SpStinet - vwpChiTiet

 

Bốn đề cử cho Giải thưởng Tạ Quang Bửu

Sáng 29/4, Hội đồng Giải thưởng Tạ Quang Bửu cho nghiên cứu cơ bản trong khoa học tự nhiên đã họp phiên cuối để thảo luận chung quanh bốn đề cử trước khi bỏ phiếu chọn ra người nhận giải vào ngày 17/5 tới.
 
 
Toàn cảnh phiên họp sáng 29/4 của Hội đồng Giải thưởng Tạ Quang Bửu. Ảnh: TT

Phiên họp do GS Ngô Việt Trung, Chủ tịch Hội đồng giải thưởng, điều khiển. Tham dự có tám thành viên Hội đồng - trong đó GS Ngô Bảo Châu và PGS Phạm Chí Vĩnh tham dự trực tuyến - cùng giám đốc và phó giám đốc Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NAFOSTED).

Ông Đỗ Tiến Dũng, giám đốc NAFOSTED, cho biết, tính đến ngày 31/12/2013, NAFOSTED đã nhận được 52 hồ sơ đề nghị xét tặng giải thưởng thuộc bảy chuyên ngành khoa học tự nhiên. Tháng 3/2014, Hội đồng Giải thưởng đã họp và đề xuất bốn hồ sơ, đều thuộc hạng mục chính - nhà khoa học có công trình nghiên cứu cơ bản xuất sắc - bao gồm:

- GS.TS. Nguyễn Bá Ân (Trung tâm Vật lý lý thuyết, Viện Vật lý) với công bố "Joint remote state preparation via W and W-type states" trên Optics Communications 283, 4113 (2010).

- PGS. TSKH Phạm Đức Chính (Viện Cơ học) với công bố "Bounds on the effective conductivity of  statisticallyisotropic multicomponent materials  and random cell polycrystals" trên Journal of the Mechanics and Physics of Solids  59,  497-510 (2011)

- GS.TS Phạm Hùng Việt và  PGS.TS Phạm Thị Kim Trang (Trung tâm Nghiên cứu Công nghệ Môi trường và Phát triển bền vững, ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội) với công bố "Retardation of arsenic transport through a leistocene aquifer" trên Nature 501, 204–207

- GS.TSKH Nguyễn Hữu Việt Hưng (KhoaToán, ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội) với công bố "The homomorphisms between the Dickson-Mùi algebras as modules  over the Steenrod algebra" trên Mathematische Annalen 353 (2012), 827-866.

Như vậy, trong lần trao giải đầu tiên này, các hạng mục dành cho nhà khoa học Việt Nam hoặc nước ngoài có công hỗ trợ, đẩy mạnh nghiên cứu cơ bản và phát triển nguồn nhân lực KH&CN của Việt Nam và nhà khoa học trẻ dưới 30 tuổi có công trình nghiên cứu xuất sắc chưa tìm được ứng viên nào.

Theo quy chế, kết quả bỏ phiếu chỉ được chấp nhận nếu đạt quá bán và sẽ được giữ kín cho đến lễ trao giải tại trụ sở Bộ KH&CN ngày 17/5 tới.

GS Ngô Việt Trung cho rằng, do thời gian xét giải khá cấp tập nên ý định mỗi hồ sơ đề cử ít nhất phải có một phản biện độc lập từ nước ngoài đã không thực hiện được. Bên cạnh đó, ông cho rằng, quy định giải dành cho nhà nghiên cứu trẻ dưới 30 tuổi là ít khả thi vì ở độ tuổi này, nhà nghiên cứu khó lòng có công trình xuất sắc, nếu nâng độ tuổi lên 35 thì năm nay đã có thể có vài đề cử xứng đáng từ lĩnh vực hóa học. Theo ông, đây sẽ là những điểm cần rút kinh nghiệm cho việc xét Giải thưởng Tạ Quang Bửu những năm tiếp theo.

Giải thưởng Tạ Quang Bửu là giải thưởng đầu tiên của Bộ KH&CN nhằm tôn vinh các cá nhân nhà khoa học  và các công trình nghiên cứu cơ bản trong lĩnh vực khoa học tự nhiên.

Giải thưởng trị giá ít nhất 200 triệu đồng sẽ được trao hằng năm cho từ một đến ba cá nhân nhà khoa học có công trình nghiên cứu xuất sắc trong các lĩnh vực: Toán học, Khoa học máy tính và thông tin, Vật lý, Hóa học, Khoa học trái đất và môi trường; Sinh học... trong vòng năm năm tính đến thời gian nhận hồ sơ.

Ngoài ra, còn có hai hạng mục giải thưởng khác dành cho nhà khoa học Việt Nam hoặc nước ngoài có công hỗ trợ, đẩy mạnh nghiên cứu cơ bản và phát triển nguồn nhân lực KH&CN của Việt Nam (trị giá 100 triệu đồng) và nhà khoa học trẻ dưới 30 tuổi có công trình nghiên cứu xuất sắc (trị giá 50 triệu đồng).

NAFOSTED là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm đánh giá, đề xuất các cá nhân được xét, tặng giải thưởng.
Nguồn: Tạp chí Tia Sáng

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả