SpStinet - vwpChiTiet

 

Vệ tinh của Hàn Quốc lại bốc cháy

Hàn Quốc một lần nữa thất bại trong chương trình tự phóng vệ tinh vào không gian của mình, khi tên lửa đưa vệ tinh của họ được cho là đã phát nổ sau khi rời bệ phóng chưa đầy ba phút vào chiều nay (10.6), theo AFP.
Đợt phóng vệ tinh thứ hai của Hàn Quốc sau đợt đầu tiên cách đây gần một năm, dự định diễn ra vào chiều qua nhưng đã bị hoãn lại một ngày khi cơ quan không gian của nước này phát hiện có trục trặc ở hệ thống dập lửa trên bệ phóng.
Vào chiều nay, lúc 17 giờ 1 phút (giờ địa phương, tức 15 giờ 1 phút cùng ngày, giờ VN), tên lửa đẩy KSLV-1 (còn gọi là Naro-I) mang theo vệ tinh quan sát sự thay đổi khí hậu và ấm lên toàn cầu STSAT 2B đã chính thức rời bệ phóng tại Trung tâm Vũ trụ Naro nằm ở phía nam thủ đô Seoul.
Tuy nhiên, AFP dẫn lời Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Khoa học và Công nghệ Hàn Quốc Ahn Byong-Man cho biết, tên lửa có thể đã nổ tung sau 137 giây rời bệ phóng và mất liên lạc với mặt đất. Bộ trưởng Ahn cho biết thêm, các chuyên gia Nga và Hàn Quốc đang nghiên cứu để tìm hiểu nguyên nhân.
Theo dự kiến, vệ tinh STSAT 2B sẽ bay đến nằm ở quỹ đạo cách Trái đất 302km sau 9 phút rời bệ phóng. Với lần phóng này, tên lửa chỉ đưa vệ tinh lên được độ cao 70km sau 137 giây rồi mất liên lạc. Được biết tên lửa KSLV-1 cao 33m gồm hai tầng, được Hàn Quốc chế tạo với sự hợp tác của Nga có chi phí lên đến 450,7 triệu USD.
Như vậy, tham vọng có mặt trong cuộc chạy đua vào vũ trụ của Hàn Quốc với các nước châu Á như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ một lần nữa thất bại.
Hồi tháng 8 năm ngoái, trong lần tự phóng tên lửa mang vệ tinh đầu tiên, vệ tinh Khoa học và Kỹ thuật 2 đã tách ra khỏi tên lửa thành công nhưng lại không đi vào đúng quỹ đạo định sẵn và rơi xuống Trái Đất rồi bốc cháy.
Vào năm 2007, Hàn Quốc đã công bố kế hoạch khám phá không gian đầy tham vọng khi hướng tới việc tự hoàn thiện công nghệ chế tạo tên lửa cho riêng mình vào năm 2018. Sau đó họ sẽ gửi vệ tinh thăm dò tới quỹ đạo Mặt Trăng vào năm 2020 và đưa tàu thăm dò lên Mặt Trăng vào năm 2025.
Với việc lần thứ hai thất bại trong bước đi đầu tiên này, kế hoạch vươn ra ngoài vũ trụ của xứ sở kim chi bị nhiều ảnh hưởng.
Được biết, từ năm 1992, Hàn Quốc cũng đã cho phóng 11 vệ tinh nhưng tất cả đều được đưa lên vũ trụ bởi tên lửa đẩy của nước ngoài và thực hiện ở các trung tâm vũ trụ ngoài lãnh thổ nước này.

TH(thanhnien.com.vn)

 


Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả