SpStinet - vwpChiTiet

 

Triển vọng trong việc tạo ra vaccine phòng sốt rét

Nhóm nghiên cứu của Đại học Yale đã tạo ra một loại vaccine có khả năng chống lại bệnh sốt rét trên chuột thí nghiệm, mở ra khả năng phát triển vaccine dùng cho con người. Loại vaccine này nhắm đến loại protein mà ký sinh trùng sốt rét dùng để đánh lừa hệ miễn dịch. Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Nature Communications.

Sốt rét là căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đứng thứ hai thế giới, khiến hơn nửa triệu người tử vong vào năm 2013. Cho đến nay, căn bệnh này vẫn chưa có vaccine điều trị dứt điểm và hệ miễn dịch của những người bị nhiễm chỉ có thể chống lại một phần các triệu chứng bệnh. Trong một nghiên cứu trước đây, bác sỹ Richard Bucala đã mô tả về một loại protein được tạo ra bởi ký sinh trùng sốt rét gọi là PMIF (Plasmodium macrophage migration inhibitory factor). Protein này có chức năng ngăn chặn bộ nhớ của các tế bào miễn dịch (tế bào T) phản ứng với các mối đe dọa và bảo vệ cơ thể, chống lại việc tái nhiễm bệnh.

Trong nghiên cứu mới này, Bucala và các cộng sự của ông đã hợp tác với Công ty Dược phẩm Novartis Vaccine để thử nghiệm loại vaccine dựa trên RNA, được tạo ra để nhắm vào PMIF. Đầu tiên, họ quan sát những con chuột nhiễm sốt rét có protein PMIF bị vô hiệu hóa thì thấy rằng, ở những con chuột này, tế bào T có khả năng miễn dịch chống lại ký sinh trùng mạnh hơn.

Tiếp theo, nghiên cứu sử dụng hai mẫu chuột bị sốt rét để kiểm tra tính hiệu quả của vaccine PMIF. Một mẫu bị nhiễm giai đoạn đầu ở gan do ký sinh trùng từ muỗi, và mẫu còn lại bị nhiễm trùng máu nghiêm trọng ở giai đoạn cuối. Ở cả hai mẫu chuột thí nghiệm, vaccine đều cho thấy hiệu quả trong việc ngăn chặn sự tái nhiễm bệnh. Ở thí nghiệm cuối cùng, các nhà nghiên cứu đã chuyển các tế bào T từ những con chuột bệnh đã được tiêm vaccine sang những con chuột chưa từng bị nhiễm bệnh sốt rét. Kết quả là, các con chuột chưa từng bị nhiễm bệnh cũng được bảo vệ.

Nghiên cứu này cho thấy, PMIF rất quan trọng để hoàn thành chu trình sống của ký sinh trùng, vì nó giúp lan truyền bệnh cho các vật chủ mới, đồng thời cũng chứng minh cho hiệu quả của loại vaccine kháng PMIF.

Bucala cho biết: "Nếu tiêm chủng bằng protein PMIF được ký sinh trùng sốt rét sử dụng để tránh phản ứng miễn dịch, bạn có thể không bị tái nhiễm sốt rét. Theo hiểu biết của chúng tôi, đây là điều mà các đơn kháng nguyên trong điều trị bệnh nhiễm trùng máu cấp tính như sốt rét chưa từng làm được."

Nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục phát triển vaccine cho những người chưa từng bị sốt rét, đặc biệt là trẻ nhỏ. “Vaccine sẽ được sử dụng ở trẻ em để chúng có đề kháng với bệnh sốt rét, và khi bị nhiễm bệnh, các tế bào T bình thường sẽ phản ứng và tiêu diệt sinh ký trùng sốt rét, đồng thời bảo vệ trẻ khỏi việc tái nhiễm trong tương lai.", Bucala nói.

Các nhà nghiên cứu cũng lưu ý rằng, do protein PMIF đã được bảo tồn bằng sự tiến hóa trong các chủng sốt rét khác nhau, nên hầu như ký sinh trùng sốt rét không thể có khả năng phát triển thêm để kháng lại loại vaccine này. Hơn nữa, nhiều loại bệnh truyền nhiễm (do ký sinh trùng khác) cũng tạo ra các protein tương tự MIF, nên phương pháp này cũng có thể ứng dụng cho các loại bệnh do ký sinh trùng gây nên mà vẫn chưa có vaccine phòng ngừa như, Leishmaniasis, Hookworm (bệnh giun móc chó) và Filariais (bệnh giun chỉ bạch huyết).

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả