SpStinet - vwpChiTiet

 

Đánh giá rủi ro thuốc bảo vệ thực vật thông qua chỉ số tác động môi trường trong canh tác lúa ở huyện Thoại Sơn – An Giang

Nhóm tác giả Lê Quốc Tuấn, Phạm Thị Bích Diễm (Khoa Môi trường và Tài nguyên, Trường Đại học Nông lâm TP.HCM) tiến hành nghiên cứu nhằm đánh giá tình hình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) của người dân; tính toán mức độ rủi ro có thể xảy ra cho con người và môi trường tại 3 xã Phú Hòa, Phú Thuận và Vĩnh Khánh thuộc huyện Thoại Sơn, An Giang thông qua chỉ số tác động môi trường EIQ; xác định các yếu tố ảnh hưởng đến chỉ số EIQ, qua đó đưa ra một số giải pháp giảm thiểu rủi ro từ thuốc BVTV cho người dân canh tác lúa tại Thoại Sơn, An Giang.

Theo đó, trên địa bàn ba xã đã sử dụng tổng cộng 20 thương phẩm thuốc với 22 hoạt chất khác nhau. Trong các loại thuốc được sử dụng tại Phú Thuận, tỷ lệ thuốc trừ sâu và trừ bệnh là ngang nhau, chiếm 40%, nhóm thuốc trừ cỏ và trừ ốc chiếm tỷ lệ nhỏ. Đối với hai xã Phú Hòa và Vĩnh Khánh thì tỷ lệ thuốc trừ sâu cao hơn thuốc trừ bệnh. Cả ba xã đều không sử dụng thuốc sinh học, mà toàn bộ loại thuốc dùng đều có nguồn gốc hóa học. Bên cạnh đó, tuy là không có thuốc thuộc nhóm độc I, nhưng tỷ lệ thuốc thuộc nhóm độc II, III vẫn chiếm tỷ lệ cao, trên 60 %, còn thuốc nhóm IV ít độc hại thì ít được sử dụng hơn. Đây chính là nguyên nhân tiềm ẩn tạo ra rủi ro thuốc BVTV rất lớn.

Qua kết quả tính toán EIQ ở ba xã của vùng nghiên cứu cho thấy, giá trị EIQ trung bình ở hai xã Phú Hòa và Phú Thuận tương đối cao, đặc biệt là ở Phú Thuận, EIQ lên tới 124,7 đối với các hộ dân không sản xuất theo mô hình 1 phải 5 giảm. Ở mức EIQ này thì tác động của thuốc BVTV lên sức khỏe con người cũng như môi trường là rất lớn. Bên cạnh đó, liều lượng phun của những hộ không sản xuất theo mô hình luôn luôn cao hơn những hộ sản xuất theo mô hình, thường là gấp 1,5 – 2 lần, đây là lý do giá trị EIQ đồng ruộng ở những hộ này luôn cao. Kết quả này phản ánh một phần thực tế đáng lo ngại tại các địa phương trong việc tự ý gia tăng nồng độ phun xịt không đúng kỹ thuật (điều này không chỉ không hiệu quả, chi phí cao, gây hại cho môi trường mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe người phun thuốc).

Để góp phần giảm các rủi ro từ thuốc BVTV cho người dân, đề tài đưa ra một số giải pháp: tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV cho người dân địa phương; đăng tải thông tin tuyên truyền về sử dụng thuốc BVTV trên các phương tiện thông tin (đài phát thanh, tivi…), lồng ghép vào các buổi họp ấp, thôn…; liên kết với các hộ nông dân sản xuất giỏi, có uy tín để truyền đạt kinh nghiệm sản xuất cho các hộ khác, khuyến khích người dân tham gia sản xuất theo mô hình “1 phải 5 giảm”, vừa kinh tế vừa giảm rủi ro cho người nông dân; các cơ quan có liên quan về BVTV, trên cơ sở EIQ lý thuyết đã có, lập danh mục tra cứu để nông dân có thể áp dụng vào việc lựa chọn các loại thuốc để trừ được sâu bệnh và giảm thiểu rủi ro cho con người và hệ sinh thái.
LV (HN KHCN ĐH Tài nguyên và Môi trường TP. HCM lần 2-2014)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả