SpStinet - vwpChiTiet

 

Chương trình điện gió ngoài khơi nước Mỹ khá phức tạp

Theo báo cáo của Hiệp hội Năng lượng gió Mỹ, trong hơn thập kỷ qua, năng lượng điện gió ở Mỹ đã tăng gấp ba lần, trở thành nguồn năng lượng tái tạo lớn nhất ở nước này. Có hơn 56.800 tua-bin gió ở 41 tiểu bang và vùng lãnh thổ, cung cấp hơn 6% lượng điện toàn nước Mỹ, tạo ra hơn 105.000 việc làm và thu hút hàng tỷ đô la đầu tư tư nhân và đầu tư công.

Trong khi phần lớn sản lượng điện gió được tạo ra trên đất liền (mới chỉ có một trang trại điện gió thương mại nhỏ ngoài khơi đảo Rhode), Bộ Năng lượng Mỹ (DOE) lại đưa ra một kế hoạch đầy tham vọng để mở rộng ngành điện gió của Mỹ ở ngoài khơi. 

Trong bài viết trên tạp chí Nature Sustainability, Tomer Fishman, cựu nghiên cứu sinh tại Trường Nghiên cứu Môi trường & Lâm nghiệp Yale (F&ES), hiện là giảng viên tại Đại học IDC Herzliya ở Israel, và Thomas Graedel, giáo sư danh dự tại F&ES, đã phản biện kế hoạch của DOE, đặc biệt là khả năng cung ứng kim loại đất hiếm để tạo ra các tua-bin gió ngoài khơi, cùng các vấn đề về môi trường, kinh tế và địa chính trị.

Theo Tomer Fishman, loại tua-bin đang sử dụng ở đảo Rhode rất lớn. Nó cao bằng Đài tưởng niệm Washington và có đường kính cánh tua-bin lớn hơn cả một sân bóng đá. Các tua-bin này cần có loại nam châm cực mạnh, sử dụng neodymium, một kim loại đất hiếm, với một lượng cực lớn, lên đến khoảng 2.000 pound cho mỗi nam châm. Gần như phần lớn neodymium trên thế giới được khai thác ở Trung Quốc, với chi phí rẻ và các quy định về môi trường ít nghiêm ngặt. Các nam châm được chế tạo tại Nhật Bản, sau đó được chuyển đến Pháp để lắp vào các tua-bin. Trong quá trình triển khai, nhiều vấn đề có thể tác động, ví dụ như rạn nứt quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có thể gây ra điểm nghẽn. Hơn thế, kế hoạch của DOE cũng chưa xem xét đến khả năng sẵn sàng cung ứng neodymium. Trước đây Mỹ đã khai thác neodymium tại mỏ đất hiếm Mountain Pass ở California. Nhưng những rắc rối về tài chính và các vấn đề môi trường đã khiến hoạt động này bị đình trệ cách đây vài năm.

Trong bài báo của mình, Fishman và Graedel tìm cách giải quyết các vấn đề trong kế hoạch của DOE. Họ thấy rằng, chương trình xây dựng và lắp đặt các tua-bin gió ngoài khơi là khá phức tạp, gia tăng các vấn đề về sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nhu cầu khu vực và khả năng tái chế của công nghệ tua-bin, đặc biệt là tái sử dụng neodymium.

Fishman nói: "Bất kể các mối quan hệ chính trị như thế nào, năng lượng gió trên đất liền đã gặt hái thành công ở Mỹ. Chúng tôi không dám chắc năng lượng điện gió ngoài khơi sẽ phát triển ở Mỹ, nhưng cũng có nhiều yếu tố tích cực”.

"Chúng tôi đang tạo ra một lộ trình để thiết lập các quy mô sản xuất theo thời gian", Fishman nói thêm: "Do tiếp cận sớm, chúng tôi có điều kiện để làm đúng ngay từ đầu và có thể nghiên cứu nhiều hơn. Đây là điểm khởi đầu thuận lợi."

N.K (CESTI) - Theo sciencedaily.com

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả