SpStinet - vwpChiTiet

 

Nhiều kết quả nghiên cứu vật lý địa cầu được ứng dụng

Đó là khẳng định của các nhà khoa học tại Hội nghị khoa học Quốc tế “Vật lý địa cầu - hợp tác và phát triển bền vững” do Viện Vật lý địa cầu (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) phối hợp với Hội khoa học kỹ thuật Địa vật lý Việt Nam tổ chức ngày 14/11 tại Hà Nội.
 

Theo TS. Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu cho biết, vật lý địa cầu ở Việt Nam là ngành khoa học có nhiệm vụ nghiên cứu các trường vật lý của các quyển trái đất: quyển rắn, quyển nước và quyển khí. Các hiện tượng thiên nhiên như động đất, sóng thần, bão từ, trượt lở đất, lũ lụt, bão và lốc xoáy ngày càng rõ nét hơn. Đánh giá đầy đủ các hiện tượng thiên tai để phòng tránh, quản lý chúng là một nhiệm vụ quan trọng.

Trong thời gian qua, viện vật lý địa cầu đã chủ trì thực hiện nhiều đề tài chính, quan trọng như nghiên cứu các đặc trưng của trường địa vật lý vùng thềm lục địa Việt Nam và lân cận; nghiên cứu động đất kích thích ở hồ chứa Hòa Bình, hồ chưa Sơn La; địa chất, điạ động lực và tiềm năng khoáng sản ở vùng biển Việt Nam; nghiên cứu các giải pháp giảm nhẹ động đất ở Việt Nam; thành lập bản đồ phân vùng động đất ở Việt Nam tỷ lệ 1/1.000.000, đánh giá nguy hiểm động đất ở Đông Nam Á và vùng kế cận; nghiên cứu cấu trúc sâu, địa động lực và đánh giá độ nguy hiểm động đất và sóng thần trên vùng biển Việt Nam; nghiên cứu đánh giá độ nguy hiểm động đất và dao động nền phục vụ công tác quy hoạch và thiết kế chống động đất cho các công trình xây dựng.

“Những công trình nghiên cứu về động đất, địa chấn, kiến tạo lãnh thổ Việt Nam và lân cận đã làm sáng tỏ nguyên nhân phát sinh và các quy luật biểu hiện động đất trên lãnh thổ Việt Nam, làm cơ sở đánh giá độ nguy hiểm động đất của nước nhà phục vụ công tác quy hoạch và kháng chấn. Các kết quả nghiên cứu đặc điểm về tầng khí quyển, bức xạ mặt trời, về gió, đặc điểm của hoạt động dông sét đã được sử dụng trong nhiều lĩnh vực quốc phòng, y tế, nông nghiệp và phòng chống thiên tai, đặc biệt là chống sét cho người và tài sản, công trình” TS Nguyễn Xuân Anh nói.

Phát biểu tại hội nghị, GS.TSKH Dương Ngọc Hải, Phó chủ tịch Viện KH&CN Việt Nam cho rằng, hội nghị là cơ hội để các nhà khoa học nước trao đổi, đánh giá về kết quả điều tra nghiên cứu và xây dựng tiềm lực của ngành vật lý địa cầu Việt Nam, phát huy tiềm năng hợp tác và hội nhập quốc tế của khoa học vật lý địa cầu với các nhà khoa học quốc tế để nâng cao hiệu quả ứng dụng trong tìm kiếm thăm dò khoáng sản, phòng tránh giảm nhẹ thiên tai và đối phó với biến đổi khí hậu, nâng tầm uy tín của Việt Nam trong nghiên cứu vật lý địa cầu ở khu vực và quốc tế.

Dự kiến, Hội nghị sẽ kéo dài đến hết ngày 17/11. Ngoài chương trình khoa học tại Hà Nội, các nhà khoa học của Việt Nam và các nước còn tham gia chuyến khảo sát thực địa dọc theo đứt gãy Sông Hồng và thăm Đài Vật lý Địa cầu đầu tiên của Việt Nam tại Sa Pa (tỉnh Lào Cai).
 
Nguồn: Báo Đất Việt

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả