SpStinet - vwpChiTiet

 

Hội nghị nhà báo khoa học quốc tế 2015 tại Seoul

Từ ngày 8 – 12/06/2015, Hội nghị nhà báo Khoa học Quốc tế lần thứ 9 sẽ diễn ra tại Seoul, Hàn Quốc. Đặc biệt lần hội nghị này, nước chủ nhà đã dành ra 250.000 USD để tài trợ chi phí tham gia hội nghị cho phóng viên của các nước đang phát triển. Tạp chí STINFO đã có một bài phỏng vấn độc quyền với chủ tịch Hiệp hội Nhà báo khoa học thế giới, tiến sỹ Chul-joong Kim.


Toàn cảnh hội nghị ESOF2014, nơi giới thiệu nước đăng cai tiếp theo cho Hội nghị nhà báo khoa học thế giới (Hình ảnh được sử dụng với sự cho phép của ESOF2014)

- Tại sao Hàn Quốc quyết định trở thành nước đăng cai tiếp theo cho hội nghị báo chí khoa học quốc tế?

Có nhiều lý do. Chúng tôi chưa bao giờ tổ chức hội nghị báo chí khoa học quốc tế thế giới. Do đó các nhà báo Hàn Quốc quan tâm về vấn đề này. Chúng tôi nhận thấy đây là thời gian lý tưởng để trở thành chủ nhà của hội nghị báo chí khoa học quốc tế. Bên cạnh đó, đây là lần đầu tiên một thành phố ở châu Á đăng cai hội nghị này. Tôi và chủ tịch Ủy ban Báo chí Hàn Quốc đồng ý  rằng bây giờ là thời điểm chúng tôi nên hướng ra toàn cầu và mở rộng ra từ quy mô địa phương để thể hiện sức mạnh quốc gia của Hàn Quốc. Đây cũng là một phần động cơ của chúng tôi.

- Ông có thể cho biết một số chi tiết về nền báo chí khoa học tại Hàn Quốc?

Khi nền khoa học tại Hàn Quốc phát triển, nền báo chí khoa học tại Hàn Quốc cũng phát triển. Điều này  như hai bánh xe của xe đạp. Bánh trước là khoa học và bánh sau là báo chí về khoa học. Khi khoa học ngày càng được cải thiện, báo chí về khoa học cũng được cải thiện.

- Hiện tại có bao nhiêu tạp chí khoa học tại Hàn Quốc?

 
Hàn Quốc có một nền văn hóa rất khác biệt với văn hóa phương Tây. Chúng tôi có một vài tạp chí khoa học. Tuy nhiên, hầu hết các tờ nhật báo đều có mục khoa học cho các ấn bản cuối tuần. Điều này đến từ tính cách đặc trưng của người Hàn Quốc. Họ rất nôn nóng. Họ không muốn chờ đợi tin tức mới sau một tuần hoặc một tháng. Do đặc trưng này mà người Hàn Quốc không thích đọc tạp chí, nhưng lại thích đọc nhật báo. Vì vậy, hiện nay tại Hàn Quốc chỉ có một tạp chí khoa học là tạp chí Toongha. Tạp chí này khá phổ biến với công chúng, đặc biệt với học sinh, sinh viên.

- Vai trò của báo chí khoa học Hàn Quốc trong vụ bê bối của giáo sư Hwang Woo-suk về nghiên cứu tế bào gốc?

Đây là sự kiện lớn đối với báo chí Hàn Quốc. Chúng tôi có hệ thống kiểm tra nội bộ, nhưng hệ thống này lại không đủ tốt. Chúng tôi cảm thấy tự hào rằng các nhà báo Hàn Quốc đã phát hiện sự giả mạo và sau đó các tổ chức khác cũng tham gia để phát hiện sự giả mạo này. Có thể nói các nhà báo Hàn Quốc là người đầu tiên khám phá về điều đó. Kể từ sự kiện đó, các phóng viên chuyên về đề tài khoa học tại Hàn Quốc học cách nghi vấn về các tuyên bố của nhà khoa học và không đăng tất cả những gì các nhà khoa học công bố mà chưa thẩm tra.

- Tại sao chủ đề của hội nghị báo chí khoa học tại Hàn Quốc năm 2015 sẽ thảo luận về khoảng cách giữa các nước đang phát triển và các nước phát triển?

Có rất nhiều khoảng cách giữa các nước đang phát triển và các nước phát triển. Tuy nhiên, không nhiều người biết rằng khoa học cũng là một dạng khoảng cách giữa các nước. Chúng ta cần phải xóa bỏ những cách biệt khoa học này. Khoa học và công nghệ ngày càng trở nên tinh vi hơn qua mỗi năm và công nghệ cao có thể làm cho khoảng cách khoa học
giữa các nước càng lớn. Chúng ta nên chú ý đến tình trạng này để giúp các quốc gia đang phát triển. 15 năm trước, Hàn Quốc vẫn là một nước đang phát triển. Chúng tôi nhận thức rằng sức mạnh cơ bản để trở thành một quốc gia phát triển là khoa học. Chính phủ Hàn Quốc và các tổ chức viện trợ quốc tế đầu tư cho sự phát triển của khoa học công nghệ và kết quả là chúng tôi gần như trở thành một quốc gia phát triển. Hàn Quốc là một trường hợp đặc biệt. Trước đây không có đất nước nào nhận tài trợ để sau này lại trở thành nhà tài trợ, chỉ có Hàn Quốc. Đó là lý do tại sao chúng tôi muốn cung cấp học bổng cho các nước đang phát triển.

- Nếu các nhà khoa học Việt Nam muốn tham gia hội nghị, họ có cơ hội để có được tài trợ không?


Có thể được. Tài trợ này trước hết dành cho nhà báo và sau đó là sinh viên trẻ và các nhà khoa học.

Hoàng Mi

Bạn có thể tham khảo toàn văn bài phỏng vấn bằng tiếng Anh