội Đột quỵ ở Anh, có khoảng 367.000 người sống sót sau cơn đột quỵ ở Anh bị chứng aphasia. Connect, một tổ chức từ thiện cho những người sống chung với chứng bệnh mất ngôn ngữ cho rằng, khoảng một phần ba những người sống sót sau cơn đột quỵ sẽ bị căn bệnh này. Đột quỵ cũng là một nguyên nhân phổ biến cho chứng mất ngôn ngữ bên cạnh bệnh u não, bệnh Alzheimer và chấn thương đầu nghiêm trọng.
Từ dữ liệu về bệnh nhân đột quỵ ở Anh, có thể nhận thấy số bệnh nhân bị chứng mất ngôn ngữ do đột quỵ ngày càng gia tăng trong 3 năm qua, từ 3.029 bệnh nhân trong 3 tháng/ năm 2009 đến 4.715 bệnh nhân trong 3 tháng/ năm 2013.
Nói chung, cứ trong 10.000 cư dân Anh , có 2-5 người có thể bị chứng mất ngôn ngữ do đột quỵ mỗi năm. Theo ước tính của Speakability, một tổ chức từ thiện cho những người bị ảnh hưởng bởi chứng mất ngôn ngữ, khoảng 20.000 người Anh sẽ mắc rối loạn này mỗi năm.

Hỗ trợ tiếng nói bằng cử chỉ
Hiện tại, có một nghiên cứu tại đại học City London về sử dụng cử chỉ để hỗ trợ người mắc chứng aphasia. Abi Roper, một nhà trị liệu ngôn ngữ tại Đại học City London, người vừa hoàn thành luận văn tiến sỹ về chứng aphasia, cho biết: “Cử chỉ rất gần với cuộc sống hàng ngày. Người bệnh có thể sử dụng cử chỉ đễ hỗ trợ cho việc giao tiếp mà không cần sử dụng đến các công cụ phức tạp khác”. Cô còn cho biết thêm về tiềm năng sử dụng của phương pháp này: “Mỗi bệnh nhân aphasia có một khó khăn riêng. Có người có thể sử dụng chữ viết nhưng không sử dụng cử chỉ được, có người có thể sử dụng cử chỉ nhưng lại không viết được. Do đó, thêm một phương pháp là thêm một hướng nghiên cứu mới cho người bệnh”.

Mời bạn xem đoạn phim giới thiệu về nghiên cứu liệu pháp cử chỉ

 

Hiện nay, nghiên cứu về sử dụng cử chỉ cho bệnh nhân aphasia đã tiến một bước xa hơn khi phát triển phần mềm EVA, một trò chơi thực tại ảo, trong đó các bệnh nhân mắc chứng aphasia có thể gặp nhau và giao tiếp bằng cử chỉ hay bất kỳ hình thức khác.
Stephanie Wilson, một chuyên gia về lĩnh vực lập trình và cũng là người tham gia phát triển EVA cũng chia sẻ những khó khăn cô gặp phải khi phát triển phần mềm này: “Thế giới ảo có tiềm năng hấp dẫn cho những người bị chứng mất ngôn ngữ, nhưng điều này đã không được nghiên cứu đầy đủ trước đó. Chúng tôi phát triển một xã hội mô phỏng để người mắc chứng aphasia có thể thực hành kỹ năng giao tiếp và tránh được những bối rối trong tình huống thực tế khi mọi người xung quanh không hiểu họ muốn nói gì. Phần mềm này có khả năng làm giảm sự cô lập xã hội và có lẽ quan trọng nhất là mang niềm vui đến cho bệnh nhân trong quá trình điều trị”.
Tuy nhiên việc phát triển phần mềm hỗ trợ này cũng có những khó khăn nhất định, Stephanie cho biết: “những người có liệt nửa người có thể gặp phải khó khăn khi sử dụng các thiết bị này cũng như việc tương tác với phần mềm có thể phức tạp cho một số bệnh nhân”.
Hoàng Mi

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả