SpStinet - vwpChiTiet

 

Phát triển công nghệ bằng tinh thần doanh nhân

Công nghệ ngăn chặn cá mập được nghiên cứu sáng tạo đầu tiên ở Nam Phi, và thương mại hóa thành công nhờ liên tục thay đổi, cải tiến sản phẩm bằng tinh thần doanh nhân sáng tạo của người Úc.

Công nghệ ngăn chặn cá mập

Cá mập có bộ răng sắc, cơ bắp khỏe mạnh, tốc độ bơi cao, được xem là sát thủ đại dương, gây nguy hiểm cho người và là hiểm họa tại nhiều vùng biển trên thế giới, nhất là khi các hoạt động ở đại dương ngày càng phát triển. Tuy nhiên, số lượng cá mập trên thế giới cũng lại đang suy giảm, do bị đánh bắt quá mức và môi trường sống bị thu hẹp. Đây là vấn đề được Ủy ban Cá mập KwaZulu-Natal (KZN - KwaZulu-Natal Sharks Board) đầu tư nghiên cứu để tìm ra các giải pháp đảm bảo an toàn bờ biển, bảo vệ những người vui chơi và hoạt động ở các vùng biển không bị cá mập tấn công mà vẫn bảo tồn được các loài cá mập. KZN là tổ chức nghiên cứu và du lịch trên bờ biển phía Nam, tỉnh KwaZulu-Natal, Nam Phi.

POD Holdings Ltd, là công ty spin-off do KNZ thành lập để phát triển và thương mại hóa công nghệ sử dụng trường điện từ để đẩy lùi cá mập, kết quả sau hơn 10 năm nghiên cứu, thử nghiệm.

Năm 1996, POD Holdings Ltd ra mắt thiết bị ngăn chặn cá mập đầu tiên (gọi là SharkPOD, hay đơn giản là POD - Protective Oceanic Device). Công nghệ cốt lõi của POD là sử dụng trường điện từ để đẩy lùi cá mập, với tác giả là ba nhà khoa học Graeme Charter, Sherman Ripley và Norman Starkey.

POD có thân chính chứa hộp pin 12 volt và một điện cực bằng thép không rỉ gắn với bình lặn chứa oxy, một điện cực khác gắn ở chân vịt người lặn, hai điện cực cách nhau khoảng 1,5 m tạo nên trường điện từ xung quanh người lặn. Cá mập có các thụ thể điện tầm ngắn trong mõm sử dụng để tìm thức ăn. Trường điện từ gây ra sự co thắt trong các thụ thể nhạy cảm, tạo nên sự khó chịu, khiến cá mập không tấn công và thoái lui ra xa người lặn. Trường điện từ không gây hại cho sức khỏe của cá mập hoặc con người. POD được thiết kế để kích hoạt lập tức, khi xuống nước và trong suốt quá trình lặn và tắt ngay khi rời khỏi mặt nước. Ngoài ra, thiết bị cũng có đèn cảnh báo pin yếu trên vai của thợ lặn. 

Công nghệ cốt lõi của POD là kết quả qua nhiều năm nghiên cứu, kiểm nghiệm và có tiềm năng ứng dụng, nhưng sản phẩm từ POD lại sử dụng hạn chế trong giới thợ lặn, khá cồng kềnh, nặng và giá đắt nên việc thương mại khó khăn. Do vậy, sản phẩm POD sớm kết thúc vòng đời vào năm 2001!

Trường điện từ đẩy lùi cá mập (Ảnh: Shark Shield)

Liên tục thay đổi, cải tiến để phát triển

Michael Wescombe Down, người đồng sáng lập công ty SeaChange Technology Holdings (SeaChange) ở Úc, là doanh nhân nhạy bén, thích bơi lặn và có tầm nhìn tốt về sản phẩm POD, đã nhanh chóng tiếp cận và đạt được thỏa thuận với KZN để độc quyền khai thác công nghệ ngăn chặn cá mập và tiếp tục nghiên cứu phát triển sản phẩm.

Năm 2002 SeaChange ra mắt thiết bị mới được gọi tên Shark Shield, có kích thước nhỏ gọn, bao gồm hai điện cực, trường điện từ phát ra ba hướng rộng tám mét xung quanh người sử dụng. Kể từ năm 2002, SeaChange phát triển nhiều ứng dụng mới và được cấp bằng sáng chế, tạo ra dòng sản phẩm dưới thương hiệu Shark Shield.

Nhằm phát triển thương mại dòng sản phẩm Shark Shield, cũng như gắn kết tên công ty với tên sản phẩm để việc nhận dạng và phổ biến trên thị trường dễ dàng, công ty Shark Shield Pty Ltd (Shark Shield) thuộc SeaChange được thành lập vào tháng 10/2006 với chức năng phát triển, thương mại các công nghệ, thiết bị ngăn chặn cá mập. Shark Shield hướng đến thị trường rộng lớn, khách hàng đa dạng phục vụ giải trí và cả chuyên nghiệp (các vận động viên bơi lội, thợ lặn, người cứu hộ, lực lượng quân sự….) sử dụng khi bơi, lặn, lướt ván, đánh bắt cá, đi thuyền kayak.

Trong vòng một năm, công ty Shark Shield đã giới thiệu thế hệ sản phẩm Shark Shield mới, nhỏ, nhẹ  và có thời lượng pin dài hơn. Năm 2007, Shark Shield ra mắt sản phẩm thế hệ thứ ba, bao gồm SCUBA7, FREEDOM7 đa năng mở rộng phạm vi sử dụng cho thợ lặn, người đánh cá, chèo thuyền hoặc kayak, và SURF7 được thiết kế để lắp trên ván lướt sóng hoặc ván chèo đứng.

Hướng đến tầm nhìn rộng hơn nữa, năm 2018, SeaChange Technology Holdings Pty Ltd. đổi tên thành Ocean Guardian Holdings Limited và Shark Shield Pty Ltd. giao dịch với tên gọi Ocean Guardian.  Công ty tiếp tục đa dạng hóa các nhãn hiệu đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng và  xây dựng hình ảnh đối với khách hàng. Các thương hiệu được biết đến là Shark Shield Surf (để lướt sóng, chèo thuyền và ván trượt sóng); Shark Shield Freedom7 (để bơi, lặn và lướt sóng); và Shark Shield Scuba.

Tháng 1/2019, Ocean Guardian công bố thiết bị ngăn chặn cá mập cầm tay đầu tiên trên thế giới gọi là eSPEAR, vẫn dựa trên công nghệ cốt lõi ban đầu.  eSPEAR được thiết kế chủ yếu cho người săn cá dưới nước, thợ lặn với ống thở và kính bơi hay lặn sâu với bình dưỡng khí. Các dòng sản phẩm của Ocean Guardian  được tiếp tục mở rộng bao gồm BOAT01 để tạo ra một khu vực bơi an toàn xung quanh các tàu và FISH01 để hỗ trợ ngư dân đánh bắt ở đại dương không bị cá mập tấn công. Các sản phẩm của Ocean Guardian được các cơ quan chính phủ khác nhau như cảnh sát, hải quân sử dụng, bao gồm quân đội Úc, hải quân Nam Phi, lực lượng bảo vệ bờ biển Mỹ, Nhật Bản và các thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương...

Khác với KNZ ở Nam Phi, doanh nhân người Úc đã liên tục phát triển và đa dạng hóa sản phẩm từ công nghệ ngăn chặn cá mập của KNZ để mở rộng phạm vi sử dụng, chú trọng xây dựng thương hiệu cũng như mạnh dạn thay đổi tên công ty gắn với mục tiêu phát triển trong từng giai đoạn. Ocean Guardian hiện nay đã mở rộng sản phẩm ngăn chặn cá mập, bảo vệ an toàn cho con người và cả cho cá mập rất đa dạng, đáp ứng nhu cầu khách hàng trong nhiều hoạt động khác nhau. Nhờ đó đã hiện thực hóa được mục tiêu duy trì các khách hàng trung thành, đồng thời  thu hút khách hàng mới và tăng tính cạnh tranh, tạo nền tảng phát triển doanh nghiệp.

Đưa công nghệ ra thị trường đồng thời với bảo vệ IP

Chiếc SharkPOD gốc ban đầu được thử nghiệm trong 8 năm ở ngoài khơi đảo Dyer, Nam Phi, là thiết bị điện tử đầu tiên được chứng minh ngăn chặn cá mập thành công. Khi được phép độc quyền khai thác công nghệ, Michael Wescombe Down đã mở rộng hợp tác nghiên cứu công nghệ, phát triển sản phẩm mới, đồng thời tiến hành thử nghiệm, thực hành để kiểm tra hiệu quả và sự an toàn khi sử dụng các sản phẩm ngăn chặn cá mập. Nhiều kế hoạch khác nhau được thực hiện để giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng, phát triển khách hàng mới như tham gia các hội chợ quốc tế, tại Triển lãm Hàng hải quốc tế Thái Bình Dương  (Pacific International Maritime Exposition) năm 2010 ở Sydney; hợp tác với các đối tác như với nhà tiếp thị và phân phối Gerard Corporation- Úc; nhà cung cấp thiết bị hàng hải Nippon Kaiyo- Nhật;  sử dụng mạng lưới phân phối Nuvair - Mỹ;...  

Đầu tư nhiều thời gian, công sức phát triển công nghệ và xây dựng thương hiệu, Michael Wescombe Down tích cực thương mại sản phẩm, mở rộng thị trường trong và ngoài nước song song với việc triển khai các hoạt động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (IP). Năm 2002 đã  nộp đơn đăng ký sáng chế cho thiết bị ngăn chặn cá mập tại Cơ quan Sở hữu trí tuệ Úc (Intellectual Property office of Australia) và nộp đơn đăng ký sáng chế qua hệ thống PCT (Patent Corporation Treaty). Nhãn hiệu Shark Shield cũng được đăng ký bảo hộ.

Năm 2018, Ocean Guardian giành được giải Vàng tại lễ trao giải Edison 2018  (2018 Edison Awards) ở New York trong hạng mục Điền kinh, Thể thao và Giải trí - Phòng chống chấn thương với sản phẩm  FREEDOM + Surf. Giải thưởng Edison được tổ chức hàng năm nhằm công nhận và tôn vinh những sáng tạo và đổi mới trong phát triển sản phẩm và dịch vụ mới, tiếp thị, thiết kế lấy con người làm trung tâm, hội đồng đánh giá bao gồm hơn 3.000 chuyên gia từ các lĩnh vực phát triển sản phẩm, thiết kế, kỹ thuật, khoa học, tiếp thị và giáo dục.

Phương Lan (CESTI)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả