SpStinet - vwpChiTiet

 

Sử dụng cây xanh để giảm thiểu ô nhiễm không khí trong nhà

Người dân ở các nước công nghiệp dành hơn 80% cuộc sống của họ trong nhà, và ngày càng nhiều hơn trong các tòa nhà cao tầng khép kín. Những công trình này sử dụng ít năng lượng hơn để sưởi ấm, thông gió và điều hòa không khí, nhưng chúng có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe con người nếu tích lũy các hạt bụi và khí độc như cacbon monoxide, ozone và các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi từ đồ gỗ, sơn, thảm, và thiết bị văn phòng. Trong khi cây xanh có khả năng hấp thụ độc tố và cải thiện chất lượng không khí trong nhà, điều đáng ngạc nhiên là, những tác dụng của cây xanh và cách thức dùng cây xanh để cải thiện không khí lại ít được người ta biết đến.

Trong một bài viết ngày 19/4 trên tạp chí Trends in Plant Science, Frederico Brilli, nhà sinh lý học thực vật của Hội đồng nghiên cứu quốc gia Italy thuộc Viện Bảo vệ thực vật bền vững, và các đồng nghiệp đã kết luận rằng, hiểu biết tốt hơn về sinh lý học thực vật, chúng ta có thể cải thiện chất lượng không khí trong nhà một cách hiệu quả và bền vững cùng với công nghệ làm sạch không khí kiểm soát bằng cảm biến thông minh.

Cây xanh cải thiện chất lượng không khí thông qua một số cơ chế: cây hấp thụ carbon dioxide và giải phóng oxy thông qua quá trình quang hợp, chúng làm tăng độ ẩm không khí bằng cách thoát hơi nước ra qua các khí khổng và thụ động hấp thu các chất gây ô nhiễm trên bề mặt lá và hệ thống rễ cây. Nhưng thực vật thường được người ta chọn trồng trong nhà là loại có hình thức đẹp, dễ sống và không tốn công chăm sóc, mà không phải vì khả năng lọc không khí của chúng. "Đối với hầu hết chúng ta thực vật chỉ là đồ trang trí, nhưng thực ra, chúng còn có những tác dụng khác." Brilli nói.

Rất ít nghiên cứu được thực hiện để định lượng ảnh hưởng của các loài thực vật khác nhau đối với chất lượng không khí trong nhà. NASA đã đi tiên phong trong lĩnh vực này vào những năm 1980, nhưng họ chỉ thực hiện qua một phương pháp thử nghiệm đơn giản, còn nghiên cứu với các phương pháp, mô hình hiện đại hóa và phức tạp hơn vẫn chưa được thực hiện. Việc nghiên cứu sâu hơn rất cần thiết để xác định đặc điểm của các loài thực vật có hiệu quả lọc khí cao trong nhà, bao gồm cả hình thái (hình dạng và kích thước lá), giải phẫu và sinh lý học (tỷ lệ đồng hóa CO2). Theo Brilli, những nghiên cứu như vậy có thể chỉ ra cách "tối ưu hóa việc sử dụng cây xanh trong nhà, ví dụ như trồng bao nhiêu cây xanh/m2 để giảm thiểu ô nhiễm không khí ở mức độ nhất định."

Cũng cần  nghiên cứu thêm về các quần thể vi sinh vật (vi khuẩn và nấm) sống chung với thực vật cả trong đất và trên bề mặt lá, vì các vi sinh vật này cũng tham gia vào việc loại bỏ chất gây ô nhiễm không khí, nhưng sự đóng góp của chúng hiện chưa được biết đến nhiều. Một số vi sinh vật cũng có thể có tác động tiêu cực đến sức khỏe con người, gây dị ứng và các vấn đề như viêm phổi. Do đó, biết cách xác định và tránh những điều đó là rất quan trọng.

Brilli và các đồng nghiệp không coi cây xanh có thể thay thế cho hệ thống sưởi, thông gió và điều hòa không khí hiện đại, nhưng họ cho rằng việc phối hợp cây xanh với mạng cảm biến thông minh và các công nghệ máy tính khác có thể giúp cho không khí sạch hơn, với chi phí hiệu quả và bền vững. "Các nhà sinh lý học thực vật nên làm việc với các kiến ​​trúc sư để cải thiện mảng xanh trong các tòa nhà", Brilli nói.

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả