SpStinet - vwpChiTiet

 

Xu thế phát triển robot xã hội

Robot xã hội được kỳ vọng sẽ thông minh và nhiều chức năng hơn; cách thức tương tác với người được mở rộng và giá thành giảm, phù hợp cho sử dụng đại trà.

Là dạng robot dịch vụ, được thiết kế có khả năng tương tác, hỗ trợ con người, robot xã hội có khả năng nhận biết, làm theo, trợ giúp hay trò chuyện, và thể hiện cảm xúc như con người. Nhờ “hiểu ý” nên robot xã hội có thể trở thành thành viên, là người giúp việc đắc lực, đa năng trong xã hội. Thực hiện được việc này là nhờ trí tuệ nhân tạo (AI- Artificial Intelligence), sự phát triển công nghệ pin và các cảm biến.

Hình thức tương tác đầu tiên của robot xã hội là qua giọng nói. Với sự phát triển của thị giác máy tính (computer vision), robot giờ đây có thể thấy được cử động con người, điệu bộ và cả cảm xúc. Một robot xã hội có thể thích ứng và học hỏi trong thời gian nó tồn tại; hợp tác chia sẻ thông tin với các cá thể khác để bản thân, những người khác và với các mối liên hệ mà nó sẻ chia. Nói cách khác, robot xã hội có sự thông minh về mặt xã hội giống như con người!

Phát triển robot xã hội qua thông tin khoa học và công nghệ

Hoạt động nghiên cứu, phát triển robot để đáp ứng ngày nhu cầu càng cao của xã hội được minh chứng qua lượng tư liệu khoa học được công bố. Trước năm 2000, chỉ có một ít bài báo khoa học về robot xã hội được công bố. Từ sau năm 2000 đã xuất hiện nhiều hơn, và từ 2006 đến nay, số lượng các bài báo tăng vọt (BĐ1a). Tuy nhiên, so sánh trong ngành robot, thì các bài báo khoa học đề cập đến robot xã hội chiếm tỉ lệ rất khiêm tốn, năm 2006 chỉ có khoảng 6% so với tổng số các bài báo khoa học về robot (BĐ1b).

BĐ1: Phát triển số lượng các bài báo khoa học về robot xã hội

Ghi chú: (a) Số lượng các bài báo khoa học về robot xã hội; (b) Tỉ lệ bài báo khoa học về robot xã hội/tổng số các bài báo khoa học về  robot

Nguồn: Cristian Mejia * ID, Yuya Kajikawa; Bibliometric Analysis of Social Robotics Research: Identifying Research Trends and Knowledgebase.

Các chủ đề liên quan đến robot xã hội có nhiều bài báo khoa học đề cập được thể hiện trong bảng 1, chiếm đa số là các chủ đề: robot như là thành viên xã hội (chiếm 23,2%),  yếu tố con người và tương tác giữa người và robot (19,9%); robot cho sự phát triển của trẻ em (18,8%).

Bảng 1: Các bài báo khoa học liên quan đến robot xã hội theo chủ đề

Chủ đề

Số lượng bài báo

Tỉ lệ (%)

Robot như là thành viên xã hội

775

23,2

Yếu tố con người và tương tác giữa robot và người

665

19,9

Robot cho sự phát triển của trẻ em

628

18,8

Robot bầy đàn

340

10,2

Nhận diện cảm xúc

198

5,9

Đánh giá phẫu thuật robot

169

5,1

Robot cho người lớn và  làm đại diện từ xa (Telepresence)

129

3,9

Robot tương tác với người trong cứu hộ

88

2,6

Nguồn: Cristian Mejia * ID, Yuya Kajikawa; Bibliometric Analysis of Social Robotics Research: Identifying Research Trends and Knowledgebase.

Relecura, công ty chuyên cung cấp các dịch vụ và nền tảng để tra cứu/phân tích thông tin sáng chế (SC), đã phân tích xu hướng công nghệ liên quan đến robot xã hội dựa trên thông tin sáng chế được công bố trong 20 năm vừa qua. Theo đó, số lượng sáng chế liên quan đến robot xã hội có xu hướng phát triển từ năm 2000, giai đoạn 1998-2018 có 432 SC được nộp đơn và 91 SC được cấp bằng. Nhiều nhất là năm 2017, có 79 SC được nộp đơn (BĐ2).

BĐ2: Phát triển số lượng sáng chế liên quan đến robot xã hội

Nguồn: Relecura Inc., Social Robots: IP Landscape Report.

Các sáng chế liên quan đến robot xã hội chiếm đa số là về tay máy, với 253 SC; hệ thống máy tính (sử dụng mô hình tính toán) có 209 SC và  xử lý dữ liệu số là 177 SC (BĐ3).

BĐ3: Số lượng sáng chế liên quan đến robot theo lĩnh vực công nghệ

Nguồn: Relecura Inc., Social Robots: IP Landscape Report.

Mỹ là nước có nhiều đơn đăng ký sáng chế liên quan đến robot xã hội (116 SC), tiếp theo là Trung Quốc (103 SC), và Hàn Quốc (56 SC) (BĐ4).

BĐ4: Số lượng sáng chế liên quan đến robot xã hội đăng ký tại các nước

Nguồn: Relecura Inc., Social Robots: IP Landscape Report.

Các đơn vị sở hữu nhiều sáng chế là công ty Sony và Softbank Robotics Europe với cùng số lượng là 74 SC,  kế đến là iRobot (20)  và Jibo INC (19) (Bảng 2).

Bảng 2: Các đơn vị có nhiều đơn đăng ký sáng chế liên quan đến robot xã hội

Đơn vị (Quốc gia)

Số lượng SC

Đơn vị

Số lượng SC

Sony (Nhật)

74

Korea Electronics Telecomm (Hàn Quốc)

13

Softbank Robotics Europe (Pháp)

74

Beljing Guangnian Wuxian Science & Tech Co. Ltd. (Trung Quốc)

7

iRobot (Mỹ)

20

Yamaha (Nhật)

7

Jibo INC (Mỹ)

19

KT Corporation (Hàn Quốc)

6

Samsung (Hàn Quốc)

14

‘’

‘’

Nguồn: Relecura Inc., Social Robots: IP Landscape Report.

Qua lượng sáng chế được nộp đơn bảo hộ, thấy được thế mạnh về công nghệ liên quan đến robot xã hội của các đơn vị: công ty Sony có ưu thế về hệ thống máy tính (sử dụng các mô hình tính toán), SoftBank Robotics Europe thiên về tay máy, iRobot có xu hướng về xử lý dữ liệu số (Bảng 3).

Bảng 3: Thế mạnh công nghệ liên quan robot xã hội của các đơn vị dẫn đầu số lượng đơn đăng ký sáng chế

Đơn vị

Số lượng đơn đăng ký SC

Số lượng SC theo công nghệ

Số lượng SC theo nơi nộp đơn

Sony

74

Hệ thống máy tính (sử dụng mô hình tính toán) (73), Tay máy (52),  Xử lý dữ liệu số  (43), Công cụ thể thao-đồ chơi (30), Hệ thống kiểm soát-tổng quát (29).

US(21), CN(16), EP(10), JP(10), WO(7)

Softbank Robotics Europe

74

Tay máy (72), Hệ thống máy tính (sử dụng mô hình tính toán) (41), Tổng hợp tiếng nói (29),  Xử lý dữ liệu số  (24), Hệ thống kiểm soát-tổng quát (20).

JP(12), EP(10), US(10), WO(10), CN(7)

iRobot

20

Xử lý dữ liệu số  (20), Tay máy (20), Hệ thống máy tính (sử dụng mô hình tính toán) (16), Hệ thống kiểm soát-không/Biến (số) điện (electric variable) (16)

US(10), EP(4), JP(4), WO(2)

Jibo Inc.

19

Tay máy (19), Giao tiếp qua hình ảnh (16), Tổng hợp tiếng nói (7), Hệ thống máy tính (sử dụng mô hình tính toán) (3).

US(7), WO(3), AU(2), CN(2), CA(1)

Nguồn: Relecura Inc., Social Robots: IP Landscape Report, 2018

Thị trường robot xã hội sôi động ở Mỹ, Trung Quốc qua số lượng sáng chế được các đơn vị nộp đơn để bảo hộ. Sony có 21 SC đăng ký ở Mỹ và 16 SC ở Trung Quốc, tương tự Softbank Robotics Europe  có 10 SC đăng ký ở Mỹ và 7 SC ở Trung Quốc (BĐ5).

BĐ5: Xu hướng chọn nơi nộp đơn sáng chế của các đơn vị

Ghi chú: US: Mỹ, CN: Trung Quốc, KR: Hàn Quốc, JP: Nhật, WO: Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, EP: Cơ quan Sáng chế châu Âu, CA: Canada, TW: Đài Loan, IN: Ấn Độ, AU: Úc

Nguồn: Relecura Inc., Social Robots: IP Landscape Report.

Dự báo thị trường robot xã hội

Có nhiều yếu tố để robot xã hội phát triển, đó là: những tiến bộ trong lĩnh vực AI, sự gia tăng đầu tư tài chính cho nghiên cứu sáng tạo, bùng nổ dân số và nhu cầu chăm sóc y tế gia tăng, nhu cầu từ các công việc đơn giản và hiệu quả hơn, nhu cầu từ hệ thống giáo dục hiện đại, hay mức lương trung bình tăng cao đã thúc đẩy giới chủ đầu tư vào robot xã hội như là nguồn lao động thay thế,... Các lĩnh vực có nhiều khả năng ứng dụng robot xã hội là truyền thông, chăm sóc sức khỏe, giáo dục, bán lẻ, nghệ thuật và giải trí, dịch vụ nhà hàng và khách sạn. Tuy nhiên, sự phát triển của robot xã hội sẽ bị hạn chế vì sự khan hiếm lao động có kỹ năng cũng như đầu tư ban đầu cao trong lĩnh vực này.

Năm 2016, robot xã hội và giải trí (bao gồm các đồ chơi robot như drones hay xe điều khiển từ xa,…) được bán trên thị trường toàn cầu là 2,1 triệu sản phẩm, tăng 25% so với 2015. Dự báo đến 2025 đạt 7,4 triệu robot, trị giá 2 tỉ USD (Bảng 4)

Bảng 4: Dự báo phát triển của thị trường robot xã hội và giải trí

Năm

2015

2016

2017*

2018*

2019*

2020*

2021*

2022*

2023*

2024*

2025*

CAGR

(2015-2025)

Số lượng

Tổng số được bán (Triệu robot)

1,7

2,1

2,6

3,1

3,7

4,2

4,9

5,6

6,1

6,8

7,4

15,9 %

Tăng trưởng năm (%)

29,0

25,0

22,5

20,0

17,5

15,0

15,0

15,0

10,0

10,0

10,0

 

Giá trị

Tổng giá trị (Tỉ USD)

1,0

1,1

1,2

1,3

1,5

1,6

1,7

1,8

1,9

1,9

2,0

7,3%

Tăng trưởng năm (% )

5,3

10,0

10,3

10,4

9,3

7,2

7,5

7,8

3,4

3,7

4,0

 

Ghi chú: *: Ước tính, CAGR (Compounded Annual Growth rate): tốc độ tăng trưởng kép hàng năm.

Nguồn: Loup Ventures, International Federation of Robotics; Social and Entertainment: Robotics Outlook 2025.

Việt Nam chưa có ngành công nghiệp robot thực sự. Số lượng doanh nghiệp trong lĩnh vực robot của Việt Nam còn khá khiêm tốn. Một vài đơn vị có thể kể đến như: Tosy (có thế mạnh về chế tạo robot đồ chơi), VNRobotics (tập trung vào các sản phẩm robot mô hình trong giảng dạy, robot tự hành, robot đồ chơi và lắp ráp,..). Tại Đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, một nhóm sinh viên đã chế tạo thành công Skybot, một robot xã hội có nhiệm vụ làm lễ tân, đang được ứng dụng tại Nhà khách An Bình (tỉnh Ninh Bình). Skybot có thể trò chuyện và cung cấp thông tin về các địa điểm và thủ tục cho người hỏi.  

Tuy vậy, sức hút của robot đối với giới trẻ Việt Nam rất lớn, thể hiện ở chỗ các cuộc thi Robocon ở nước ta đã thu hút rất đông học sinh, sinh viên tham gia: năm 2002 cuộc thi chỉ có một vài đội tham gia, đến nay đã có hàng trăm đội từ các trường đại học, cao đẳng tham gia hàng năm. Tại cuộc thi Robocon châu Á, đội tuyển Việt Nam luôn giành được các giải thưởng cao, cho thấy tiềm năng trong lĩnh vực này ở nước ta khá lớn.

SkyBot - robot lễ tân do nhóm SV Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật TP.HCM chế tạo.

Một số robot xã hội đã "trình làng"

Robot xã hội

Chức năng

Aeolus Bot (Aeolus Robotics, Mỹ )

Aeolus Bot, robot hỗ trợ, có thể cầm và đưa đồ, hút bụi, dọn dẹp đồ vật về đúng vị trí, hoặc làm nhân viên bảo vệ.

Aibo  (Sony, Nhật)

Aibo, robot thú cưng có thể bắt tay, ngồi xuống, có thể phản ứng với tiếng vỗ tay, nhận lệnh qua loa, micro, cảm nhận được mức độ thỏa mãn khi được vuốt ve hay quấn quýt quanh người sử dụng.

Buddy (Blue Frog-Pháp)

Buddy có thể nhận biết giọng nói, giao tiếp và trò chuyện, giám sát nhà cửa, chơi nhạc, chụp ảnh, chơi đùa với trẻ em và nhiều chức năng khác.

Cloi (LG, Hàn Quốc)

Cloi, robot quản gia có thể điều khiển và quản lý một ngôi nhà thông minh như: tắt đèn hay bật máy giặt; cung cấp công thức để nấu ăn; lập các kế hoạch,…

Jibo (Massachusetts, Mỹ)

Jibo, robot gia đình, có khả năng nhìn, nghe, nói, học và hỗ trợ các công việc gia đình.

Musio (AKA LLC-Nhật)

Musio hỗ trợ học tập, luyện tập mẫu câu và hội thoại tự do, có thể sử dụng ở nhà hay trong trường học.

Pepper (SoftBank Robotics, Nhật)

Pepper, robot tiếp tân, có khả năng nhận diện gương mặt và cảm xúc của khách hàng, phản hồi bằng giọng nói hoặc bằng những dòng chữ trên bảng phía trước bụng, có thể đón/hướng dẫn/hỗ trợ khách, hoặc mang một tách cà phê cho khách trong lúc ngồi ở phòng chờ.

Skybot (Đại học Sư phạm kỹ thuật TP. HCM, Việt Nam)

Skybot, robot lễ tân, có thể trò chuyện và cung cấp thông tin về các địa điểm và các thủ tục cho người hỏi. 

Sophia (Hanson Robotics, HongKong)

Sophia, robot có hình dạng giống người, có thể trò chuyện, phát biểu và trả lời câu hỏi như một người thông thường nhờ trí tuệ nhân tạo. Ngày 25/10/2017, Sophia được Saudi Arabia cấp quyền công dân. Đây là robot đầu tiên trên thế giới được trao chứng nhận công dân.

……………

…………….

Anh Tùng (CESTI)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả