SpStinet - vwpChiTiet

 

Chuyên gia Đan Mạch: vườn thú cần “xấu xí” hơn

Trong buổi họp báo ngày 25/06/2014 tại ESOF2014, các chuyên gia về bảo tồn động vật đã nhận định rằng để làm tốt công tác bảo tồn, vườn thú cần trở nên “thực” hơn và “xấu xí” hơn.

Ngày 09/02/2014, vườn thú tại Copenhagen đã tạo nên một cơn chấn động trên các trang báo khi quyết định giết thịt một con hươu cao cổ để làm thức ăn cho sư tử. Lý do của hành động này là để tránh việc giao phối cận huyết trong vườn thú. Và lần này các chuyên gia tại Copenhagen lại một lần nữa khẳng định quan điểm của mình khi cho rằng vườn thú cần trở nên “thực” hơn.
 

Phó Giáo sư Dalia Amor Conde và Bengt Holst, Giám đốc Nghiên cứu và Bảo tồn, Sở thú Copenhagen tại cuộc họp báo tại ESOF2014, Copenhagen, Đan Mạch. Ảnh: Anne Marie Lykkegaard/ESOF2014
 
Phó giáo sư bộ môn Sinh học tại Trung tâm Odense Max-Planck, Đại học Nam Đan Mạch, Dalia Amor Conde, cho biết: “Các vườn thú hiện nay thu hút công chúng bằng một số con thú đặc biệt. Tuy nhiên không phải động vật nào cũng dễ thương và số đông các động vật không được nhiều người biết đến. Điều này có nghĩa là một số lớn các loài chim, dơi, gặm nhấm hay lưỡng cư bị bỏ quên trong khi chúng lại cần đến chương trình bảo tồn. Vườn thú cần khách tham quan nhưng chúng ta cần thảo luận trách nhiệm của các vườn thú đối với những con vật “kém dễ thương” và cách vườn thú khơi gợi sự quan tâm của công chúng.”

Theo bà Daila, trường hợp tuyệt chủng gần đây nhất là loài dơi đặc hữu tại Đảo Giáng Sinh (Christmas Island) nhưng không hề có một trang báo nào đề cập đến. Bà còn cho biết thêm hiện nay tốc độ tuyệt chủng của các loài vật đã tăng đến hơn 300 lần so với tốc độ thông thường. Bà nhấn mạnh: “Chúng ta cần phải bảo vệ Ngân hàng Thế giới thực sự, ngân hàng của các nguồn gen động thực vật trên thế giới”.

Một trong những giải pháp được đề cập trong buổi họp báo này là tăng cường hợp tác giữa các vườn thú tại các quốc gia khác nhau. Ông Bengt Holst, Giám đốc Nghiên cứu và Bảo tồn tại Vườn thú Copenhagen phát biểu: “Luật lệ chặt chẽ hiện nay phát huy hiệu quả trong việc ngăn cản buôn bán lậu động vật hoang dã. Tuy nhiên, nó cũng ngăn chặn việc trao đổi động vật giữa các vườn thú trên thế giới. Đó là điều chúng ta cần phải xem xét lại.”
Hoàng Mi

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả