SpStinet - vwpChiTiet

 

Nghiên cứu mối tương quan giữa liều điều trị và nồng độ thuốc chống lao trong huyết tương bệnh nhân lao phổi

Đề tài do các tác giả Lê Thị Luyến (Vụ Khoa học và đào tạo, Bộ Y tế), Chu Thị Minh (Bệnh viện Lao và bệnh phổi Trung ương) thực hiện nhằm xác định mối tương quan giữa liều điều trị và nồng độ rifampicin (RMP), isoniazid (INH) và pyrazinamid (PZA) trong huyết tương.
Nghiên cứu tiến hành với 92 bệnh nhân lao phổi AFB (+) điều trị nội trú tại Bệnh viện Lao và bệnh phổi Trung ương năm 2008. Mẫu huyết tương được lấy ở thời điểm 2h sau khi uống ở khoảng ngày điều trị 5-7. Nồng độ thuốc trong huyết tương được định lượng bằng phương pháp sắc ký lỏng hiệu năng cao. Xác định liều điều trị theo mg/kg thể trọng, hệ số tương quan r và phân tích tương quan đơn biến giữa liều điều trị và nồng độ thuốc.
Kết quả, nồng độ RMP, INH, PZA trong huyết tương ở thời điểm 2h sau khi uống có mối tương quan thuận với liều điều trị tính theo mg/kg thể trọng ở mức độ yếu (r từ 0,22 – 0,29), chỉ số β. coefficient của RMP là 0,705, INH là 0,482, PZA là 0,774. Có sự khác biệt rất lớn giữa các cá thể về nồng độ thuốc đạt được trong huyết tương ở thời điểm 2h sau khi uống mặc dù được điều trị cùng liều như nhau. Như vậy, nồng độ thuốc trong huyết tương liên quan ở mức độ yếu với liều điều trị trong phạm vi liều khuyến cáo tính theo mg/kg thể trọng. Có sự khác biệt rất lớn giữa các cá thể về nồng độ thuốc đạt được trong huyết tương ở thời điểm 2h sau khi uống mặc dù được uống cùng liều như nhau. Kết quả nghiên cứu này cho thấy, sự dao động lớn về nồng độ thuốc trong huyết tương là một trong các nguyên nhân có những bệnh nhân đáp ứng kém với điều trị. Để góp phần nâng cao hiệu quả điều trị bệnh lao, cần xem xét nghiên cứu hiệu chỉnh liều điều trị cho những bệnh nhân có nguy cơ đáp ứng kém.
LV (nguồn: TC Y học thực hành, số 4-2010)

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả