SpStinet - vwpChiTiet

 

Việt Nam sẽ có quỹ đầu tư mạo hiểm cho khoa học

Bộ Khoa học và Công nghệ đang thí điểm xây dựng quỹ đầu tư mạo hiểm vào năm 2014, nhằm giúp "Đề án Thung lũng Silicon của Mỹ" được thực hiện thành công ở Việt Nam và đưa nghiên cứu vào ứng dụng thực tiễn.
 

Bộ Khoa học và Công nghệ vừa khởi động Đề án thương mại hóa công nghệ theo mô hình Thung lũng Silicon (Silicon Valley) - nơi khởi nguồn của nhiều "đại gia" trong lĩnh vực khoa học công nghệ của Mỹ như Google, Microsoft... Bộ trưởng Nguyễn Quân đã có buổi trao đổi với báo chí xung quanh Đề án trên và lộ trình cũng như cách thức để xây dựng Đề án này thành công.

-  Thưa Bộ trưởng, tại sao Việt Nam lại chọn mô hình Silicon Valley của Mỹ, khi còn có rất nhiều mô hình này ở các nước phát triển khác như Pháp, Nga?

- Phần lớn người Việt Nam, đặc biệt là người làm khoa học đều biết tới Silicon Valley là nơi khởi thủy của nhiều "đại gia" trong lĩnh vực khoa học công nghệ của Mỹ. Google, Microsoft, rồi các hãng phần mềm khác, kể cả Apple đều khởi nguồn từ đây. Mô hình này thành công vì nó tạo được động lực cho các nhà khoa học có thể tự do sáng tạo và gắn liền với sự ra đời của doanh nghiệp khoa học công nghệ.

Silicon Valley thực chất là nơi tạo ra các công nghệ cao, công nghệ mới và hiện nó trở thành yếu tố phổ biến, chủ lực trong nền kinh tế toàn cầu. Công nghệ thông tin truyền thông ngày nay đều là kết quả từ Silicon Valley. Chúng ta không thể có thành tựu về thông tin di động nếu như chúng ta không sử dụng sản phẩm của Microsoft, hay Google. Vì thế mô hình của Silicon Valley là mô hình không pha trộn với mô hình khác, dù ta đang có những mô hình của nước Nga, Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản.

Bên cạnh đó, các đại gia từ Silicon Valley khởi thủy cũng là doanh nghiệp khoa học công nghệ với nguồn vốn lớn nhất của họ chính là tài sản trí tuệ, và nó được hình thành sau khi được hỗ trợ từ quỹ đầu tư mạo hiểm và hỗ trợ từ các doanh nghiệp khác.

Các quỹ đầu tư mạo hiểm thành công nhất là ở Silicon Valley nên chúng tôi đã mời các chuyên gia từ đây và từ Mỹ, đặc biệt là chuyên gia Việt Nam từng làm việc lâu năm tại đây làm cố vấn cho chương trình. Chúng tôi hy vọng với kinh nghiệm và thành công của họ, Việt Nam sẽ thành công.

- Các doanh nghiệp và nhà khoa học cần có điều kiện gì để tham gia vào Thung lũng Silicon?

- Về quy mô, việc tham gia của doanh nghiệp hay nhà khoa học sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào quỹ đầu tư mạo hiểm mà chúng tôi đang thí điểm xây dựng. Hiện nay, trong Luật Công nghệ cao đã đề cập đến quỹ này, nhưng vì một số ràng buộc khác của hệ thống luật pháp Việt Nam, đặc biệt là Luật Ngân sách Nhà nước khiến chưa thể đầu tư vào các quỹ đầu tư mạo hiểm.

Trước mắt, chúng tôi huy động và hoan nghênh mọi tổ chức, cá nhân đóng góp để xây dựng quỹ đầu tư mạo hiểm theo mô hình của Silicon Valley, chỉ cần họ có đam mê, có tiềm lực thật sự và chấp nhận rủi ro.

Về tiêu chí tham gia, chắc chắn là không hạn chế những nhà khoa học, doanh nghiệp có tinh thần khoa học đề xuất ý tưởng và tham gia vào dự án này. Nhưng tiêu chí đầu tiên rất quan trọng bắt buộc phải có tinh thần khoa học, ý chí của người làm doanh nghiệp quyết tâm đổi mới công nghệ, quyết tâm làm chủ công nghệ mới và dám hy sinh để đầu tư cho những người hoạt động nghiên cứu.

Tại Silicon Valley, người ta vẫn thường nói là có 10 dự án thì tới 9 dự án thất bại, may mới có một dự án thành công. Nhưng chỉ cần một dự án thành công đã mang lại lợi nhuận khổng lồ cho người đầu tư cũng như là nhà khoa học tham gia vào dự án. Vì vậy Silicon Valley vẫn tiếp tục phát triển.

- Như ông nói ở trên, thành công ở Silicon Valley chính là việc họ có nguồn vốn lớn tài sản trí tuệ. Tuy nhiên, ở Việt Nam câu chuyện “chảy máu chất xám” vẫn chưa dừng lại. Vậy làm thế nào để Việt Nam tập hợp đội ngũ trí tuệ thực hiện dự án?

- Để tập hợp được trí tuệ Việt Nam phải có hai yếu tố. Một là nhiệt huyết, đam mê của người làm khoa học. Thứ hai là điều kiện làm việc của giới khoa học trong nước làm sao không thua kém nhiều so với điều kiện làm việc ở nước ngoài.

Hiện xu hướng chảy máu chất xám là xu hướng mà chúng ta đang phải hết sức khắc phục. Bởi nếu chúng ta không tạo điều kiện, môi trường làm việc tốt nhất cho giới khoa học bên cạnh việc đãi ngộ vật chất thì chắc chắn các nhà khoa học rất khó yên tâm để làm khoa học, như vậy sẽ có rất ít sản phẩm khoa học đáp ứng cho sự phát triển kinh tế.

Chúng tôi hy vọng Luật Khoa học công nghệ mới với cơ chế chính sách mới thì giới khoa học sẽ được tạo điều kiện thuận lợi, cũng như là có môi trường nghiên cứu, ứng dụng khoa học tốt nhất để hạn chế phần nào vấn đề chảy máu chất xám. Đương nhiên ngay cả nước Mỹ hoặc cường quốc khác như Nhật, Ấn Độ, Nga… tình trạng chảy máu chất xám là không thể tránh khỏi.

Giới khoa học phải tìm đến nơi họ có thể cống hiến nhiều nhất, nhưng ngược lại chúng ta có thể thu hút họ quay trở về với đất nước nếu có điều kiện làm việc tốt và khơi gợi lòng yêu nước, sự đam mê và trách nhiệm của họ với đất nước.

- Nhưng cơ sở vật chất ở Việt Nam còn đang hạn chế. Theo ông, Việt Nam cần làm gì để có thể đạt điều kiện giống như Silicon Valley?

- Việt Nam là nước đang phát triển, nên đầu tư của nhà nước và xã hội cho khoa học công nghệ còn rất hạn chế. Việt Nam cũng chưa có được các cơ sở nghiên cứu hùng mạnh với trang thiết bị hiện đại và đủ sức thu hút giới khoa học.

Nhưng Silicon Valley lúc mới thành lập cũng có điều kiện khiêm tốn. Vấn đề ở chỗ là cả giới doanh nghiệp, khoa học quan tâm đến nó thế nào và Việt Nam có cơ chế tạo ra quỹ đầu tư mạo hiểm để hỗ trợ nghiên cứu ứng dụng hay không. Bởi ngân sách nhà nước không bao giờ là đủ, đồng thời chi tiêu từ ngân sách nhà nước phải tuân thủ quy định rất ngặt nghèo của Luật pháp. Ngân sách nhà nước là tiền thuế của dân, vì thế các nhà khoa học khi dùng ngân sách nhà nước cho hoạt động nghiên cứu thì rất khó có thể tạo ra được sản phẩm như họ mong muốn, vì cơ chế chi tiêu của chúng ta rất chặt chẽ, hạn hẹp. Nhưng với quỹ đầu tư mạo hiểm thì khác.

- Cụ thể quỹ đầu tư mạo hiểm sẽ vận hành như thế nào?

- Quỹ này chủ yếu là đóng góp từ doanh nghiệp, tổ chức cá nhân không phải ngân sách nhà nước, nên người ta chỉ cần nhà khoa học bàn giao sản phẩm đúng theo hợp đồng là mọi khoản chi tiêu từ quỹ sẽ được thanh toán tiện lợi, đơn giản.

Vì thế, chúng tôi mong muốn thí điểm một quỹ đầu tư mạo hiểm và ứng dụng quy trình thủ tục của một quỹ không dùng ngân sách nhà nước đầu tư cho những ý tưởng của các nhà khoa học, đặc biệt là ý tưởng mới, ý tưởng của các nhà khoa học trẻ.

Chúng tôi nghĩ rằng quỹ đầu tư mạo hiểm sẽ chia sẻ rủi ro của hoạt động nghiên cứu, vì nếu dùng ngân sách nhà nước mà nghiên cứu không thành công rất dễ các nhà khoa học đối mặt với thanh tra, kiểm toán, thậm chí là phải trả cho nhà nước những kinh phí đã chi tiêu.

Với quỹ đầu tư mạo hiểm dễ dàng chấp nhận rủi ro, nên khi các nhà khoa học thất bại thì nhà đầu tư chịu chung thất bại và ngược lại.

Ngoài ra, quỹ sẽ được sử dụng hiệu quả, vì chính nhà đầu tư sẽ là người giám sát, quyết định có đầu tư vào một ý tưởng nào đó hay không, đầu tư cho ai… chứ không phải đầu tư bừa bãi.

- Lộ trình của quỹ đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam như thế nào thưa ông?

- Chúng tôi sẽ làm thí điểm mô hình đầu tiên để xem mức độ thành công đến đâu, sau đó mới có thể xác định nên thành lập hệ thống quỹ đầu tư mạo hiểm ở các khu công nghệ cao, khu ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp.

Tôi hy vọng đến năm 2014 sẽ là năm đầu tiên một quỹ đầu tư mạo hiểm không chính thức của Việt Nam đi vào hoạt động, tài trợ cho một số dự án ban đầu. Sau một vài năm chúng tôi hy vọng sẽ có kết quả.

- Bộ trưởng đánh giá thế nào về một số quỹ đầu tư mạo hiểm ở nước ngoài tại Việt Nam?


- Tôi thấy hiệu quả hoạt động của  một số quỹ đầu tư mạo hiểm ở nước ngoài tại Việt Nam còn rất hạn chế, vì nó còn vướng phải khó khăn là giới khoa học và doanh nghiệp Việt Nam chưa biết đến họ. Thứ hai, hệ thống cơ chế chính sách nước ta phần nào hạn chế việc tiếp cận của doanh nghiệp và giới khoa học đối với đầu tư mạo hiểm từ các quỹ nước ngoài. Quỹ này cũng còn mới nên các giới quản lý chưa có kinh nghiệm và chưa thật sự tham gia vào lĩnh vực này.

Nếu có đề án thí điểm, chúng ta mới vận hành quỹ bằng nguồn kinh phí của doanh nghiệp, Việt Nam sẽ mạnh dạn hơn khi sử dụng quỹ đầu tư mạo hiểm nước ngoài.

Vì vậy, nếu không nhanh chóng xây dựng hệ thống quỹ đầu tư mạo hiểm tại Việt Nam thì chúng ta sẽ mất thị phần trên thị trường chuyển giao công nghệ cũng như đầu tư mạo hiểm trong nước.

Xin cảm ơn Bộ trưởng.
Nguồn: VnExpress

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả