SpStinet - vwpChiTiet

 

Doanh nghiệp cần quan tâm thực sự đến đổi mới sáng tạo, ứng dụng KH&CN

Ngày 24/11, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM phối hợp cùng kênh truyền hình Kinh tế - Tài chính FBNC và Tạp chí Khám Phá tổ chức tọa đàm “Ứng dụng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp nhà nước”. Các chủ đề thảo luận tập trung vào cải thiện năng suất lao động, đổi mới sáng tạo, sở hữu trí tuệ, tiết kiệm năng lượng, nhằm tìm kiếm những giải pháp cụ thể để đưa khoa học và công nghệ (KH&CN) trở thành một thành tố quan trọng trong quá trình tái cấu trúc các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhà nước trên địa bàn TP.HCM.

Theo ông Trịnh Minh Tâm (Phó Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM), trong bối cảnh toàn cầu hóa và cạnh tranh gay gắt, KH&CN đã và đang đóng vai trò quan trọng, trở thành công cụ chiến lược giúp các quốc gia phát triển. Không nằm ngoài xu hướng chung, trong những năm gần đây, Việt Nam đã có nhiều chính sách pháp luật hướng đến khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nhà nước (DNNN) nói riêng tăng cường các hoạt động KH&CN nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của mình. Riêng tại TP.HCM, giai đoạn 2013 - 2015, Sở KH&CN đã triển khai việc xây dựng Chương trình “Ứng dụng KH&CN của doanh nghiệp” tại 91 doanh nghiệp nhà nước do thành phố quản lý. Tuy nhiên đánh giá chung, việc xây dựng Chương trình ứng dụng KH&CN của các DNNN trên địa bàn vẫn chưa như kỳ vọng. Đa phần các doanh nghiệp xây dựng và ứng dụng chương trình KH&CN chủ yếu theo chỉ đạo của UBND Thành phố, với nội dung còn sơ sài, đơn giản, chưa nhận thấy được sự cần thiết của việc ứng dụng KH&CN.
 
Các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm về ứng dụng KH&CN, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp. Ảnh: LV.

Ông Huỳnh Kim Tước (Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng TP.HCM) cho rằng, khó khăn lớn nhất trong việc ứng dụng KH&CN vào doanh nghiệp nhà nước là sự chia sẻ, điều tiết về tầm nhìn giữa nhà nước và doanh nghiệp. KH&CN phải đi trước, nhưng không phải chủ trương nào của Sở KH&CN về việc đi trước cũng được doanh nghiệp hưởng ứng. Cụ thể, Sở đã chuẩn bị cho việc nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao năng suất, chất lượng từ 15 năm trước cho 600 doanh nghiệp trên địa bàn. Tuy nhiên, doanh nghiệp ít khi tham dự các buổi giới thiệu công nghệ, bởi đa phần họ muốn giải quyết các vấn đề trước mắt thay vì bài toán bền vững. Đặc thù của doanh nghiệp là chưa quan tâm ứng dụng KH&CN khi vẫn còn vận hành được, chỉ khi sự tồn vong bị đe dọa trực tiếp thì mới chịu thay đổi. Do vậy, khi đã không thực sự quan tâm giải quyết bài toán phát triển bền vững thì sẽ không thấy được những tác động của công nghệ đến doanh nghiệp. Những doanh nghiệp nào có tầm nhìn tốt thì thích nghi và thay đổi rất nhanh.
 
Theo bà Huỳnh Thị Thu Hằng (Giám đốc Công ty Nhân Khang), với áp lực hiện nay, các doanh nghiệp bắt buộc phải đổi mới sáng tạo để đáp ứng yêu cầu của khách hàng và lợi ích của các cổ đông. Đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp bắt đầu từ chiến lược và năng lực thực thi. Trong đó, năng lực thực thi được xác định là nòng cốt để doanh nghiệp tiến hành đổi mới sáng tạo, chiếm tới 90%, còn chiến lược chỉ chiếm 10%.
 
Các ý kiến chia sẻ tại buổi tọa đàm cũng cho rằng, hoạt động chuyển giao, đổi mới công nghệ, quản lý chất lượng, sở hữu trí tuệ, đổi mới sáng tạo,… đang ngày càng là yếu tố quan trọng tác động đến năng suất, sức cạnh tranh và hiệu quả sản xuất của các doanh nghiệp, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế như hiện nay. Vì vậy, để thực sự đưa khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành động lực phát triển, rất cần sự tham gia mạnh mẽ, thực chất từ cộng đồng doanh nghiệp. Đây là lực lượng chính yếu trong công tác đầu tư và  ứng dụng KH&CN trong sản xuất, kinh doanh.
 
 
Mọi thứ đã sẵn sàng, các chính sách, chương trình hỗ trợ ứng dụng KH&CN cũng đã có. Vấn đề chính là doanh nghiệp cần phải thay đổi thực sự, trong đó tư duy của lãnh đạo rất quan trọng để doanh nghiệp tiếp cận, ứng dụng KH&CN, đổi mới sáng tạo.
Lam Vân

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả