SpStinet - vwpChiTiet

 

Giải pháp “Bẫy ung thư” được cấy ghép dưới da có thể thay thế thủ thuật sinh thiết để phát hiện ung thư

Một trong những nguyên nhân chính khiến căn bệnh ung thư trở nên nguy hiểm là khả năng lây lan, di căn khắp cơ thể. Chính vì vây, việc tầm soát ung thư là rất quan trọng. Mới đây, các nhà nghiên cứu đến từ trường Đại học Michigan, Hoa Kỳ đã phát triển giải pháp bẫy ung thư bằng phương pháp cấy ghép ngay dưới da thay vì thực hiện thủ thuật sinh thiết gây xâm lấn các bộ phận cơ thể. Trong các thử nghiệm trên chuột, bẫy ung thư đã lưu được các dấu ấn sinh học mà qua đó, các bác sĩ có thể nhận biết dấu hiệu của bệnh ung thư (nếu có) hoặc trong trường hợp bệnh đang trong tình trạng di căn hay thậm chí trong giai đoạn ủ bệnh.

Sinh thiết là thủ thuật có độ chính xác cao, được thực hiện bằng việc lấy một mẫu mô nhỏ từ bất cứ vị trí nào trên cơ thể người bệnh để phân tích và kiểm tra sự bất thường về chức năng hoặc sự thay đổi cấu trúc tế bào bất thường. Đây là thủ tục mang lại cảm giác khó chịu cho người bệnh nhưng lại rất cần thiết, giúp chẩn đoán ung thư chính xác hơn hoặc theo dõi tiến triển của bệnh. Trong nghiên cứu mới, các nhà khoa học đã tìm ra giải pháp đưa các dấu ấn sinh học đến gần bề mặt lớp da vốn là vị trí ít xâm lấn để tiếp cận chúng.

Nhóm nghiên cứu đã tạo ra các “giàn giáo bằng vật liệu sinh học tổng hợp” có khả năng kích thích mô phát triển ở đó. Các chuyên gia sau đó có thể lấy sinh thiết của những mô mới phát triển này để chẩn đoán ung thư hoặc kiểm tra mức độ hiệu quả của phương pháp điều trị đang được áp dụng ở thời điểm hiện tại.

Lonnie Shea, tác giả chính của nghiên cứu cho biết “Sinh thiết phổi là một thủ tục đầy rủi ro. Chúng tôi đặt những “giàn giáo” này ngay bên dưới lớp da của người bệnh nên việc phân tích, kiểm tra có thể dễ dàng được thực hiện”.

Các “giàn giáo” hoạt động bằng cách thu hút và bẫy các tế bào miễn dịch đến vị trí mục tiêu. Ngay sau đó, các tế bào ung thư (nếu có trong cơ thể) cũng sẽ bắt đầu kéo đến và tập hợp ở đó. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu nhận thấy rằng việc chờ đợi sự xuất hiện của các tế bào ung thư để chẩn đoán bệnh là không thực sự cần thiết.

Theo ông Shea, ý tưởng ban đầu của nghiên cứu là sẽ sinh thiết “giàn giáo” và tìm kiếm các tế bào khối u ung thư bám theo các tế bào miễn dịch tại vị trí mục tiêu. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận ra rằng họ vẫn có thể phát hiện dấu hiệu của bệnh ung thư trước khi các tế bào ung thư di căn đến các bộ phận khác của cơ thể bằng phương pháp phân tích các tế bào miễn dịch tập hợp ngay thời điểm đầu tiên.

Trong các thử nghiệm trên chuột, nhóm nghiên cứu đã tiến hành sinh thiết các giàn giáo và phân tích 635 gen trong các tế bào bị thu giữ tại giàn giáo. Sau đó, họ đã xác định được 10 trong số các gen này đóng vai trò là dấu ấn sinh học qua đó cho biết cá thể chuột đó có mắc bệnh ung thư hay không, và nếu mắc thì tình trạng bệnh đang ở giai đoạn nào, đã di căn hay chưa. Kỹ thuật này có thể được áp dụng hiệu quả đối với nhiều loại ung thư khác nhau, trong đó có bệnh ung thư tuyến tụy.

Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng nhấn mạnh rằng thiết bị mới cũng có thể được sử dụng để theo dõi mức độ đáp ứng với điều trị ung thư của bệnh nhân theo thời gian thực, trong khi nếu thực hiện thủ tục sinh thiết thông thường có thể mất thời gian. Trong các thử nghiệm khác, thiết bị được chứng minh có khả năng thực sự làm hạn chế sự phát triển của các khối u di căn mới bằng cách bẫy các tế bào ung thư trên đường chúng di chuyển đến các vị trí mới trong cơ thể.

Các nhà nghiên cứu cho biết những “giàn giáo” này có thể được chế tạo để theo dõi sức khỏe điện tử trong thời gian dài hơn. Với thiết bị cảm biến chuyên dụng và Bluetooth, các chuyên gia có thể theo dõi sự xuất hiện hoặc phát triển các tế bào ung thư, từ đó, gửi tín hiệu cảnh báo đến bệnh nhân và bác sĩ trong trường hợp phát hiện dấu hiệu bất thường mà không cần thực hiện thủ thuật sinh thiết.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Cancer Research.

P.K.L

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả