SpStinet - vwpChiTiet

 

Giới thiệu kết quả nghiên cứu KH&CN, TP. HCM 1&2/2015

 


Với mục tiêu đánh giá tác động của việc đô thị hóa và hoạt động công nghiệp lên hệ thống sông Sài Gòn – Đồng Nai, đề tài nghiên cứu dựa trên phân tích quần thể vi sinh vật trong bùn khu vực hạ lưu (gồm 2 nhánh sông chính là Sài Gòn và Đồng Nai tới hợp lưu Mũi Đèn Đỏ), lớp bùn mặt (lớp bùn linh động) có độ sâu 0-5cm là nơi mới tiếp nhận các chất ô nhiễm.


Nhóm nghiên cứu tiến hành lấy mẫu bùn và phân tích hóa lý để đánh giá sự ô nhiễm trong bùn; nghiên cứu quần thể vi khuẩn chung, chú trọng chỉ thị ô nhiễm đô thị, công nghiệp và vai trò sinh thái bằng công cụ gene chỉ thị 16S rDNA (phương pháp pyrosequencing); nghiên cứu quần thể chức năng chuyển hóa các hợp chất hydrocarbon thơm bằng công cụ gene chỉ thị aromatic hydrocarbon dioxygenase – ARHDO (phương pháp cloning).


Kết quả cho thấy, ô nhiễm nước ở hạ lưu sông Đồng Nai thể hiện sự giao thoa của 3 loại hình công nghiệp, đô thị và nông nghiệp. Bùn sông Sài Gòn và Đồng Nai không có nguy cơ ô nhiễm đáng kể về kim loại nặng và PAHs (Polycyclic aromatic hydrocarbons), nhưng có nguy cơ với PCBs (Polychloriated biphenyls). Ô nhiễm các chất hữu cơ dễ phân hủy tập trung ở phía thượng nguồn cả 2 nhánh sông (cầu Bến Súc – Sài Gòn, Nhà máy nước Thiện Tân – Đồng Nai). Sông Sài Gòn ô nhiễm công nghiệp cao hơn sông Đồng Nai, ngược lại sông Đồng Nai ô nhiễm nước thải sinh hoạt, chăn nuôi cao hơn sông Sài Gòn. Bùn hệ thống sông Đồng Nai xáo trộn mạnh phía hợp lưu, ít xáo trộn khu vực trung lưu. Trên sông Sài Gòn, có 8 dạng ARHDO trong đó ưu thế là dạng gần với gene Corynebacterium hoặc Rhodococcus. Quần thể vi khuẩn chuyển hóa hiếu khí các hợp chất hydrocarbon thơm phổ biến trên toàn hệ thống; quần thể vi khuẩn chuyển hóa kỵ khí các hợp chất hydrocarbon chứa clo chiếm ưu thế bởi Decholomonas và Dehalogenimonas ở vùng trung lưu.


Nhóm nghiên cứu đề nghị quan trắc PCBs và PAHs trong bùn tại vị trí họng thu nước Hòa Phú trên sông Đồng Nai; phát thải PCBs và PAHs nội đô TP. HCM có chiều hướng gia tăng, cần có biện pháp giảm thiểu; quan tâm việc quan trắc và sử dụng công cụ gene Dehalogenase trong quan trắc sự chuyển hóa PCBs trong bùn sông. Đề tài này có ý nghĩa trong việc bảo vệ sinh thái môi trường nước, bảo vệ đa dạng sinh học; cảnh báo ô nhiễm và cung cấp công cụ vi sinh để quan trắc sự chuyển hóa sinh hóa các hợp chất chậm phân hủy sinh học.
 




Khảo sát của nhóm nghiên cứu cho thấy, hiện nay các công ty sản xuất giày đều sử dụng hình thức cấp phôi (mũ giày) thủ công lên băng tải của máy in lụa, căn cứ theo các đường chuẩn là các đường kẻ dọc, ngang trên băng tải. Vì vậy, độ chính xác không cao (sai lệch hiện tại khoảng ± 1 mm), nhiều phế phẩm, tốn nhiều nhân công và thời gian ở công đoạn cấp phôi. Đề tài tiến hành nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thử nghiệm hệ thống sử dụng robot cấp phôi (mũ giày) chính xác cho máy in lụa tự động 6 trạm đặt dọc dùng để in các vạch nhấn song song lên mũ giày nhằm tăng độ chính xác vị trí của các vạch nhấn.


Kết quả đã thiết kế chế tạo được hệ thống cấp phôi với độ chính xác vị trí của các vạch trên mũ giày đạt yêu cầu ± 0,5mm. Hệ thống gồm bàn máy X-Y-θ để điều chỉnh vị trí mũ giày (khối lượng < 30 kg, kích thước 50 x 50 x 40 cm), tay máy để di chuyển mũ giày sang băng tải của máy in (khối lượng < 25 kg, kích thước 120 x 30 x 120 cm).


Hệ thống đã được chạy thử nghiệm với 450 mũ giày gồm 3 màu đen, nâu, hồng (mỗi loại 150 mũ giày). Kết quả cho thấy, kết cấu cơ khí của hệ thống cấp phôi (bao gồm cơ cấu cấp phôi thô, bàn điều chỉnh vị trí, đầu hút mũ giày, hệ thống chuyển phôi từ bàn điều chỉnh vị trí sang băng tải của máy in) đảm bảo độ cứng vững, hoạt động ổn định, đạt độ chính xác theo yêu cầu. Mạch điều khiển, camera và phần mềm xử lý ảnh hoạt động ổn định. Thời gian cấp 1 mũ giày 30 giây, đạt yêu cầu (< 60 giây). Sai số vị trí đo được của tất cả các mũ giày thử nghiệm 0,32 – 0,38 mm (< 0,5 mm). Kết quả nghiên cứu này là cơ sở để thiết kế, chế tạo toàn bộ hệ thống in lụa tự động 6 trạm dùng để in các vạch nhấn lên mũ giày cung cấp cho các công ty sản xuất giày ở Việt Nam.
 




Các thiết bị hàn chi tiết kim loại dạng ống hiện nay chủ yếu được nhập từ nước ngoài, giá thành, chi phí vận hành bảo dưỡng khá cao, không phải doanh nghiệp nào cũng đầu tư được. Đề tài được thực hiện nhằm thiết kế chế tạo hệ thống hàn ống tự động, tiến tới làm chủ công nghệ, góp phần nội địa hóa thiết bị, đáp ứng nhu cầu trong nước với giá thành thấp, chất lượng tương đương thiết bị ngoại nhập, đạt hiệu quả kinh tế cao, thay thế công nhân làm việc trong môi trường độc hại.


Hệ thống hàn ống tự động được thiết kế và chế tạo hoàn chỉnh gồm ba phần chính là phần cơ khí (giữ và xoay ống để đảm bảo vận tốc hàn cố định), phần điện – điện tử và điều khiển. Hệ thống có kích thước 2.500 x 650 x 1.300 mm; đầu mỏ hàn có thể di chuyển theo phương x 0-1.000 mm, phương y từ 0-200 mm, xoay từ - 450 đến 450; đường kính ống hàn 20-200 mm; tủ điều khiển được thiết kế linh hoạt, có thể xếp gọn khi không sử dụng và chống tác động từ bên ngoài vào các phần điện – điện tử để đảm bảo an toàn; panel điều khiển đơn giản, giúp việc vận hành dễ dàng. Chân máy phù hợp với việc lắp đặt ở các địa hình khác nhau.


Sản phẩm đã được sử dụng tại Nhà máy A41 (Bộ Quốc phòng) cho chất lượng mối hàn đồng đều, đạt các chỉ tiêu kỹ thuật yêu cầu, được đánh giá có tiềm năng thương mại tốt.



Sản phẩm của đề tài.

Danh sách các đề tài / dự án nghiệm thu trong quý 4 năm 2014
 

VÂN NGUYỄN, STINFO số 1&2/2015

Tải bài này về tại đây.


Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả