SpStinet - vwpChiTiet

 

Sáng tạo IP trong doanh nghiệp

Tập đoàn Terumo của Nhật sở hữu một lượng lớn sáng chế được đăng ký bảo hộ trong và ngoài nước nhờ  chú trọng đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và triển khai để phát triển các dòng sản phẩm hiện hữu đồng thời nghiên cứu các lĩnh vực mới  để mở rộng phạm vi hoạt động kinh doanh.

Sáng tạo và bảo vệ IP

Terumo (Terumo Corporation) được các bác sĩ và nhà khoa học thành lập năm 1921 tại Tokyo, Nhật, để sản xuất nhiệt kế lâm sàng. Đến nay, Terumo là một trong những nhà phát triển, sản xuất và phân phối các thiết bị y tế hàng đầu thế giới, có mặt ở hơn 160 quốc gia với doanh thu toàn cầu hàng năm hơn 5 tỷ USD. Các sản phẩm của Terumo được sử dụng trong phẫu thuật tim, thủ tục can thiệp và truyền máu, các sản phẩm ống tiêm và kim tiêm dưới da...

Terumo là tập đoàn đa quốc gia với tầm nhìn sáng tạo, có các công ty con là Cardiac and Vascular Company, General Hospital Company và Blood Management Company, luôn đi đầu trong đổi mới công nghệ, phát triển các phương pháp điều trị bệnh tiên tiến, giúp phát hiện sớm và phòng ngừa bệnh. Sáng tạo và bảo vệ tài sản trí tuệ (IP-Intellectual Property) là một phần quan trọng trong chiến lược kinh doanh của Terumo, đảm bảo quyền sở hữu IP mang lại lợi thế cạnh tranh, cho phép tiếp tục phát triển các sản phẩm và ngăn chặn việc IP bị sao chép, xâm phạm.

Hoạt động sáng tạo công nghệ tại Terumo được thực hiện trên cơ sở xem xét xu hướng nghiên cứu và triển khai (R&D) và kế hoạch tạo lập IP theo danh mục cần phải thực hiện, đồng thời so sánh các sáng chế của Terumo với sáng chế và sản phẩm của đối thủ cạnh tranh. Các nhà nghiên cứu và chuyên viên về IP của Terumo cùng làm việc với nhau ngay từ giai đoạn đầu của các dự án nghiên cứu sáng tạo, môi trường thuận lợi được tạo lập để chuyên viên IP trao đổi với các nhà nghiên cứu nhằm xúc tiến hoạt động phát triển IP hiệu quả. Số lượng đơn đăng ký sáng chế và bảo vệ quyền IP trong và ngoài nước gia tăng mạnh đã góp phần đáng kể cho sự phát triển của Terumo.

Hợp tác sáng tạo IP

Ngoài quan tâm tổ chức hoạt động R&D trong nội bộ để phát triển IP, Terumo còn hợp tác với các đơn vị chuyên sâu về công nghệ và sản phẩm mà Terumo hướng đến. Sáng chế kim tiêm không đau là kết quả điển hình của cách làm này.

Đối với các loại bệnh cần phải tiêm thuốc mỗi ngày, tâm lý sợ hãi và lo lắng là cảm xúc mà bệnh nhân  thường phải trải qua. Vì vậy, cần có giải pháp giúp bệnh nhân giải tỏa các vấn đề này. Nghiên cứu sản xuất kim tiêm siêu mỏng chính là bài toán đặt ra cho các nhà nghiên cứu của Terumo để giải quyết. 

Cách chế tạo kim tiêm thông thường là làm rỗng một xi-lanh kim loại nhỏ. Tuy nhiên, sẽ rất khó để tạo ra những chiếc kim siêu mỏng theo cách này. Terumo gặp nhiều khó khăn về mặt kỹ thuật để thực hiện ý tưởng, sau một năm nghiên cứu không đạt kết quả, cùng những từ chối hợp tác R&D chế tạo kim tiêm siêu mỏng từ các công ty kim loại lớn. Sau cùng, ông Masayuki Okano, người đứng đầu Công ty Công nghiệp Okano (Okano Industrial Corp.), một công ty kim loại tuy có quy mô nhỏ nhưng  có trình độ công nghệ cao, đã đồng ý hợp tác với Terumo.

Sau 5 năm nghiên cứu, Okano đã tìm ra cách thức chế tạo kim tiêm siêu mỏng. Thay vì ép tạo xi-lanh kim loại, Okano cuộn một tấm thép không rỉ siêu mỏng thành dạng hình trụ nhỏ xíu rồi hàn kín để đảm bảo không rò rỉ. Sau đó, ông Tetsuya Oyauchi, một trong những kỹ sư giỏi nhất của Terumo (người có nhiều sáng chế về ống và kim tiêm y tế), đã tinh chỉnh xi-lanh nhỏ xíu này có dạng thon nhọn và phủ thêm một lớp bôi trơn đặc biệt. Kim tiêm có đường kính 0,2 mm, không rộng hơn hai sợi tóc của con người và mỏng hơn 33% so với kim tiêm thường. Kim này khi tiêm gần như không gây đau, tạo ra cảm giác không hơn một vết muỗi đốt nhưng giá thành chỉ đắt hơn khoảng 5% so với kim truyền thống.

Terumo đã nộp đơn đăng ký theo hệ thống Hiệp ước Hợp tác sáng chế (PCT) năm 2003 cho sáng chế kim tiêm siêu mỏng không đau và bán ra thị trường vào tháng 7/2005, với tên thương mại là Nanopass. Thành công từ Nanopass giúp doanh số năm 2008 của Terumo tăng 40% so với năm 2007, đạt hơn 11 triệu USD. Kim tiêm Nanopass  đã được Tổ chức Xúc tiến thiết kế công nghiệp Nhật (Japan Industrial Design Promotion Organization) trao giải thưởng lớn về thiết kế tốt (Grand Prize for Good Design) vào năm 2005. 

Nanopass là minh chứng sinh động cho kết quả hợp tác nghiên cứu thành công giữa hai đơn vị chuyên sâu trong các lĩnh vực có liên quan với nhau để phát triển IP, phục vụ thiết thực nhu cầu cuộc sống và sự phát triển của doanh nghiệp.

Hình kim tiêm không đau của Terumo trong sáng chế số PCT/JP2003/008781: “Injection needle and liquid introducing instrument” được đăng ký bảo hộ theo hệ thống PCT.

Sản phẩm kim tiêm không đau Nanopass 34 của Terumo trên thị trường  (Ảnh: Terumo)

Tổ chức  hoạt động R&D

Nỗ lực phát triển công nghệ nhằm cung cấp các sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao trên toàn cầu, Terumo tập trung mạnh cho hoạt động R&D, từ năng lực nội sinhcũng như xúc tiến hợp tác với bên ngoài, để giải quyết các thách thức của ngành y qua việc phát triển các giải pháp, công nghệ tiên tiến ứng dụng trong lĩnh vực y tế.

Bản đồ R&D của Terumo trên toàn cầu, năm 2018

Nguồn: Terumo Corporation Annual Report 2018.

Hoạt động R&D của Terumo chia làm 2 nhánh: (1) Hoạt động R&D nội bộ: tập trung hỗ trợ phát triển hoạt động kinh doanh, chủ yếu thông qua tập trung nghiên cứu các dòng sản phẩm trong tầm ngắn-trung hạn, phù hợp với chiến lược kinh doanh; (2) Hợp tác R&D: để thực hiện các nghiên cứu trung-dài hạn với tầm nhìn xa 10 năm, nhằm nghiên cứu tạo ra các công nghệ và công việc kinh doanh mới, thúc đẩy sự phát triển trong tương lai.

Năm 2017, chi phí R&D của Terumo là 41,3 tỉ yên, chiếm 7% doanh thu, trong đó các công ty con Cardiac and Vascular là 24 tỉ yên, General Hospital: 3,6 tỉ yên, Blood Management: 8,2 tỉ yên, chi phí nghiên cứu cơ bản 5,5 tỉ yên.

Chi cho hoạt động R&D của Terumo

Nguồn: Terumo Corporation Annual Report 2018.

Terumo nộp đơn đăng ký 436 sáng chế  vào năm 2017, trong đó có 62% sáng chế liên quan đến hoạt động kinh doanh hiện tại và 38% là các lĩnh vực hoàn toàn mới chuẩn bị cho phát triển hoạt động kinh doanh trong thời gian tới. Điều này cho thấy, Terumo đầu tư R&D không những để nghiên cứu phát triển các dòng sản phẩm hiện có, mà còn hướng đến mở rộng hoạt động kinh doanh của tập đoàn trong tương lai.

Đăng ký sáng chế của Terumo, năm 2017

Nguồn: Terumo Corporation Annual Report 2018.

Tính đến tháng 3/2018, Terumo  có  4.645 sáng chế được công bố ở trong và ngoài nước, trong đó có 84% có liên quan đến hoạt động kinh doanh hiện tại, 16% là các lĩnh vực mới không liên quan đến hoạt động kinh doanh hiện tại.

Số lượng sáng chế của Terumo, tính đến tháng 3/2018

Nguồn: Terumo Corporation Annual Report 2018.

Anh Trung (CESTI)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả