SpStinet - vwpChiTiet

 

Mất cảm giác ở bàn chân và nguy cơ đột quỵ

Các chuyên gia của Học viện St George (London) mới đây đã phát hiện rằng mất cảm giác ở bàn chân do biến chứng của bệnh tiểu đường, có thể là yếu tố dự báo các vấn đề tim mạch như nhồi máu cơ tim và đột quỵ.

Bệnh tiểu đường, ảnh hưởng đến 3,7 triệu người ở Anh, có thể gây tổn hại cho các mạch máu và dây thần kinh, đặc biệt là nếu không kiểm soát tốt lượng đường trong máu thì tốc độ dẫn truyền tín hiệu sẽ bị chậm lại và mất cảm giác ở bàn chân, được xem là biến chứng thần kinh ngoại biên.

Hệ thần kinh ngoại biên (TKNB) bao gồm tất cả các dây thần kinh nằm ngoài não và tủy sống, có chức năng liên kết hệ thần kinh trung ương với các chi và cơ quan. Khi hệ TKNB bị tổn thương sẽ dẫn đến rối loạn các chức năng vận động và cảm giác. Triệu chứng của biến chứng TKNB có thể gặp là mất cảm giác ở bàn chân, lở loét bàn chân… trường hợp nặng có thể dẫn đến hoại tử và phải cắt cụt chi.

Nghiên cứu dựa trên thông tin của hơn 13.000 bệnh nhân tiểu đường loại 2 ở Anh cho thấy việc giảm cảm giác ở bàn chân cũng có thể chỉ ra các vấn đề tim mạch và tuần hoàn trong tương lai. Việc xét nghiệm thần kinh ngoại biên – được khuyên nên tiến hành hàng năm cho tất cả bệnh nhân tiểu đường vì có thể giúp xác định bệnh nhân thuộc nhóm có nguy cơ cao gặp các vấn đề về tim mạch, cần theo dõi hoặc điều trị chuyên sâu hơn.

Jack Brownrigg, một nghiên cứu sinh ở Học viện St George nghiên cứu về mạch máu cho biết nhóm nghiên cứu của ông đã xem xét thông tin những bệnh nhân không có tiền sử bệnh tim mạch và thấy rằng những người có bệnh lý thần kinh ngoại biên có nhiều khả năng phát triển bệnh tim mạch.

Robert Hinchliffe, chuyên gia tư vấn về phẫu thuật mạch máu của Học viện St George, cùng dẫn dắt nghiên cứu với giáo sư Kausik Ray thì cho biết việc mất cảm giác ở bàn chân do bệnh tiểu đường được biết đến là một yếu tố nguy cơ quan trọng đối với loét bàn chân cũng như có thể cung cấp thông tin bổ sung hữu ích để quản lý bệnh nhân. Đây là nghiên cứu đầu tiên cho thấy việc mất cảm giác ở bàn chân của bệnh nhân tiểu đường có thể cho thấy nguy cơ cao gặp phải các vấn đề như nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ.

Các kết quả nghiên cứu cho thấy cần tiếp tục tìm hiểu xem liệu tăng cường kiểm soát các yếu tố nguy cơ bao gồm huyết áp và lượng đường trong máu có thể ngăn ngừa hoặc trì hoãn bệnh tim mạch hay không.
Nguồn: news-medical.net

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả