SpStinet - vwpChiTiet

 

Phát hiện hành tinh mới kỳ lạ

Theo thông tin từ tạp chí Science, các nhà thiên văn học của Đại học Arizona vừa phát hiện ra HD 131399Ab, một hành tinh kì lạ quay xung quanh một ngôi sao có sự tương tác về lực hấp dẫn với hai ngôi sao khác, tạo thành một “vở ballet trên vũ trụ” vô cùng ngoạn mục.

Phát hiện này đang đặt ra thách thức đối với những quan điểm phổ biến hiện nay về những yếu tố khả dĩ cấu thành nên một hệ hành tinh.

Với ba ngôi sao, hành tinh này sẽ có hai mùa trong một năm, trong đó một mùa sẽ có ba lần mặt trời mọc và ba lần mặt trời lặn mỗi ngày; mùa còn lại chỉ có ánh sáng triền miên. Do quỹ đạo của hành tinh này rất rộng nên mỗi mùa có thể kéo dài 550 năm ở Trái đất.

Hành tinh HD 131399Ab lớn gấp bốn lần so với sao Mộc, hành tinh lớn nhất trong hệ mặt trời, và có vận tốc di chuyển quanh quỹ đạo nhanh gấp hai lần so với vận tốc di chuyển của sao Diêm Vương quanh mặt trời. Hệ ba ngôi sao này nằm tại chòm sao Centaurus, cách Trái đất khoảng 340 năm ánh sáng.

Trước đây, các nhà thiên văn học đã phát hiện ra nhiều hành tinh trong các hệ nhiều sao, nhưng chưa từng gặp một hành tinh nào có quỹ đạo lớn như vậy. Đây cũng là một trong số ít các hành tinh bên ngoài hệ mặt trời có thể quan sát trực tiếp bằng kính viễn vọng.

Tuy tuổi đời còn tương đối trẻ, khoảng 16 triệu năm (trong khi tuổi đời của Trái đất là 4,5 tỉ năm), song dường như hành tinh này đã trải qua một thời gian vận động và biến đổi liên tục. Các nhà khoa học cho rằng ban đầu, hành tinh này có quỹ đạo gần hơn với hai ngôi sao mẹ, nhưng về sau bị lực hấp dẫn đẩy ra xa.

HD 131399Ab được phát hiện từ kính Very Large Telescope ở Đài thiên văn của châu Âu ở Nam bán cầu đặt tại miền Bắc Chile.
 
Nguồn: http://tiasang.com.vn

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả