SpStinet - vwpChiTiet

 

Tận dụng nước thải sau chưng cất cồn để sản xuất chế phẩm sinh học 

Đó là nội dung được TS. Võ Thị Hạnh (Viện Sinh học Nhiệt đới) trao đổi trong buổi báo cáo chuyên đề: "Chế phẩm sinh học Bio-HR sản xuất từ nước thải sau chưng cất cồn để phục vụ chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản" diễn ra tại Trung tâm thông tin KH&CN TP.HCM (CESTI) sáng ngày 04/04/2013.
 
 
Nước thải sau chưng cất cồn của nhà máy rượu Bình Tây (Quận 6) - (Ảnh do TS. Võ Thị Hạnh cung cấp).

Nước thải sau chưng cất cồn (NTSCCC) là nguồn nguyên liệu không chỉ dồi dào mà còn rất giàu dinh dưỡng. Trên thế giới, cồn (rượu) vốn được sản xuất từ nhiều loại nông sản, phổ biến là: bắp (Mỹ, Canada, Trung Quốc), mía đường (Brazil), lúa mì, lúa mạch (Đức, Tây Ban Nha, Ba lan, Trung Quốc), củ cải đường (Pháp), khoai mì (Trung Quốc, Thái Lan), rỉ đường (Thái Lan)...  Riêng tại nước ta, tổng sản lượng cồn mỗi năm là 30 triệu lít, sản xuất từ rỉ đường mía, tinh bột gạo và khoai mì.

Trung bình, sản xuất 1 lít cồn thải ra hơn 9 lít nước thải. Như vậy, theo TS. Võ Thị Hạnh, thể tích lượng NTSCCC có thể gấp từ 10-14 lần thể tích ethanol, với hàm lượng chất hữu cơ cao (giàu các vitamin nhóm B, protein, nấm men tự phân, chất xơ, axit amin và khoáng chất). Những năm 70, nhiều quốc gia đã dùng loại nước thải này thay thế phân bón vô cơ giúp tăng năng suất cây mía do có hàm lượng nitơ, photpho và dinh dưỡng cao, nhưng về lâu dài lại gây ô nhiễm đất và nước ngầm. Do đó, sử dụng NTSCCC để làm thức ăn cho gia súc và thủy sản là thích hợp nhất. Hiện nay, khoảng 85% NTSCCC được tận dụng làm thức ăn chăn nuôi tại Mỹ.

Trên cơ sở phân tích số liệu sáng chế (SC) quốc tế, chuyên viên CESTI cũng nhận định, việc nghiên cứu sử dụng NTSCCC làm chế phẩm sinh học bắt đầu được thế giới quan tâm từ năm 1980. Nhật, Trung Quốc, Hàn Quốc và Đài Loan là 4 quốc gia châu Á có nghiên cứu trong lĩnh vực này. Trong đó, Trung Quốc tuy bắt đầu nghiên cứu sau những nước khác nhiều năm nhưng đã nhanh chóng dẫn đầu về số lượng SC hiện nay, không chỉ ở khu vực châu Á mà còn trên bình diện thế giới. Các con số phân tích xu hướng SC cũng khẳng định lại thông tin do TS. Võ Thị Hạnh đưa ra: hướng nghiên cứu sử dụng NTSCCC phục vụ chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản được quan tâm nhiều nhất trên thế giới (46% lượng SC đăng ký).

Tại buổi báo cáo có trưng bày một số chế phẩm sinh học từ NTSCCC của Viện sinh học Nhiệt đới, trong đó chế phẩm mới - BIO-HR (dạng lỏng) - rất được các đại biểu tham dự quan tâm. BIO-HR đã được thử nghiệm, xử lý NTSCCC của Nhà máy rượu Bình Tây (Quận 6, TP.HCM) để làm thức ăn cho gà Lương Phượng tại ĐH. Nông Lâm TP.HCM, cho đàn heo 72 ngày tuổi (Quận 2, TP.HCM), và cá tra giống (Thị Trấn Mỹ An, H. Tháp Mười, T. Đồng Tháp). TS. Võ Thị Hạnh cho biết, nhờ quy trình, dụng cụ và thiết bị đơn giản; nguyên vật liệu rẻ tiền; tiết kiệm mặt bằng; nên lợi nhuận thu được tại các nơi đều đạt trên 20% với hệ số tăng trọng cao và tiêu tốn ít thức ăn. Chế phẩm này đã được Trung tâm Dịch vụ Phân tích Thí nghiệm TP.HCM chứng nhận chất lượng, có thể bảo quản được trên 6 tháng trong điều kiện bình thường.

Việc sử dụng NTSCCC làm chế phẩm sinh học cho chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản không chỉ giải quyết bài toán môi trường mà còn có ý nghĩa về mặt kinh tế. Vừa giảm giá thành sản xuất cồn nhờ giảm chi phí xử lý nước thải (35.000/1 mét khối), vừa mang lại sản phẩm tăng năng suất giá rẻ phục vụ nông nghiệp. Một số phân tích kinh tế cho thấy, doanh thu từ việc tận dụng phụ phẩm của quá trình sản xuất cồn có thể đạt đến 30% doanh thu từ sản phẩm chính.
 
TN

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả