SpStinet - vwpChiTiet

 

Khởi nghiệp với robot xã hội - bài học từ Jibo

Jibo, một công ty khởi nghiệp được thành lập năm 2012, với sản phẩm robot trong nhà. Nhờ sở hữu công nghệ sáng tạo, Jibo có các vòng gọi vốn, thu hút đầu tư rất thành công tính đến năm 2016. Tuy nhiên, năm 2018, Jibo đã đóng cửa. Điều gì đã xảy ra?

Hình thành

Công ty Jibo (Jibo.Inc.) được thành lập tại Boston bởi Cynthia Breazeal và Jeri Asher, là các chuyên gia nổi tiếng trong ngành robot của Học viện công nghệ Massachusetts, Mỹ. Jibo khởi nghiệp với sản phẩm robot trong nhà cùng tên, do Cynthia Breazeal cùng các nhà nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm Media sáng tạo. Đây là robot trong nhà đầu tiên, được cho là sẽ mở ra thời đại mới của robot xã hội.

Là một robot hỗ trợ việc nhà và giải trí, có thể tương tác và giao tiếp với con người: có 2 camera với độ phân giải cao (có thể chụp ảnh, gọi video và nhận diện khuôn mặt các thành viên trong gia đình), 1 microphone để nghe, Jibo có thể thực hiện nhiều chức năng khác nhau như: có thể nghe/nói chuyện với người sử dụng; gửi và nhận tin nhắn bằng giọng nói; điều khiển các thiết bị điện trong nhà; đặt chỗ nhà hàng, trên máy bay...Nó có thể ghi nhớ các thói quen cũng như lối sống của các thành viên trong gia đình, và có cơ chế tự thích ứng với những thói quen đó để hỗ trợ cho mọi người một cách tốt nhất. Tất cả là nhờ Jibo được ứng dụng các thuật toán trí tuệ nhân tạo (AI-Artificial Intelligence), tích hợp tính năng thông minh IFTTT (viết tắt của cụm từ "If This then That", một ứng dụng trực tuyến giúp kết nối các ứng dụng và dịch vụ, làm cho mọi thứ cùng hoạt động), và sử dụng pin có thể sạc,…

Sử dụng Jibo rất đơn giản, chỉ cần kết nối nó vào mạng internet, hay với máy vi tính và các thiết bị di động (điện thoại hay máy tính bảng) thông qua một ứng dụng dành cho Android (hoặc iOS) để điều khiển từ xa.

Jibo được xem là robot trợ giúp trong nhà duyên dáng, sáng tạo nhất. Nó vừa là người bạn, người giúp việc và thậm chí còn là phương tiện giúp kết nối các thành viên trong gia đình với nhau. Jibo đã nhận được rất nhiều lời khen ngợi từ những website lớn như Yahoo, CNN, NY Times….và được tạp chí Time bình chọn là một trong 25 sáng chế tốt nhất trong năm 2017.

Gọi vốn thành công

Các công ty khởi nghiệp rất cần nguồn vốn ban đầu để hoạt động. Có nhiều cách huy động vốn như: vốn tự có, huy động từ bạn bè và gia đình, từ các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, từ nhà đầu tư thiên thần/các quỹ đầu tư mạo hiểm, vay ngân hàng, huy động vốn bằng cách bán trước sản phẩm, thương lượng với nhà cung cấp, hay cả nguồn vốn có từ chiến thắng một cuộc thi,…Một xu hướng đang được quan tâm hiện nay là gọi vốn cộng đồng (Crowdfunding), cách tiếp cận tới số đông nhà đầu tư mà không bị mất tỉ lệ quyền sở hữu công ty, là cơ hội để khảo sát mức độ đón nhận của thị trường với sản phẩm mới. Crowdfunding tạo ra các chiến dịch gọi vốn trên các website hỗ trợ startup, khu vực Đông Nam Á có các trang gọi vốn đang hoạt động như CoAssets (Singapore), PitchIN (Malaysia), Kopernik (Indonesia),  Artiste Connect và GetStarted.Ph (Philippines). 

Được ca ngợi và đánh giá cao từ các phương tiện truyền thông đã giúp Jibo có quá trình gọi vốn vô cùng thành công. Thành lập năm 2012, đến năm 2014 Jibo đã thu hút vòng vốn hạt giống từ 3 nhà đầu tư, với tổng nguồn 5 triệu USD.

Cũng trong năm 2014, Jibo ra mắt trên Indiegogo (Mỹ), trang web hỗ trợ gọi vốn cộng đồng (khi có ý tưởng và cần nguồn vốn triển khai đều có thể đăng dự án lên website này. Hiện Indiegogo có 15 triệu người dùng thường xuyên, tỉ lệ gọi vốn thành công tại đây đạt 47% tổng dự án. Indiegogo miễn phí gia nhập, các dự án gọi vốn  thành công sẽ nộp phí 4% vốn kêu gọi được, các dự án không gọi được vốn sẽ không mất phí). Với sản phẩm được cho là sáng tạo và giàu tiềm năng phát triển, Jibo đã thu hút được hơn 1,1 triệu USD vốn đầu tư chỉ trong chưa đầy 10 ngày sau khi công bố trên Indiegogo. Chiến dịch này đã thu về cho Jibo 2,3 triệu USD.

Tiếp theo là vòng Series A, Jipo đã thu hút được 52,3 triệu USD trong năm 2015 và vòng Series B thu hút được 13,1 triệu USD trong năm 2016. Qua  6 vòng gọi vốn từ năm 2014-2016 thành công, Jibo đã nhận được nguồn vốn lên đến 72,7 triệu USD.

Các vòng gọi vốn thành công của Jibo

Ngày công bố 

Vòng gọi vốn 

Số lượng nhà đầu tư 

Tổng giá trị đầu tư 

(Triệu USD)

  Các nhà đầu tư 

10/11/ 2016

Series B

1

13,1

BRC Innovation

9/12/2015

Series A

 

6

       16

Fenox Venture Capital, CRV, RRE Ventures LLC, BRC Innovation,
NetPosa Technologies

6/8/ 2015

Series A

 

6

       11

Flybridge Capital Partners, KDDI,   Dentsu Ventures,Acer, NetPosa Technologies

21/1/ 2015

Series A

4

25,3

CRV, RRE Ventures, Flybridge Capital Partners,  Two Sigma Ventures

17/10/ 2014


Crowdfunding

 

 2,3

 

5/6/2014

Seed round

 

3

        5

CRV, Osage University Partners, Fairhaven Capital

Ghi chú: các vòng gọi vốn cơ bản để thu hút đầu tư của một startup gồm: vòng đầu tư vốn hạt giống (seed round) sẽ nhận đầu tư từ những nhà đầu tư thiên thần; vòng gọi vốn đầu tiên (series A) là vòng đầu tư của các quỹ đầu tư mạo hiểm; series B, series C,...là các vòng gọi vốn tiếp theo tùy vào đặc thù của từng startup.

Nguồn: crunchbase.com

Kết thúc buồn!

Thành lập năm 2012, dự kiến ra mắt robot Jibo vào năm 2015 và sẽ phân phối rộng rãi vào năm 2016, với giá dự kiến mỗi chú Jibo là 499 USD. Tuy nhiên, từ tháng 6/2018, xuất hiện nhiều bài báo đề cập đến việc công ty Jibo bán tài sản trí tuệ, thậm chí là tất cả tài sản; sa thải nhân viên và ngừng hoạt động! Vì sao một startup đã thu hút vốn đến vòng Series B, huy động được hơn 70 triệu USD và phát triển sản phẩm trong nhiều năm lại phải đóng cửa?

Các bài học được đề cập đến là:

  • Không lường trước được những trở ngại trong quá trình sản xuất. Sản xuất robot là lĩnh vực khó, nhất là với robot xã hội. Để làm cho các thiết bị giống như con người, có thể giao tiếp với con người là một nhiệm vụ không hề đơn giản. Jibo đã nhiều lần trể hẹn giao hàng, dự kiến giao hàng vào năm 2016, nhưng đến tháng 9/2017 mới thực hiện được. Thất hứa về thời điểm giao hàng đã dẫn đến việc buộc công ty Jibo phải hoàn lại tất cả nguồn vốn huy động cộng đồng trên Indiegogo, khi được yêu cầu.
  • Không lường trước được việc robot xã hội phải hoạt động ở những khu vực khác nhau đã làm cho Jibo phải hủy các đơn hàng từ nước ngoài vào giữa năm 2016, chỉ cung cấp robot Jibo cho khách hàng ở Mỹ và Canada. Nguyên nhân là chức năng của Jibo không phù hợp với các khu vực khác nhau về ngôn ngữ, nhận dạng tiếng nói, văn hóa, các chứng nhận về điện,…đã làm khách hàng ở 45 quốc gia đặt hàng trước đó vô cùng thất vọng.
  • Giá bán cũng là vấn đề. Giá dự kiến mỗi chú Jibo là 499 USD khi giao hàng vào năm 2016, nhưng đến tháng 9/2017 mới giao hàng và cuối tháng 10/2017 mới bắt đầu bán ra với giá 899 USD/robot. Giá khá cao khiến người tiêu dùng ngần ngại và khó bán được Jibo, nhất là có sự cạnh tranh từ các robot trợ giúp trong nhà từ các đối thủ sừng sỏ như Google, Amazon, và Apple với giá rẻ hơn, thông minh hơn.
  • Ngoài ra là ảnh hưởng không nhỏ từ sự xâm nhập của hàng giả, hàng kém chất lượng trên thị trường. Khi thu hút vốn đầu tư để khởi nghiệp bằng gọi vốn cộng đồng, các startup cần cẩn trọng vì phải bộc lộ kế hoạch sản phẩm trước khi chúng hoàn tất. Trường hợp của Jibo, gọi vốn cộng đồng thành công năm 2014, nhưng hàng nhái đã xuất hiện ở Trung Quốc vào cuối năm 2016, trước cả thời điểm Jibo đến tay khách hàng vào năm 2017!

Jibo không phải là đơn vị sản xuất robot xã hội duy nhất đóng cửa trong năm 2018. Những cái tên khác cùng số phận với Jibo là Mayfield Robotics (sản xuất robot trong nhà - Kuri) đóng cửa hồi tháng 8, Rethink Robotics (phát triển Cobots - robot cộng tác làm việc cùng với con người) đóng cửa trong tháng 10. Vấn đề chủ yếu các đơn vị sản xuất robot xã hội như Jibo đang phải đối mặt là sự phức tạp trong sản xuất, giá thành cao và nhu cầu chưa nhiều.

Tuy nhiên, cũng có một số công ty sản xuất robot trợ giúp trong nhà gặt hái thành công như công ty iRobot với dòng sản phẩm Roomba phổ biến với người tiêu dùng trên thế giới, lý do là Roomba thực hiện chức năng hữu ích cần thiết hàng ngày trong mọi gia đình là lau dọn vệ sinh, đồng thời cũng tích hợp tính năng thông minh như điều khiển giọng nói và giá thành ngày càng giảm thấp.

Robot tiêu dùng hiện tại có thể không dành cho đa nhiệm vụ hoặc tương tác xã hội, thay vào đó, các robot đơn mục đích, trợ giúp các việc hàng ngày trong nhà có nhiều khả năng thành công hơn.

Anh Vũ (CESTI)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả